MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản đã ồ ạt như kỳ vọng?

12-12-2023 - 15:08 PM | Bất động sản

Lãi suất cho vay ngân hàng giảm nhiệt, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khả quan nhưng dòng tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản vẫn không như kỳ vọng.

Trong báo cáo chuyên đề mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, thực tế thời gian qua, dòng tiền đã không "đổ" vào lĩnh vực bất động sản như kỳ vọng. Người dân vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, chấp nhận mức lãi suất thấp nhằm đảm bảo an toàn. Theo VARs, do tình hình kinh tế chung, thị trường bất động sản nói riêng vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn và phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của người dân.

Mặt khác, theo VARS, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục hoàn toàn trong bối cảnh môi trường đầu tư vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang "bủa vây" các doanh nghiệp bất động sản. Dù lãi suất cho vay đã giảm theo mặt bằng lãi suất huy động, song hiện nay, người dân vẫn không dám vay hoặc không vay được.

Báo cáo chuyên đề của VARs dẫn báo cáo tài chính quý III/2023 của nhiều ngân hàng, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng rất mạnh trong khi cho vay mua nhà để ở tăng chậm. Nguyên nhân của thực tế này là do cơ chế cho các khoản vay mua nhà để ở phức tạp, nhiều quy định chặt chẽ hơn từ quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục đến phương án sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ. Vì vậy, nhu cầu đầu tư của người dân có xu hướng sụt giảm.

Đồng thời, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và tiền vay vẫn còn rất lớn, nhiều người dân thậm chí không dám vay do lo ngại lãi suất tăng trở lại sau thời gian hết ưu đãi.

Trước đó, VARs từng dự báo, quý III/2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Bởi đây sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không. Theo đó, lãi suất huy động giảm về mức dưới 6-7% được đánh giá là cơ hội để dòng tiền đầu tư vào các kênh lợi nhuận cao hơn kênh gửi truyền thống. Nhưng đến thời điểm hiện tại, dòng tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản không như kỳ vọng.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô tốt như lãi suất tiền gửi giảm, CPI và tỷ giá ổn định,… nhưng dòng tiền đổ vào bất động sản vẫn "kẹt".

Ông Hiển cho rằng, dòng tiền đang kẹt vì xử lý nợ bất động sản quá nặng. Nếu giai đoạn 2011 - 2013, xử lý nợ xấu bất động sản chỉ trong công việc của cơ quan quản lý với các ngân hàng thương mại và một bộ phận trung lưu có tiền ở thành phố lớn. Thì hiện nay, nợ xấu lan ra nhóm trung bình và khắp nơi kể cả thị trấn, huyện. Điều này đã được dự báo từ tháng 5/2022 khi thị trường bất động sản còn sôi động.

Do vậy năm 2024, dòng tiền sẽ cải thiện từ từ đổ vào lĩnh vực bất động sản, chưa thể ồ ạt. Nền kinh tế và tiêu dùng nội địa cần cả năm 2024 để vượt qua khó khăn.

"Tuy là các hoạch định đầu tư kinh doanh lớn khó có cơ hội, nhưng cách kinh doanh nhỏ, cụ thể và làm từng bước vẫn nhiều dư địa để phát triển mạnh vào 2026, trùng với thời điểm dòng tiền cung ra rất mạnh".

Nói thêm về lĩnh vực địa ốc, ông Hiển nhấn mạnh, cách đầu cơ bất động sản như 2020-2022 và các loại kinh doanh bất động sản siêu lợi nhuận kiểu cũ sẽ không còn phù hợp ở giai đoạn này. Ông Hiển khuyến nghị, về hoạch định kinh doanh, nhà đầu tư chuẩn bị chu đáo trong 2 năm để đón cơ hội mới là không dài, kể cả kinh doanh hay đầu tư bất động sản.

Theo Nguyễn Nguyễn

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên