Tiền lớn chờ 'thẩm thấu'
Dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại thị trường trong bối cảnh trần lãi suất huy động ngắn hạn liên tục điều chỉnh giảm gần đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận diễn biến tích cực trong tháng Năm khi các chỉ số đều tăng điểm, trong đó VN-Index tăng 2,48% và đóng cửa ở mức 1.075,17 điểm với thanh khoản hồi phục ấn tượng.
Giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE ở mức 10.631 tỷ đồng/phiên (tăng 8,8% so với tháng Tư). Đáng chú ý, nhóm Mid và SmallCap là thu hút dòng tiền khá tốt khi thanh khoản tăng lần lượt 13,6% và 11,2% so với tháng trước.
Nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế về sức mua với giá trị ròng 7.598 tỷ đồng và chiếm 86% thanh khoản toàn thị trường trong tháng Năm. Hướng ngược lại, theo thống kê của VDSC, thị trường chứng khoán Việt Nam lại chứng kiến dòng vốn ngoại rút ròng 119 triệu USD, xóa sạch toàn bộ dòng vốn ròng tích lũy từ đầu năm đến nay và nằm trong danh sách rút vốn ngoại dẫn đầu châu Á cùng với Thái Lan (967 triệu USD) và Malaysia (159 triệu USD).
Sang đến đầu tháng Sáu, dòng tiền tích cực tìm đến các mã bất động sản, ngân hàng, chứng khoán đã giúp VN-Index ghi nhận mạch tăng bốn phiên liền cùng thanh khoản duy trì ở mức cao. Riêng phiên 2/6, thanh khoản trên sàn HoSE leo lên mức 18.349 tỷ đồng - mức cao nhất trong 6 tháng qua (kể từ phiên 6/12/2022).
Chờ dòng tiền lớn
Theo VDSC, điểm tích cực cho thị trường trong thời gian tới là dòng tiền đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường trong bối cảnh trần lãi suất huy động ngắn hạn liên tục điều chỉnh giảm trong ba tháng trở lại đây. Tuy nhiên, mức độ lan tỏa của dòng tiền tại nhóm vốn hóa lớn còn khá thấp do lo ngại các yếu tố nội tại của phần lớn các doanh nghiệp niêm yết chưa thực sự phục hồi rõ rệt trong quý 2/2023 dựa trên các chỉ báo dẫn dắt của vĩ mô.
Theo nhóm phân tích này, dòng tiền lớn vẫn đang chờ đợi các chính sách tiền tệ và tài khóa đi vào nền kinh tế, thẩm thấu tốt hơn.
Do đó, VDSC kì vọng VN-Index dao động trong khoảng 1.060-1.120 trong tháng Sáu. Thị trường vẫn thuận lợi cho giao dịch mua – bán T+, song chưa phải là thời điểm tốt để "all in". Và do đó, tháng Sáu sẽ là cơ hội tái cơ cấu danh mục, đặc biệt cho những nhà đầu tư đã vô tình "đầu tư dài hạn".
Cùng chung quan điểm, BSC Research cho rằng thị trường vẫn cần thêm thời gian để thẩm định các tín hiệu rõ ràng hơn về kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Với kịch bản lạc quan, VN-Index được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì nhịp tăng điểm tốt từ tháng Năm để quay trở lại vùng 1.100 – 1.150 điểm. Thanh khoản tiếp tục được cải thiện bên cạnh diễn biến của khối ngoại tích cực hơn sau khi bán ròng liên tiếp 2 tháng gần nhất đặt trong bối cảnh thế giới không có các sự kiện quá tiêu cực.
Có phần thận trọng hơn, kịch bản còn lại là Fed được dự báo có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Bên cạnh đó, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và các rủi ro trong lĩnh vực bất động sản khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan hơn, VN-Index có thể quay trở lại vùng 1.050 – 1.060 điểm và tích lũy ổn định.
Tương tự, theo SSI Research khi TTCK đang cùng lúc phản ánh triển vọng giảm lãi suất mạnh ngay trong năm nay cùng với triển vọng lợi nhuận yếu của doanh nghiệp niêm yết, xu hướng của thị trường sẽ theo hướng giằng co theo chiều tăng dần từ nay tới cuối năm. Mức độ biến động của TTCK vẫn sẽ ở mức khá cao.
Các yếu tố cần quan sát có thể ảnh hưởng tới TTCK bao gồm các diễn biến của lãi suất, các chính sách mới của Chính phủ cũng như việc thực thi chính sách hiện tại sẽ giúp nền kinh tế vượt qua rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới và có thể dần phục hồi trở lại. Điểm tích cực là cho đến quý 3 năm nay, hầu hết các ngành sẽ có thể đi qua điểm đáy về lợi nhuận của mình. SSI khuyến nghị nhà đầu tư tích lũy dần cổ phiếu, đặc biệt khi chỉ số VN-Index tiến gần đến vùng quanh 1.000 điểm.
Về phần mình, VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng hoặc được hưởng lợi từ chính sách và xu hướng lãi suất giảm trong thời gian tới như nhóm chứng khoán, ngân hàng, đầu tư công, hạ tầng năng lượng điện.
Nhà Đầu Tư