MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền khám bệnh tăng 2-4 lần

24-04-2017 - 08:40 AM | Xã hội

Từ ngày 1-6, người bệnh có BHYT và không BHYT sẽ cùng mức viện phí. Tuy nhiên, người có BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả 80%-100%, người không có BHYT phải tự chi trả hoàn toàn.

Theo ông Lê Văn Phúc, Phó Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, từ ngày 1-6, viện phí sẽ được điều chỉnh để người không thẻ BHYT và có thẻ BHYT đều chung mức giá mà người có thẻ BHYT thực hiện từ năm 2016.

Giá phẫu thuật rất cao

Theo đó, tiền khám bệnh sẽ tăng 2-4 lần so hiện nay. Cụ thể, tiền khám tối đa (gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) ở bệnh viện (BV) hạng đặc biệt và BV hạng 1 là 39.000 đồng/lượt, hạng 2 là 35.000 đồng/lượt, hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và BV hạng 4/phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt. Giường điều trị hồi sức tích cực ở BV hạng đặc biệt tăng từ 335.000 đồng lên 677.000 đồng/người, BV hạng 1: từ 354.000 đồng lên 632.000 đồng, hạng 2: từ 350.000 đồng lên 568.000 đồng. Tiền giường bệnh nội khoa BV hạng 1 tăng từ 80.000 đồng lên 215.000 đồng…

Nhiều phẫu thuật sau khi được tính đủ chi phí trực tiếp và lương nhân viên y tế sẽ có giá rất cao. Đơn cử, phẫu thuật về ngoại thần kinh có giá 4-7 triệu đồng, phẫu thuật ngoại lồng ngực - mạch máu 1,5-18 triệu đồng/dịch vụ. Các phẫu thuật về tiêu hóa có giá từ 1 triệu đến 10 triệu đồng.

Trong danh mục này, Bộ Y tế bổ sung giá 35 dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp, răng thẩm mỹ, phụ sản nằm ngoài danh mục được quỹ BHYT chi trả, như: điều trị rụng tóc, hói... Các dịch vụ hỗ trợ sinh sản được bổ sung trong danh mục cũng có giá khá cao, như: chọc hút noãn: hơn 7 triệu đồng/lượt, chọc hút lấy tinh trùng: 2,5 triệu đồng/lượt, chuyển phôi vào vòi tử cung: gần 4 triệu đồng/lượt.

Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế cũng quy định rõ mức giá phẫu thuật nội soi robot dành cho các bệnh nhân không có BHYT. Theo đó, phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý về gan mật: hơn 84 triệu đồng; điều trị các bệnh lý lồng ngực: hơn 90 triệu đồng; điều trị các bệnh lý tiết niệu: gần 80 triệu đồng; điều trị các bệnh lý tiêu hóa, ổ bụng: hơn 96 triệu đồng...

Triển khai 3 đợt

Theo Bộ Y tế, với những đơn vị tự chủ về tài chính, việc điều chỉnh sẽ thực hiện từ ngày 1-6. Các cơ sở khám chữa bệnh tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên sẽ thực hiện vào tháng 8, tháng 10 hoặc tháng 12-2017.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, cho biết từ ngày 1-6, người có BHYT và không BHYT sẽ cùng mức viện phí. Tuy nhiên, người có BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả 80%-100% tùy đối tượng, người không có BHYT phải tự chi trả hoàn toàn. “Người dân nên sớm tham gia BHYT để đề phòng khi ốm đau được BHYT chi trả, hạn chế chi trả từ tiền túi nếu chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo ” - ông Liên khuyến cáo.

Để hạn chế những tác động, việc thực hiện viện phí mới sẽ triển khai thành 3 đợt trong năm nay. Trước tiên, viện phí mới áp dụng tại 20 địa phương có mức tham gia BHYT trên 85% (Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang...), sau đó thực hiện ở 20% địa phương có tỉ lệ tham gia BHYT trên 80% và đợt 3 dự kiến thực hiện vào cuối năm ở các tỉnh còn lại.

Theo ông Phúc, cả nước hiện có hơn 75 triệu người tham gia BHYT (hơn 81,7% dân số), gần 20% còn lại chưa tham gia BHYT. Do đó, việc điều chỉnh giá lần này sẽ giúp người dân thấy lợi ích của BHYT để tham gia. Tới đây, nhà nước không cấp trực tiếp ngân sách cho cơ sở y tế, thay vào đó sẽ hỗ trợ hoàn toàn hoặc một phần cho hộ nghèo, gia đình chính sách, diêm dân, người có thu nhập trung bình... tham gia BHYT.

Hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đang phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách cấp tiền lương cho các BV hiện nay để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT. Hiện người cận nghèo được hỗ trợ 70%-100% chi phí mua thẻ BHYT. Các địa phương cũng nâng mức hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình để tham gia BHYT (đang hỗ trợ tối thiểu 30%).

Theo Ngọc Dung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên