Tiền rẻ và kỳ vọng nâng hạng thị trường giúp chứng khoán 2024 khởi sắc
Theo chuyên gia DNSE, trong kịch bản EPS tăng trưởng 10% với P/E thị trường ở mức 14,6 lần, VN-Index có thể cán mốc 1.252 điểm trong năm 2024.
Chia sẻ tại Toạ đàm "Đạp đáy cưỡi rồng 2024" do Chứng khoán DNSE tổ chức, ông Hồ Sỹ Hòa - Tiến sĩ kinh tế, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn Đầu tư DNSE cho rằng những bất ổn địa chính trị trong không phải là vấn đề đáng ngại có thể đẩy giá dầu tăng cao trong năm 2024. Mặt dù số liệu CPI Mỹ tháng 12 mới công bố tăng mạnh hơn dự báo, song khả năng Fed đảo chiều chính sách khá thấp, đa số kỳ vọng vẫn nghiêng về việc Fed xác suất giảm lãi suất trong quý 3.
Về vĩ mô trong nước, ông Hoà nhận định tiêu dùng có dấu hiệu phục hồi, dịch vụ đã khôi phục gần như hoàn toàn, dịch chuyển nguồn vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam đang có sự gia tăng ở lĩnh vực sản xuất và BĐS KCN. Bên cạnh đó, tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu từ các đối tác thương mại như Mỹ, Trung Quốc,… cũng là điểm sáng cho tăng trưởng kinh tế.
Với các động lực chính cho tăng trưởng GDP năm 2024 đến từ phục hồi sản xuất, chi tiêu tiêu dùng, đầu tư công và lãi suất thấp, chuyên gia DNSE kỳ vọng GDP năm 2024 tăng trưởng cao hơn năm 2023 ở mức 6%.
Đưa ra góc nhìn thận trọng hơn về chỉ số vĩ mô, ông Trần Ngọc Báu - Nhà sáng lập, Giám đốc Điều hành WiGroup cho rằng áp lực lạm phát năm 2024 có thể tăng cao hơn mức ổn định năm 2023. Lạm phát có thể tăng mạnh từ quý 2/2024 từ mức nền thấp trong cùng kỳ, thậm chí có thời điểm lạm phát có thể lên đến 4,5-4,9%. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng lạm phát cuối năm có thể giảm về vùng 3,6%-3,8%.
Thêm vào đó, chuyên gia WiGroup nhìn nhận giới phân tích đang khá chủ quan với câu chuyện tỷ giá và đây cũng là vấn đề cần quan sát trong năm 2024. Tỷ giá có thể "nóng" từ đầu năm trước những biến động từ giá vàng và động thái của Fed.
Kể cả Fed giảm lãi suất, cuối năm 2024 lãi suất liên ngân hàng Mỹ vẫn rất cao trên 4%, trong khi lãi suất liên ngân hàng ở Việt Nam đang ở mức rất thấp. Do đó, lãi suất Việt Nam vẫn chênh lệch cao ít nhất 2,5% nên lãi suất huy động dự báo chỉ giảm 0,5%. Chuyên gia cho rằng tỷ giá chưa thông và TTCK vẫn rất nhiều biến động.
"Tuy vậy, câu chuyện tỷ giá chủ yếu áp lực ở thời điểm đầu năm, tính chung cả năm có thể vẫn giữ ở trong mức cho phép. Rất khó để chúng ta bùng nổ về thanh khoản nền kinh tế hay hệ thống ngân hàng vào năm 2024", ông Trần Ngọc Báu nhận định.
Nhìn nhận về bối cảnh thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Tuấn Anh - Nhà sáng lập FinPeace cho rằng thị trường đã bước sang giai đoạn mới khi trong ngắn hạn vẫn có nhiều động lực hỗ trợ, thanh khoản vẫn duy trì tốt. "Với nền tảng vĩ mô đang xây khá vững vàng, mọi đợt điều chỉnh đều là cơ hội dài hạn", ông Tuấn Anh nhìn nhận.
Chuyên gia FinPeace dự báo nửa đầu năm thị trường sẽ đi ngang, nửa cuối năm kể từ tháng 5 trở đi khả năng có nhịp tăng mới khi doanh nghiệp hé lộ kế hoạch kinh doanh cho năm 2024.
Về kịch bản xấu nhất của VN-Index năm 2024, ông Hồ Sỹ Hòa nhìn nhận có thể liên quan đến rủi ro địa chính trị. Tuy nhiên, với môi trường tiền rẻ và kỳ vọng nâng hạng thị trường, TTCK năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến tích cực. Trong kịch bản EPS tăng trưởng 10% với P/E thị trường ở mức 14,6 lần, VN-Index có thể cán mốc 1.252 điểm.