MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền mặt vẫn là vua!

27-12-2016 - 10:21 AM | Tài chính quốc tế

Một nghiên cứu được thực hiện ở 7 quốc gia cho thấy “tiền mặt đã chết” chỉ là lời nói quá.

Dù bạn có nhìn vào đâu đi chăng nữa, sẽ dễ dàng nhìn thấy ai đó đang cố gắng xóa sổ tiền mặt.

Mới đây, trong nỗ lực chống trốn thuế và tham nhũng, Ấn Độ rút 23 tỷ tờ giấy bạc ra khỏi lưu thông. Bitcoin là các phương pháp thanh toán qua điện thoại di động luôn được dự báo sẽ bùng nổ và sẽ trở thành làn sóng của tương lai, trong khi các loại thẻ tín dụng ngày càng mang đến nhiều ưu đãi.

Một nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ mới đây còn đề xuất ngừng in tiền với mệnh giá từ 20 USD trở lên. Mục đích của ông là giúp các NHTW dễ dàng áp dụng chính sách lãi suất âm hơn.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới được thực hiện về thói quen chi tiêu của hơn 18.000 người tại 7 quốc gia, tiền mặt vẫn “còn sống” và thậm chí là sống tốt.

“Nhiều người dự báo và tán thành quan điểm tiền mặt ngày càng vắng bóng và không được ưa chuộng như một phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy”, báo cáo viết.

Kể từ năm 2005, giá trị các đồng USD và euro trong lưu thông đã tăng gấp đôi, lên mức lần lượt 1.480 tỷ USD và 1.100 tỷ euro. Một phần nguyên nhân là do nhu cầu về các đồng tiền này ở nước ngoài tăng cao, nhưng cũng có thể coi đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy người Mỹ và người châu Âu vẫn đang sử dụng rất nhiều tiền mặt.

So sánh và phân tích dữ liệu thu thập được về các lựa chọn thanh toán ở Australia, Áo, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan và Mỹ, báo cáo chỉ ra những điểm khác biệt rất đáng chú ý giữa các nước này: người Đức và người Áo sử dụng nhiều tiền mặt nhất; người Hà Lan yêu thích thẻ ghi nợ trong khi các tờ séc vẫn khá thông dụng ở Pháp và Mỹ.

Và điểm đặc biệt nhất là người tiêu dùng ở tất cả 7 nước này sử dụng tiền mặt thường xuyên hơn so với các phương tiện thanh toán khác. Tiền mặt ít thông dụng nhất ở Mỹ (được sử dụng trong 46% tổng số giao dịch), nhưng cũng cao hơn so với mức 26% của thẻ ghi nợ và 19% của thẻ tín dụng.

Ở cả 7 quốc gia, thông thường tiền mặt được sử dụng trong những giao dịch nhỏ, ít tiền. Đối với những giao dịch tốn kém hơn, các lựa chọn về phương tiện thanh toán thay đổi đáng kể ở từng nước. Người Áo và Đức vẫn sử dụng tiền mặt cho những giao dịch lớn nhưng ở hầu hết các nước còn lại các loại thẻ và séc được ưa chuộng hơn.

Cũng vì được sử dụng trong những giao dịch nhỏ, giá trị các giao dịch bằng tiền mặt chiếm tỷ trọng nhỏ bé (tất nhiên là ngoại trừ ở Áo và Đức).

Ở 5/7 quốc gia, thông thường người tiêu dùng sẽ mang trong ví tối thiểu 30 USD. Nhưng ở hai quốc gia phụ thuộc vào tiền mặt nhiều hơn là Áo và Đức, con số cao hơn rất nhiều.

Có nhiều lý do khiến người tiêu dùng không thể từ bỏ tiền mặt. Người bán hàng, nhất là đối với các mặt hàng có giá trị không lớn, đôi lúc không chấp nhận thẻ. Thói quen cũng là một lý do. Người lớn tuổi cũng có xu hướng sử dụng tiền mặt nhiều hơn so với những người trẻ. Hoặc đơn giản nhiều người tiêu dùng cũng thích tiền mặt vì nó nhanh gọn, "vô danh" và không mất phí. Đặc biệt, tiền mặt cho phép bạn dễ dàng theo dõi chi tiêu cá nhân theo thời gian thực và hiệu quả khi điện thoại của bạn hết pin!

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên