MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền lớn đang nằm chờ bắt đáy, Dragon Capital rót tiền liên tục cho một quỹ đầu tư

Khi Vn-Index vượt 700 điểm, vượt 800 điểm và vượt 900 điểm thì hầu hết những nhà đầu tư đứng ngoài bắt đầu thấy nhấp nhổm. Đa phần các quỹ đều có tỷ suất sinh lời thấp hơn đà tăng của Vn-Index, và tất cả cùng chờ đợi một đợt điều chỉnh mạnh để có thể "vào hàng".

Phiên giao dịch ngày 11/6 lập kỷ lục mới cho TTCK Việt Nam: khối lượng giao dịch riêng sàn HoSE đạt 707,4 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch 9.997 tỷ đồng, nếu tính toàn thị trường, giá trị giao dịch phiên hôm nay đạt 11.900 tỷ đồng – một phiên chốt lời lịch sử. VN-Index đã tăng dựng đứng hình chữ V kể từ ngày 30/3/2020, thời điểm trước thềm cả Việt Nam thực hiện cách ly toàn xã hội để ngăn chặn Covid-19 lây lan, mức tăng từ 650 điểm lên trên 900 điểm trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều quỹ đầu tư.

Trong suốt tháng 4, nhiều cổ phiếu đã chạm đáy và bật tăng, lực mua bắt đáy từ dòng tiền nội đã đánh bại tất cả những người bi quan nhất. Rất nhiều cổ phiếu đã tăng gấp đôi thậm chí gấp ba, tính đến thời điểm hiện tại. Và phiên giao dịch hôm 11/6 là phiên đầu tiên thị trường điều chỉnh – đúng nghĩa – kể từ mốc tháng 4 nọ.

Tiền lớn đang nằm chờ bắt đáy, Dragon Capital rót tiền liên tục cho một quỹ đầu tư - Ảnh 1.

Tiền mới đã khiến thanh khoản thị trường tăng vọt kể từ tháng 4/2020

Tiền lớn đang chờ bắt đáy

Nếu nhìn toàn cảnh thị trường, không phải tất cả đều hưởng lợi. Năm nay, dòng tiền bắt đáy lại thuộc về nhà đầu tư nhỏ lẻ và "nhà đầu tư số 0", những người trước đây chưa bao giờ chơi chứng khoán. Lãi suất ngân hàng chỉ quanh mức 6-7%/năm, trong khi hoạt động xổ số đóng cửa vì Covid-19 đã kích thích dòng tiền mới. Trong khi đó các nhà đầu tư tổ chức, những người chơi được coi là lão làng trên thị trường khi đánh giá tình hình vĩ mô trong và ngoài nước lại tỏ ra rất rụt rè.

Một nhà quản lý quỹ tại thời điểm tháng 5/2020 đã chia sẻ với người viết, anh không hiểu tại sao thị trường lại tăng mạnh như vậy, và quỹ do anh quản lý vẫn quyết định đứng ngoài cuộc chơi.

Khi Vn-Index vượt 700 điểm, vượt 800 điểm và vượt 900 điểm thì hầu hết những nhà đầu tư đứng ngoài bắt đầu thấy nhấp nhổm. Đa phần các quỹ đều có tỷ suất sinh lời thấp hơn đà tăng của Vn-Index, và tất cả cùng chờ đợi một đợt điều chỉnh mạnh để có thể "vào hàng".

Đơn cử như Quỹ mở SSI-SCA, tại thời điểm cuối tháng 5 quỹ này có tỷ suất sinh lợi -8,06% (so với mức -10,4% của Vn-Index). Quỹ nắm giữ 36% tiền mặt và cho rằng sự hồi phục của thị trường không quá bất ngờ "nhưng sự tăng giá của nhóm cổ phiếu ngành tài chính đúng là lớn hơn kỳ vọng. Việc giảm tỷ trọng nhóm ngành này hơi sớm đã khiến cho lợi nhuận của quỹ trong tháng chỉ đạt 6%". Tuy nhiên SCA vẫn giữ quan điểm thận trọng và nắm nhiều tiền mặt vì cho rằng "hậu quả của dịch bệnh lên nền kinh tế cùng với tác dụng phụ của các biện pháp kích thích cũng như mặt bằng định giá của nhiều cổ phiếu là những yếu tố mang tính trung và dài hạn hơn. Hiện tại, mức định giá chung của toàn thị trường đã tăng lên mức gần 15x trong khi tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 khả năng âm 2 chữ số".

