MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền đâu mỗi năm 12-13 tỷ USD đầu tư điện?

Tiền đâu mỗi năm 12-13 tỷ USD đầu tư điện?

Chiều ngày 12/3/2021, tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn Bộ Công Thương cùng Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí, truyền thông về các lĩnh vực của ngành Công Thương quản lý.

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc rà soát tổng thể các dự án điện mặt trời, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, hiện điện mặt trời mái nhà (MTMN) là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải, tận dụng được diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối, ... do đó cần khuyến khích các thành phần kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia đầu tư để cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, vừa rồi Thủ tướng có yêu cầu Bộ Công Thương rà soát phát triển điện mặt trời, tránh phát triển ồ ạt và quá tải đường dây. Ông Hoàng Tiến Dũng lý giải, việc quá tải diễn ra vào năm 2019 và đầu 2020 tại một số địa phương như Ninh Thuận vì tốc độ phát triển dự án rất nhanh. Với dự án điện mặt trời tốc độ xây dựng chỉ từ 4-6 tháng, nhưng với đường dây truyền tải thời gian xây dựng phải mất từ 2 năm trở lên, nên sự tương thích về đầu tư và phối hợp chưa nhịp nhàng.

"Thời gian qua EVN đã xây dựng nhiều công trình, dự án truyền tải, nhiều dự án của tư nhân… nên cơ bản đến nay quá tải do năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo theo đó đã được giải quyết"- ông Hoàng Tiến Dũng khẳng định. Ông Hoàng Tiến Dũng cho biết thêm, vừa rồi có trường hợp dư thừa công suất, gây ra khó khăn cho vận hành hệ thống điện. 

Đầu năm 2021 rơi vào Tết Nguyên đán sản lượng điện cũng được yêu cầu thấp hơn, nên tất cả các nhà máy không chỉ mặt trời mà các nguồn truyền thống đều phải cắt giảm công suất. Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã đã có công văn gửi EVN và địa phương báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 13 và ngày 5/3 đã lập đoàn kiểm tra và dự kiến kiểm tra 10 tỉnh, thời gian thực hiện 40 ngày và khi có kết quả sẽ thông tin. Thời gian kiểm tra diễn ra trong 40 ngày. Kết quả của quá trình kiểm tra, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông tin công luận được biết.

Tiền đâu mỗi năm 12-13 tỷ USD đầu tư điện? - Ảnh 1.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Liên quan đến quy hoạch điện VIII, với nhu cầu vốn lên đến 150 tỷ USD, nhu cầu phụ tải duy trì mức cao 8-9%/năm, tổng công suất 140.000 MW gấp đôi so với hiện nay, nên cần nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, mỗi năm cần 12-13 tỷ USD là thách thức lớn cho phát triển.

Vấn đề nguồn vốn là phức tạp nên với từng dự án thì chủ đầu tư phải lập nghiên cứu báo cáo phân tích khả thi, tính toán cụ thể, nhưng quy hoạch chỉ đưa ra tổng vốn huy động và giải pháp chính. Trong đó, với huy động vốn đề xuất giải pháp là tăng khả năng tài chính nội bộ của doanh nghiệp, tăng uy tín năng lực tài chính để vay vốn thuận lợi với chi phí thấp hơn. 

"Với nguồn vốn hàng năm huy động cao như vậy, cần có cơ chế mạnh mẽ hơn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngành điện thông qua cơ chế đấu thầu hoặc xã hội hóa đường dây truyền tải,… để huy động nguồn lực" - ông Hoàng Tiến Dũng nói. Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhìn nhận, khi có cơ chế hợp lý, hài hòa lợi ích các bên sẽ có nguồn lực mạnh mẽ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề điều chỉnh giá điện theo cơ cấu nguồn điện mới trong Tổng sơ đồ VIII và vấn đề xem xét cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại Quyết định 28, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay, hiện nay cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đang được thực hiện theo Quyết định 24 ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo đó, giá bán lẻ điện sẽ được xây dựng phản ánh các yếu tố đầu vào, các chi phí cho toàn bộ chuỗi dây chuyền sản xuất cung ứng điện từ khâu truyền tải, phân phối, từ bán lẻ điện đến các khách hàng sử dụng điện, hiện nay Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục chỉ đạo và điều hành giá điện theo đúng quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ.

Về sơ đồ điện VIII, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Bộ Công Thương xem xét và sẽ sớm trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới. Cụ thể, trong tổng sơ đồ điện VIII sẽ có quy hoạch về phát triển các nguồn điện trong giai đoạn tới cũng như dự kiến khối lượng, định hướng phát triển của lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối. Song song với đề án này, Bộ Công Thương cũng đã có đưa ra chi phí cận biên trong khâu nguồn, chi phí cận biên lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối.

Song song với việc xây dựng tổng sơ đồ này, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai xây dựng các khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2021 – 2026. Về nguyên tắc, khung giá bán lẻ điện này sẽ bám sát vào các khối lượng đầu tư trong khâu phát điện, khâu truyền tải cũng như phân phối.

Về vấn đề điều hành giá điện, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ kiên trì thực hiện việc điều hành giá điện theo đúng quy định tại Quyết định 24 cũng như định hướng về vấn đề điều hành giá điện theo cơ chế thị trường định hướng tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Tiền đâu mỗi năm 12-13 tỷ USD đầu tư điện? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực

Đối vấn đề xem xét cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại Quyết định 28, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2020 Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu, xem xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện.

Đề án này cũng đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, các địa phương cũng như báo cáo xin ý kiến rộng rãi của khách hàng sử dụng điện. Trên cơ sở đánh giá, góp ý kiến của các đơn vị của khách hàng sử dụng điện, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo đó Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Quyết định 28 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phục vụ cho các khách hàng sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, hành chính sự nghiệp để đảm bảo phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện khách hàng. "Sau khi hoàn chỉnh phương án này,  Bộ Công Thương cũng sẽ lại một lần nữa lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành và các đơn vị trước khi hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định" - ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Thái Quỳnh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên