Tiện ích hiện đại mà người Trung Quốc 'dùng như đi chợ' thì nhiều người Mỹ thậm chí không có khái niệm: Giấc mơ còn bao xa?
Khoản đầu tư hơn 10 tỷ USD dự kiến sẽ tạo ra khoảng 35.000 việc làm tại Mỹ trong quá trình xây dựng.
- 29-04-2023Từng cho rằng Elon Musk là ‘chân ái’ duy nhất, nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey bất ngờ ‘lật mặt’ chỉ trích ông chủ Tesla
- 29-04-20235 nước Đông Âu đạt thỏa thuận với EC giải quyết dư thừa ngũ cốc của Ukraine
- 29-04-2023Xuất hiện phần mềm độc hại có thể giữ điện thoại làm 'con tin', khiến bạn mất quyền truy cập hoàn toàn
Ngày 24/4, một số nghị sĩ lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ từ Nevada và California đã viết thư cho chính quyền Tổng thống Joe Biden, yêu cầu đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Las Vegas - Los Angeles.
Trong thư gửi Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg, sáu nghị sĩ Quốc hội từ bang Nevada và bốn người từ bang California cho biết, họ ủng hộ việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc do công ty tư nhân Brightline West thực hiện.
Các nhà lập pháp Mỹ đã đề cập trong thư rằng, Brightline West có kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD cho dự án đường sắt cao tốc này, và Quốc hội Mỹ yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden phân bổ 3,77 tỷ USD cho dự án theo "Đạo luật cơ sở hạ tầng của Mỹ" đã được thông qua trước đó.
Nhiều người Mỹ không có khái niệm về đường sắt cao tốc
Hồi tháng 3, Brightline West đã thông báo rằng, công ty có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 351 km giữa nông trường Rancho Cucamonga gần thành phố Los Angeles và Las Vegas, tuyến đường này sẽ đi qua vùng núi và sa mạc San Bernardino.
Brightline West trong một tuyên bố cho biết, sau khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt cao tốc mới này có thể đạt tốc độ lên tới 322 km/giờ, dự kiến sẽ giảm hơn 40 triệu chuyến đi bằng ô tô hoặc xe buýt giữa Los Angeles và Las Vegas hàng năm, góp phần làm giảm 400.000 tấn khí thải CO2, và sẽ giảm đáng kể gánh nặng giao thông trên Xa lộ liên tiểu bang 15 (Interstate 15).
Tuyên bố cho biết, khoản đầu tư hơn 10 tỷ USD dự kiến sẽ tạo ra khoảng 35.000 việc làm trong quá trình xây dựng và hơn 1.000 việc làm lâu dài sau khi tuyến đường sắt cao tốc đi vào hoạt động.
Việc khai trương tuyến đường sắt cao tốc cũng đồng nghĩa với sự trở lại của các chuyến tàu chở khách ở Las Vegas sau 30 năm gián đoạn.
Scott Sherin - Giám đốc thương mại chi nhánh tại Mỹ của nhà sản xuất tàu hỏa Alstom - cho biết, tuyến đường sắt cao tốc sắp được xây dựng giữa Los Angeles và Las Vegas có thể trở thành hình mẫu cho các kế hoạch đường sắt cao tốc trong tương lai của Mỹ, giúp đánh giá những hệ thống giao thông giữa các thành phố quá gần để di chuyển bằng máy bay nhưng lại quá xa để di chuyển bằng ô tô, từ đó dự đoán nơi nào có tiềm năng lớn nhất để phát triển.
Ông Sherin nói: "Mỹ vẫn chưa phát triển hệ thống đường sắt cao tốc quốc gia là có lý do. Trong mấy chục năm trở lại đây, di chuyển bằng ô tô đã không còn khó khăn. Nhưng với tình trạng tắc nghẽn đường cao tốc ngày càng trầm trọng, chúng ta đã đến lúc phải bắt đầu suy nghĩ về các lựa chọn thay thế".
Theo Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, hiện tại có hơn 600 km đường sắt ở Mỹ có thể dùng cho các đoàn tàu di chuyển với tốc độ 160 km/giờ.
"Nhiều người Mỹ không có khái niệm về đường sắt cao tốc và không thấy được giá trị của nó. Họ khăng khăng chọn đường cao tốc và đường hàng không" , William C. Vantuono - Tổng biên tập tờ "Thời đại Đường sắt", ấn phẩm ngành đường sắt lâu đời nhất ở Bắc Mỹ - cho biết.
Theo Tổng biên tập tờ "Thời đại Đường sắt", nhiều người Mỹ không có khái niệm về đường sắt cao tốc và không thấy được giá trị của nó. Ảnh: Brightline
"Giấc mơ đường sắt cao tốc" của Mỹ
Theo "Đạo luật cơ sở hạ tầng của Mỹ" trị giá 1,2 nghìn tỷ USD của chính quyền Tổng thống Biden, 170 tỷ USD sẽ được sử dụng để cải thiện hệ thống đường sắt của nước này.
Theo đó, một phần số tiền sẽ được sử dụng để sửa chữa tuyến Hành lang Đông Bắc (NEC) đã xuống cấp của Công ty vận tải hành khách đường sắt quốc gia Amtrak, kết nối các thành phố Boston, New York và Washington.
Ngoài tuyến đường sắt cao tốc đã được phê duyệt của công ty tư nhân Brightline West, còn có các dự án đường sắt cao tốc ở bang California và Texas, cũng như một tuyến khác nối thành phố Portland ở bang Oregon với Seattle và Vancouver vẫn đang trong giai đoạn thảo luận.
Ông Sherin nói: "Các đời Tổng thống Mỹ kể từ thời Reagan đều nói về nhu cầu cấp thiết phải cải thiện cơ sở hạ tầng của Mỹ, nhưng họ luôn có những ưu tiên khác lớn hơn. Nhưng hiện tại có một động lực rất lớn thúc đẩy sự phát triển và chúng ta nên lạc quan về điều đó. Nếu chúng ta xây dựng [đường sắt cao tốc], chúng ta có thể giảm ùn tắc. Là một ngành nghề, chúng ta đang không ngừng phát triển, sẵn sàng thực hiện bước tiếp theo, và đã đến lúc tập trung vào đường sắt chở khách".
Ông Sherin cho biết, đường cao tốc của Mỹ và các dịch vụ vận chuyển công cộng lớn như sân bay đang được trợ cấp rất nhiều, do đó, làm điều tương tự với đường sắt "sẽ không gặp khó khăn".
"Chúng ta cần nói rõ hơn về lợi ích của đường sắt cao tốc, bao gồm việc làm chất lượng cao, thúc đẩy nền kinh tế và khả năng kết nối tốt hơn đường hàng không… những điều này sẽ giúp chúng ta nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Đường sắt cao tốc không phải là tất cả, nhưng nó có một vị trí nhất định", ông Sherin nói thêm.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện là đất nước sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, gồm 5 tuyến đạt tốc độ 350 km/h. Họ đạt được vị thế này chỉ sau hơn 1 thập kỷ khởi động chương trình cao tốc vào năm 2003. Hệ thống đường sắt của quốc gia tỷ dân đến nay đã lên tới hơn 42.000km, đi qua 93% số đô thị có dân số trên 500 nghìn.
Người dân Trung Quốc đã quen thuộc với việc di chuyển bằng đường sắt, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ dài ngày. Vào kỳ Xuân vận dịp Tết Âm lịch năm 2023, đường sắt cao tốc Trung Quốc đã vận chuyển hơn 102 triệu lượt chuyến đi trong giai đoạn 22/1-1/2, vượt 33,5 triệu chuyến so với năm trước.
Năm 2022, Trung Quốc đưa vào hoạt động hơn 4.100 km đường sắt, trong đó đường sắt cao tốc chiếm khoảng hơn một nửa. Quy mô đầu tư của ngành lên đến 105 tỷ USD. Bắc Kinh dự kiến hơn 2.500 km đường sắt cao tốc sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2023.
Nhịp sống thị trường