Tiền lớn đang nằm chờ bắt đáy, Dragon Capital rót tiền liên tục cho một quỹ đầu tư - Ảnh 2.

Tỷ trọng tiền mặt của SSI-SCA

Quỹ đầu tư Năng động Eastspring Investments Việt Nam, tại thời điểm cuối tháng 5/2020 tỷ trọng tiền mặt của quỹ này lên tới 55,3%. Mặc dù quy mô quỹ khá bé so với các quỹ ngoại, giá trị tài sản ròng trên 134 tỷ đồng tuy nhiên nhìn thấy xu hướng là các nhà đầu tư tổ chức vẫn còn khá thận trọng trong đợt tăng mạnh vừa qua của Vn-Index.

Tiền lớn đang nằm chờ bắt đáy, Dragon Capital rót tiền liên tục cho một quỹ đầu tư - Ảnh 3.

Tỷ trọng tiền mặt của Eastspring Investments Việt Nam

Dragon Capital rót tiền liên tục cho quỹ đầu tư của VFM

Ở một diễn biến khác, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài đang manh nha quay lại thị trường. Trong vòng chưa đầy 1 tuần, 2 quỹ của Dragon Capital là Vietnam DC25 Ltd và Hanoi Investments Holdings limited đăng ký mua vào hơn 57 triệu chứng chỉ quỹ VFMVSF của Quỹ đầu tư cổ phiếu Việt Nam chọn lọc. Trong đó Vietnam DC25 đăng ký mua 32,55 triệu đơn vị, giao dịch thực hiện từ 9/6 đến 8/7, Hanoi Investments Holding đăng ký mua 24,5 triệu đơn vị, giao dịch thực hiện từ 16/6-15/7.

Quỹ đầu tư cổ phiếu Việt Nam chọn lọc (VFMVSF) là một quỹ thuộc VFM quản lý, đây là quỹ đầu tư đại chúng dạng mở được cấp giấy phép từ năm 2017. Mục tiêu của VFMVSF là tìm kiếm sự tăng trưởng về vốn và thu nhập từ cổ tức trong dài hạn. Quỹ sẽ đầu tư chủ yếu vào cổ phần của các công ty hiện đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có nền tảng cơ bản tốt và kỳ vọng tăng trưởng bền vững.

Tại thời điểm ngày 9/6/2020, quy mô quỹ VFMVSF còn rất bé, chỉ khoảng 35 tỷ, giá trị tài sản ròng trên một đơn vị quỹ đạt 7.390 đồng/ccq. Nếu được rót thêm vốn, quy mô quỹ VFMVSF sẽ tăng thêm 416 tỷ, đạt gần 450 tỷ, tăng gấp gần 13 lần.

Quỹ ETF VFMVN Diamond cũng do VFM quản lý, kể từ ngày chào bán lần đầu ra công chúng vào tháng 3/2020, chỉ sau chưa đầy 3 tháng giá trị tài sản ròng của quỹ này tại thời điểm 11/6 đã tăng vọt lên gần 1.200 tỷ, đa phần là vốn nước ngoài. Mục tiêu của Quỹ ETF VFMVN DIAMOND là mô phỏng gần nhất có thể về biến động (performance) của chỉ số VN DIAMOND, bao gồm các cổ phiếu đã hết room như MWG, FPT, TCB, MBB, VPB…

Khi Vn-Index đã tăng 250 điểm kể từ đáy, thị trường điều chỉnh là cần thiết. Tuy nhiên với các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng, việc bán tháo ồ ạt theo toàn thị trường là hoàn toàn không cần thiết và các nhà đầu tư cần tỉnh táo để định giá hợp lý cổ phiếu mình đang nắm giữ, tránh tình trạng mua đuổi hoặc cắt lỗ theo đám đông.

Châu Cao

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên