MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tiền rẻ" đã giúp thị trường chứng khoán bùng nổ 1 năm qua nhưng động lực này sắp kết thúc?

12-07-2021 - 11:04 AM | Tài chính - ngân hàng

"Tiền rẻ" đã giúp thị trường chứng khoán bùng nổ 1 năm qua nhưng động lực này sắp kết thúc?

Từ đầu năm đến nay, các NHTW trên thế giới đã thực hiện tới 19 đợt nâng lãi suất. Nhiều NHTW khác cũng phát tín hiệu rút dần các biện pháp hỗ trợ thời dịch bệnh. BVSC cho rằng, nếu tiền rẻ không còn nhiều nữa, để chứng khoán tiếp tục tăng thì cần sự phục hồi thực sự của nền kinh tế.

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tính tới thời điểm này trong năm 2021, các Ngân hàng Trung Ương (NHTW) thế giới đã thực hiện tới 19 đợt nâng lãi suất, gần đây nhất là đợt nâng lãi suất của Nga, Brazil và Armenia. 

Các quốc gia thực hiện các đợt nâng lãi suất vừa qua chủ yếu là các quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Trong ngày 15-16/06, cả NHTW Brazil và Nga đều thực hiện đợt nâng lãi suất thứ 3 trong năm 2021, lên mức tương ứng là 4,25% và 5,5%. Đồng thời, cả hai nước này cũng phát đi tín hiệu tiếp tục nâng lãi suất mạnh trong những tháng tới. 

Tính cho tới nay, đã 15 quốc gia tiến hành nâng lãi suất trong năm 2021. Danh sách các quốc gia nâng lãi suất bao gồm Mozambique, Zimbabwe, Thổ Nhĩ kỳ, Ukraine, Georgia, Brazil và Nga. 

Các NHTW khác dù chưa đưa ra những động thái giảm lãi suất, nhưng lại phát tín hiệu rút lại dần các biện pháp hỗ trợ trong thời dịch bệnh như Ukraine, Hàn Quốc, Canada. Hôm 17/06, NHTW Na Uy phát tín hiệu sẽ nâng lãi suất 2 đợt vào tháng 9/2021 và tháng 12/2021. Trước đó, tại cuộc họp tháng 4/2021, họ báo hiệu sẽ nâng lãi suất vào nửa sau năm 2021. 

Điều tương tự cũng diễn ra tại Fed. Tại cuộc họp chính sách gần nhất, Fed phát tín hiệu nâng lãi suất 2 lần trong năm 2023, dù rằng trước đó họ dự báo giữ nguyên lãi suất tới ít nhất là hết năm 2023. Bên cạnh việc nâng lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell tiết lộ đã đề cập tới chuyện bàn về việc giảm bớt quy mô mua trái phiếu. 

Việc áp lực lạm phát ngày càng lớn là nguyên nhân các quốc gia bắt đầu có động thái nâng lãi suất sau giai đoạn nới lỏng tiền tệ chưa từng có trong năm 2020. Tại Mỹ, chỉ số CPI tăng 5% trong tháng 5/2021, tăng mạnh nhất kể từ năm 2008. Brazil đối mặt với mức lạm phát 8%, trong khi Nga dự báo lạm phát ở mức 6% trong tháng 6/2021. 

Tuy nhiên, quan điểm của FED cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời. FED sẽ vẫn duy trì trạng thái nới lỏng khi lạm phát sẽ là mục tiêu để quản trị trong dài hạn. 

Câu chuyện tiền rẻ đã là động lực tăng trưởng cho TTCK của thế giới trong hơn 1 năm trở lại đây khi tăng trưởng kinh tế và kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không tăng trưởng tương xứng. Nếu câu chuyện tiền rẻ không còn nhiều nữa, để các chỉ số chứng khoán tiếp tục tăng điểm sẽ cần nhiều sự hỗ trợ hơn đến từ sự phục hồi thực sự của nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thu Thủy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên