MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền nội được khơi thông, thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục vượt trội khu vực Đông Nam Á sau 6 tháng đầu năm

Những diễn biến khởi sắc của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm đã xoa dịu phần nào những khó khăn nền kinh tế phải đương đầu. Dòng tiền nội khởi sắc đã giúp cho VN-Index nổi bật so với các nước ASEAN.

Sự trở lại của dòng tiền nội trong quý II/2023

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào năm 2023 với những nỗi lo lớn về đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp và suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Số liệu GDP 6 tháng cũng đã phản ánh những nỗi lo từ đầu năm với việc GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Tuy nhiên, kết thúc 6 tháng đầu năm, thị trường Việt Nam cùng với số ít các thị trường hàng đầu châu Á như: Nhật Bản (+27,19%), TWSE (+19,65%), KOSPI (+14,66%) đạt được thành tích tăng trên 10%.

Tiền nội được khơi thông, thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục vượt trội khu vực Đông Nam Á sau 6 tháng đầu năm - Ảnh 1.

So với các nước ASEAN, chỉ số VN-Index đã đạt mức tăng vượt trội khi tăng 11,53%. Còn HNX-Index tăng 10,72% từ đầu năm và UPCoM-Index tăng tới 20,03%.

Tiền nội được khơi thông, thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục vượt trội khu vực Đông Nam Á sau 6 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Trên cả 3 sàn, cổ phiếu có mức tăng tốt nhất là XDC với mức tăng lên tới hơn 73 lần. Tuy nhiên, nếu chỉ tính tại HOSE và HNX, các cổ phiếu có mức tăng tốt nhất sẽ có thành tích 2-3 lần như ST8 (+235,95%), VC7 (+173,13%), DTD (+172,48%), CET (+168,75%)…

Còn theo thống kê riêng tại HOSE, số lượng các mã có xu hướng tăng dài hạn đã đạt gần 74%, đồng nghĩa cứ 4 mã giao dịch trên sàn có 3 mã vận động giá vượt qua đường MA200. Đây là trạng thái tốt của sàn HOSE trong vòng 15 tháng trở lại đây.

Tiền nội được khơi thông, thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục vượt trội khu vực Đông Nam Á sau 6 tháng đầu năm - Ảnh 3.

Dòng tiền đã trở lại với thị trường đầy tích cực bởi theo thống kê, một phiên giao dịch trong tháng 6 của HOSE đạt bình quân 17.001 tỷ đồng, tăng gần 60% so với bình quân của tháng 1 đầu năm. Nếu chỉ tính khớp lệnh, giá trị còn tăng tới gần 70%, đạt 15.170 tỷ đồng.

Tiền nội được khơi thông, thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục vượt trội khu vực Đông Nam Á sau 6 tháng đầu năm - Ảnh 4.

Kể từ tháng 3/2023 - thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu hạ lãi suất, thanh khoản đã liên tục tăng qua từng tháng. Hiện nhà đầu tư nội đang là nguồn lực chủ chốt đóng góp cho sự hồi phục ấn tượng của thị trường chung bởi nhà đầu tư ngoại đã liên tục bán ròng trong 3 tháng của quý II/2023. Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong các tháng 4,5,6 trên HOSE là hơn 6.000 tỷ đồng.

Theo số liệu từ trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 104.745 tài khoản chứng khoán trong tháng 5, gấp gần 5 lần lượng tài khoản mở mới so với tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 9 tháng kể từ tháng 8/2022.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ được ban hành, thị trường vẫn chưa hoàn toàn "rã băng"

Như đã đề cập ở trên, dòng tiền nội hoàn toàn nắm quyền tự quyết với thị trường ở giai đoạn hiện tại thay vì phải trông đợi vào ngoại lực như các tháng cuối năm ngoái.

Bước ngoặt để dòng tiền nội trở lại thị trường đó là việc NHNN đã liên tục hạ lãi suất điều hành. Kể từ tháng 3 cho đến nay, bất chấp FED và các Ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn giữ chính sách thắt chặt tiền tệ, NHNN đã có tới 4 lần hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Nỗi lo về thanh khoản của hệ thống trước các đợt đáo hạn trái phiếu cũng đang dần xoa dịu thể hiện qua việc các tuần gần đây, NHNN không cần phải can thiệp vào thị trường OMO. Tình hình thanh khoản đã cải thiện rõ rệt so với quý IV/2022 giúp lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt và đã có thời điểm xuống dưới 0,5% trong những ngày cuối quý II/2023.

Tuy nhiên, để hỗ trợ cho thị trường khởi sắc trở lại, hạ lãi suất không phải bước đi duy nhất đã được Chính phủ và NHNN thực hiện trong thời gian qua. Lần lượt Nghị định 08 đã được ban hành để giúp các doanh nghiệp gia hạn thời hạn trả nợ trái phiếu. Nghị định 10 sửa đổi bổ sung một số thi hành Luật Đất đai, Nghị định 12 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuế đất năm 2023, Nghị định 44 giảm thuế GTGT về 8% và Quyết định 500 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch điện VIII...

Trong khi đó, NHNN cũng ban hành một loạt Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cho phép các tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

Cùng với đó là nỗ lực giải ngân đầu tư công với kế hoạch đặt ra kỷ lục từ trước đến nay. Theo ước tính, từ đầu năm đến ngày 31/5/2023, đã thanh toán trên 157.095 tỷ đồng, đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tới đây, tâm điểm của câu chuyện đầu tư công sẽ là gói thầu số 5.10 trị giá hơn 35.000 tỷ đồng của nhà ga hành khách Cảng Hàng không quốc tế Long Thành - Đồng Nai.

Vì vậy, diễn biến hồi phục tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam là kết quả của các một loạt các giải pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và hỗ trợ trong chính sách tài khóa.

Dù vậy, câu chuyện dòng tiền "dễ dãi" sẽ không còn lặp lại như giai đoạn năm 2021-2022. Cuối tháng 6/2023, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), Công ty CP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).

Cùng với đó, nền kinh tế trong nước vẫn còn phải đương đầu với những khó khăn như nhu cầu thế giới phục hồi yếu, rủi ro lạm phát và tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn vẫn chưa kết thúc. Đặc biệt là nút thắt thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ nên tâm lý thận trọng sẽ chưa thể được xóa tan.

Mới đây, CTCK MBS đã đưa dự báo nửa cuối năm, VN-Index sẽ giao dịch trong vùng 1.155 – 1.200 dựa trên cơ sở lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng 10%.

Theo Mai Hương

thị trường tài chính tiền tệ

Trở lên trên