MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền nhiều mua được mọi thứ?

26-07-2017 - 09:50 AM | Tài chính quốc tế

Chính quyền quân sự Thái Lan tích cực theo đuổi đầu tư của Trung Quốc bất chấp môi trường bị hủy hoại và thậm chí cả những quy định hiện hành, theo giới chuyên gia và các nhà hoạt động nước này.

Lý do của bước đi trên là vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm nhất Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Thái Lan năm 2014 là 0,8%, trước khi tăng lên 2,8% năm 2015 và 3,2% năm 2016. Ngân hàng Thế giới dự báo mức tăng trưởng kém ấn tượng này sẽ được duy trì trong những năm tới trong khi các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Myanmar đều đạt mức tăng trưởng trên 6,5% trong 3 năm qua.

Tuy nhiên, giới chuyên gia và các nhà hoạt động không khỏi quan ngại về những dự án Trung Quốc đang được tăng tốc phê duyệt, nhờ sự trợ giúp đắc lực của điều 44 gây tranh cãi của Hiến pháp - cho phép quân đội Thái Lan thông qua mọi biện pháp phục vụ lợi ích cải tổ trong bất kỳ lĩnh vực nào và bỏ qua một số luật bảo vệ quyền lợi của cộng đồng và môi trường.

Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) dẫn lời ông Kan Yuengyong, Giám đốc điều hành tổ chức nghiên cứu Siam Intelligence Unit, cho rằng trong giai đoạn nhạy cảm này - sau khi nhà vua Bhumibol Adulyadej băng hà, thúc đẩy kinh tế là vấn đề quan trọng để quân đội Thái Lan khẳng định tính chính danh.

Trong tình thế cấp bách đó, chính phủ Thái Lan nhanh chóng chớp lấy cơ hội từ lời hứa đầu tư của Trung Quốc thông qua sáng kiến "Vành đai - Con đường". Sáng kiến được khởi xướng từ năm 2013 với mức cam kết đầu tư hơn 100 tỉ USD nhằm tăng cường kết nối quan hệ kinh tế, chính trị của Bắc Kinh với hơn 60 quốc gia châu Á, châu Phi và Trung Đông thông qua các dự án hạ tầng.


Biểu tình trước văn phòng Thủ tướng Thái Lan ở Bangkok để phản đối dự án nhà máy năng lượng than có đầu tư Trung Quốc ở tỉnh Krabi, miền Nam Thái Lan Ảnh: AP

Biểu tình trước văn phòng Thủ tướng Thái Lan ở Bangkok để phản đối dự án nhà máy năng lượng than có đầu tư Trung Quốc ở tỉnh Krabi, miền Nam Thái Lan Ảnh: AP

Đầu tháng này, Bangkok đã thông qua phân bổ 5,2 tỉ USD để xây dựng một trong những dự án chủ chốt của sáng kiến "Vành đai - Con đường". Đó là giai đoạn 1 của tuyến tàu cao tốc nối Bangkok với TP Nakhon Ratchasima ở miền Đông Bắc, từ đó kết nối với tỉnh Nong Khai, giáp biên giới Lào.

Dự án này đã bị hoãn 2 năm do một số trở ngại pháp lý và cuối cùng được khơi thông hồi tháng 6 nhờ điều 44 của Hiến pháp. Dự án cho phép Trung Quốc chọn kỹ sư thực hiện. Trong khi luật Thái Lan quy định các kỹ sư nước ngoài phải thi lấy giấy phép làm việc ở nước này, các kỹ sư Trung Quốc thực hiện dự án nêu trên sẽ được miễn điều kiện đó. Chưa hết, việc viện dẫn điều 44 còn giúp dự án không cần phải qua ải của một ủy ban mua sắm chuyên "soi" các dự án trên 5 tỉ baht (tương đương 150 triệu USD).

Theo chuyên gia Pananond từ Trường ĐH Thammasat, về lâu dài, việc lạm dụng điều 44 có thể phản tác dụng và tổn hại tới đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, sự cân bằng lợi ích của người Thái Lan và Trung Quốc cũng là mối lo ngại chính trong giới phân tích, đặc biệt sau khi Bangkok bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy quan hệ quân sự với Bắc Kinh với việc đồng ý mua 3 tàu ngầm, trị giá 393 triệu USD/tàu.

Các chuyên gia cho rằng một số điều khoản trong các dự án được phê duyệt gần đây quá có lợi cho Trung Quốc. Trong số đó, dự án Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) trị giá 43 tỉ USD, một trong những dự án trọng điểm trong cái gọi là chính sách kinh tế 4.0 của Thái Lan, dường như được thiết kế cho các công ty Trung Quốc, theo đánh giá của ông Paul Chambers, chuyên gia về quân sự Thái Lan tại Trường ĐH Naresuan.

Theo Thu Hằng

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên