Tiền lương thực tế toàn cầu giảm lần đầu sau 15 năm
Các công nhân đóng gói đậu ở Ethiopia - Ảnh: ILO
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lương thực tế trên toàn cầu giảm tại nhiều nước do lạm phát cộng với suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, làm ảnh hưởng hàng chục triệu người và đe dọa làm gia tăng nghèo đói, bất ổn.
- 21-11-2022Lao động trẻ TQ bỏ nhà máy vì "việc nặng lương thấp": Ngành mũi nhọn lung lay nghiêm trọng
- 21-11-2022Kỹ sư xây dựng Việt tại Nhật với mức lương 30.000 - 100.000 USD mỗi năm
- 19-11-2022Thung lũng Silicon hết thời: Từ nơi công việc lương 200.000 USD/năm 'nhiều nhan nhản' đến thảm họa hàng chục nghìn người mất việc chỉ trong vài tuần
- 14-11-2022Việc nhẹ lương cao cho người 'siêu lười': Kiếm gần 10 tỷ đồng mỗi năm nhờ livestream khi đang ngủ
- 08-11-2022Một ngân hàng tăng lương và tặng nhân viên gần 40 triệu đồng để 'chiến đấu' với lạm phát
Báo Financial Times dẫn báo cáo về tiền lương toàn cầu của ILO công bố ngày 30-11 cho biết lương thực tế trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2022 giảm 0,9% so với năm trước đó, đánh dấu mức tăng trưởng âm lần đầu tiên trong 15 năm kể từ khi ILO bắt đầu thống kê tiền lương.
Tiền lương giảm mạnh nhất ở các nước phát triển. Trong số các quốc gia phát triển thuộc nhóm G20, tiền lương thực tế trong nửa đầu năm 2022 ước tính giảm 2,2%. Trong khi đó, tiền lương thực tế ở các quốc gia G20 mới nổi dù tăng chậm nhưng vẫn giữ ở mức tăng 0,8%, thấp hơn 2,6% so với năm 2019.
Theo ILO, cuộc khủng hoảng lạm phát nghiêm trọng kết hợp với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, một phần do xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đang khiến tiền lương thực tế hằng tháng ở nhiều quốc gia sụt giảm nghiêm trọng.
Cuộc khủng hoảng đang làm giảm sức mua của tầng lớp trung lưu và đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình có thu nhập thấp.
“Nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu mà chúng ta đang phải đối mặt đã dẫn đến sự sụt giảm tiền lương thực tế. Nó đặt hàng chục triệu người lao động vào tình thế khó khăn khi họ phải đối mặt với những bất ổn ngày càng tăng”, tổng giám đốc ILO, ông Gilbert F. Houngbo, cho biết.
Theo ILO, bất bình đẳng thu nhập và nghèo đói sẽ tăng lên nếu không duy trì được sức mua của những người được trả lương thấp nhất. Ngoài ra, nó cũng tạo rủi ro cho quá trình phục hồi rất cần thiết sau đại dịch. "Điều này có thể thúc đẩy thêm tình trạng bất ổn xã hội trên khắp thế giới và làm suy yếu mục tiêu đạt được sự thịnh vượng và hòa bình cho tất cả mọi người", ông Houngbo nói.
Lạm phát gia tăng ảnh hưởng lớn hơn đến chi phí sinh hoạt của người thu nhập thấp, những người phải dành phần lớn thu nhập khả dụng của mình cho các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, những mặt hàng này thường bị tăng giá nhiều hơn so với các mặt hàng không thiết yếu. Lạm phát cũng ảnh hưởng đến sức mua của mức lương tối thiểu.
ILO nhấn mạnh việc cấp thiết cần có các biện pháp chính sách được thiết kế tốt để giúp duy trì sức mua và mức sống của những người làm công ăn lương và gia đình họ.
"Việc đấu tranh chống lại sự suy giảm của tiền lương thực tế có thể giúp duy trì tăng trưởng kinh tế, từ đó có thể giúp phục hồi mức việc làm như trước đại dịch. Đây có thể là một cách hiệu quả để giảm bớt xác suất hoặc mức độ của suy thoái ở tất cả các quốc gia và khu vực", bà Rosalia Vazquez-Alvarez, một trong những tác giả của báo cáo, nhận định.
Tuổi trẻ