Tiến sĩ Stanford Nguyễn Chí Hiếu chỉ ra những ngộ nhận "nguy hiểm" của bố mẹ khi muốn con du học Mỹ
Đại học, trong cách nghĩ rất hồn nhiên của nhiều học sinh, chỉ như là một bước kế tiếp của thời phổ thông. Chúng không hiểu rằng đại học là một thế giới hoàn toàn khác. Học sinh đã thế, nhiều khi bố mẹ chúng còn mơ hồ hơn.
- 05-10-2020Sống bằng đam mê: Cựu sinh viên FTU rẽ ngang sang nghề viết chữ, đến nay thành nghệ nhân calligraphy số 1 Việt Nam
- 03-10-2020Phải dạy con đánh lại hay im lặng khi bị bạn bắt nạt? - Đây là cách xử lý thông minh mà cha mẹ nên làm để giúp con
- 26-09-2020Từ câu chuyện thần đồng bị đuổi học vì ăn cơm phải có người đút và bài học: Thói quen vô thức rất nhiều cha mẹ mắc phải khiến tương lai con cái bị huỷ hoại
Tiến sĩ Stanford Nguyễn Chí Hiếu (người từng 5 lần đoạt giải thưởng dành cho trợ giảng, giảng viên xuất sắc tại ĐH Stanford) và hiện là một chuyên gia giáo dục độc lập có những chia sẻ sâu sắc gửi đến phụ huynh đang có mong muốn cho con đi du học Mỹ.
"Không ít người "đu theo" xu hướng du học Mỹ, tên các trường I–vy I–viếc oách xà lách, không tiếc tiền đổ 50–100 nghìn đô vào các gói tư vấn du học mà nhiều khi chính họ cũng không rõ cái giá đó lấy cơ sở từ đâu.
Tuy nhiên, điều "nguy hiểm" nhất chính là nhiều bố mẹ thật sự không biết du học Mỹ nó thế nào, bức tranh bên trong và sau đại học ra làm sao. Tất cả khao khát, cộng với khá nhiều mơ hồ và áp lực, đã tạo nên những cuộc chạy đua "thiếu trước hụt sau", dẫn đến nhiều học sinh bước chân vào đại học Mỹ – kể cả ở những trường danh giá – cũng không rõ con đường ấy khó đi dường nào và làm sao đi tiếp.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu là một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, từng 5 lần đoạt giải thưởng dành cho trợ giảng, giảng viên xuất sắc tại ĐH Stanford (Mỹ).
1. Những sinh viên "ZOMBIES"
Giáo dục khai phóng, theo tinh thần nguyên khởi của nó, cần giúp cho sinh viên khám phá và làm chủ mọi cơ hội để đi tìm đam mê, ý nghĩa và mục đích trong công việc và cuộc đời.
Thế nhưng, trong cuốn sách Những Con Cừu Xuất Sắc, viết về "vấn nạn" của nhiều sinh viên tại các trường đại học hàng đầu nước Mỹ, William Deresiewicz, cựu giám đốc tuyển sinh của Đại học Yale, đã bộc bạch: "Các trường đại học hàng đầu nước Mỹ đang biến sinh viên thành những zombies (xác sống)".
Còn trong cuốn Lạc Trôi Đại Học, giáo sư Richard Arum đã chỉ ra một bộ phận lớn sinh viên chẳng cải thiện mấy ở những kỹ năng quan trọng như tư duy phản biện, viết lập luận phân tích sau bốn năm đại học, ngay cả ở những trường danh giá.
Một phần nguyên nhân là do cách học của sinh viên không khác gì cách chúng gạo bài thời phổ thông. Vào đại học, chúng vẫn khệ nệ xách theo cái tư duy học hành, kiểm tra nhồi nhét, học không cần hiểu sâu và chẳng chịu đào xới tận cùng của vấn đề. Sinh viên ít có ý thức tự học, tự khai thác nguồn tài nguyên bao la trong đại học để mổ xẻ bản chất của vấn đề.
80% sinh viên đại học vẫn tôn thờ kiểu học nhai đi nhai lại sách giáo trình, ghi nhớ và thuộc lòng thông tin. Kiểu học này dễ đem lại ảo tưởng là người học đã sở hữu và dư sức vận dụng được kiến thức vào thực tiễn công việc, cuộc sống.
2. Ngộ nhận tên trường "ngây ngô"
Có một ý niệm ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều cha mẹ, thâm căn cố đế đến mức có lẽ đã trở thành vô thức: Con đường đến với thành công, danh vọng được lát bởi tên các trường đại học Ivy League hoặc tương tự như Stanford, MIT, Oxford, Cambridge.
Thế nhưng, với những sinh viên bước vào đại học một cách thụ động nhờ có sự đầu tư chăn dắt quá mức của cha mẹ, chúng khó lòng xây dựng được cho bản thân cái ý thức và bản lĩnh để tự học, làm chủ đại học và chinh phục cuộc sống.
Ngược lại, có khi chúng còn bị choáng ngợp bởi nhiều yếu tố khác: sự giỏi giang đích thực của những sinh viên khác, hàng loạt hoạt động và câu lạc bộ lắm cám dỗ, khoảng trống to lớn giữa những gì đã học và cách học của chúng với thế giới việc làm, cuộc sống sau tốt nghiệp,...
Do vậy, thật nguy hiểm khi ngộ nhận rằng chỉ cần một học sinh bước chân vào một trường đại học danh tiếng, ngồi đó và học theo y chang cái kiểu luyện nhồi của thời phổ thông là mọi thành công, danh vọng sẽ tự động tìm đến.
Con đường đến với thành công, danh vọng KHÔNG ĐƯỢC lát bởi tên các trường đại học Ivy League hoặc tương tự như Stanford, MIT, Oxford, Cambridge.
3. Bằng tốt nghiệp thật sự là gì?
Giáo sư Clayton Christensen của Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ), dựa trên số liệu nghiên cứu, tiên đoán rằng: Giá trị của tấm bằng đại học đang giảm nhiều, và nhiều trường đại học ở Mỹ sẽ nhanh chóng phá sản.
Thomas Friedman, cây bút kỳ cựu của tờ New York Times, đã ghi nhận: "Hãy cẩn thận đấy. Tấm bằng đại học của bạn không nói được gì nhiều về khả năng làm việc của bạn. Thế giới này quan tâm đến việc bạn có thể làm gì với điều bạn biết. Nó quan tâm đến những kỹ năng mềm của bạn nhiều hơn – năng lực lãnh đạo, tính khiêm nhường, khả năng hợp tác, khả năng thích nghi, và niềm yêu thích học tập, cải thiện bản thân".
Mình có lần chia sẻ trên Facebook những bài viết trong chùm tựa đề Những cánh hoa nở muộn. Đó là câu chuyện của những học trò thường thường bậc trung theo thước đo điểm số của Việt Nam. Chúng không học cấp ba ở những trường chuyên lớp chọn, hay trường quốc tế đắt tiền. Chúng trầy trật mới được điểm TOEFL, SAT kha khá. Chúng cũng không lọt vào mắt xanh của những đại học đình đám Top 50 hay 100 của Mỹ.
Nhưng sau bốn năm ươm mầm ở các trường đại học bình thường ấy, "những cánh hoa nở muộn" đó tự lập, mạnh mẽ bước vào làm nghiên cứu sinh cao học ở các trường đại học mà ngày xưa chính bản thân chúng còn chẳng dám mơ tới: Stanford, MIT, Notre Dame, UPenn, Harvard, Columbia, Oxford, Cambridge.
Đại học, dù có xịn đến đâu, thì cũng chỉ là một cái tên. Tấm bằng tốt nghiệp thật sự nên là năng lực, bản lĩnh, tính cách và tư duy của mỗi con người.
4. Thế giới "nghi ngờ" cả bằng đại học
Anmarie Neal, Giám đốc Tài năng của Cisco Systems, đã quả quyết: Hầu hết các trường đại học ưu tú nhất đang không chuẩn bị đủ cho sinh viên thích nghi với những thay đổi chóng mặt của thế giới. Những sinh viên "thành công" trong các hệ thống giáo dục ngày nay chủ yếu tập trung vào thành tích, tuân thủ những luật lệ và khuôn khổ, suy nghĩ đơn giản và tuyến tính, chỉ tập trung vào một mảng kiến thức hạn hẹp và thiếu tích hợp.
Thế nhưng, thế giới cần những người sáng tạo và đột phá, suy nghĩ đa chiều và tích hợp nhiều mảng kiến thức. Người làm chủ thế giới hiện tại và tương lai là những người có thể kiến tạo đường lối mới, có thể xây dựng các mối quan hệ hợp tác tốt với người khác. Bởi thế, số lượng nhân tài thật sự để bổ sung vào lực lượng lao động sáng tạo đang thiếu hụt trầm trọng, mặc dù mỗi năm vẫn có hằng hà sa số học sinh, sinh viên được "xuất xưởng".
Laszlo Bock, người từng giám sát toàn bộ việc tuyển dụng của ông lớn Google, hầu như chẳng để tâm đến tên tuổi trường lớp của các ứng viên xin việc nữa. Ông nói: "Những nhà tuyển dụng giờ đây để tâm đến tất cả mọi người. Thậm chí với những sinh viên có điểm tuyệt đối, bước ra từ các tên trường hoành tráng, chúng còn bị săm soi kỹ hơn. Vì có thể chúng là sản phẩm lỗi của những kiểu nuôi dạy, chăm bón quá kỹ".
Tất cả nhãn mác chúng đeo trên người có thể là do tiền bạc đầu tư của cha mẹ. Chưa chắc chúng có đủ năng lực tự thân vươn lên.
5. Trường học nào khó bằng trường đời
Năm 2014, Tổ chức Gallup kết hợp với Đại học Purdue (Mỹ), đưa ra một báo cáo Việc Làm Tốt – Cuộc Sống Tốt, phân tích mối tương quan giữa trường học và thành công trong cuộc sống.
Kết quả cho thấy điểm trung bình trong học bạ và điểm số các bài thi không phải là những điều kiện tiên quyết cho thành công trong tương lai. Những yếu tố then chốt chính là những người hướng dẫn, công việc thực tập, và những dự án dài hơi có ý nghĩa, có mục đích mà mỗi người theo đuổi thời đại học.
Việc một người thành công trong công việc và hạnh phúc trong các mối quan hệ cuộc sống là do thái độ tích cực và mức độ thông minh về mặt cảm xúc. Nhờ vào đó, họ mới phân biệt được rạch ròi giữa điều gì quan trọng, ý nghĩa với cuộc đời mình và điều gì là không.
Nhiều sinh viên bước chân vào trường đại học trong niềm hân hoan được cởi trói sổ lồng, thoát khỏi vòng kiểm soát của gia đình và trường phổ thông. Lần đầu tiên chúng được toàn quyền quyết định giờ giấc ăn ngủ, học hành, giải trí,… Và đó là một sự tự do khó cưỡng.
Vì lẽ đó, nhiều sinh viên hầu như chẳng dành thời gian để tìm hiểu về bản thân, không tự kiểm soát và chèo lái được cuộc sống của mình, không đủ sức cưỡng lại những cám dỗ của ăn chơi, hội hè,… Chúng ít để ý đến cuộc sống rất rộng và rất dài ở tương lai mà mải mê chìm đắm trong trong những thú vui hiện tại.
Rồi bất chợt một ngày, chúng nhận ra bốn năm đại học sắp kết thúc nhưng bản thân còn quá hoang mang về hành trình sau đại học. Thế là chúng vội vàng chọn đại một nghề, làm đại một công việc và sống đại một cuộc đời mà chính chúng cũng không hiểu rõ đó có phải là điều bản thân thật sự cần và yêu thích hay không.
Với những đứa trẻ được nuôi dạy và lớn lên trong tư tưởng cạnh tranh, ganh đua, việc học xoay quanh điểm số, thành tích, huy chương và giải thưởng, thì bản thân chúng thường chắc mẩm rằng: Con đường duy nhất và hiệu quả nhất để đến với thành công trong bất cứ môi trường nào chính là điểm số và thành tích. Rất khó để chúng nhận ra ở ngoài khơi xa, phong ba bão táp có thể ập đến bất cứ lúc nào và dập chúng tơi tả, chẳng chút lưu tình.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần nhìn thật sâu mình đã và đang làm gì với lũ trẻ, để từ đó biết cách dạy thế nào cho chúng thật sự thành những cánh chim tự lập, tự tin và tự do đập cánh tung trời mai kia nơi biển lớn.
Liệu cách giáo dục chúng ta đang cho lũ trẻ ở trường, bổ sung thêm ở trung tâm học thêm, những lớp học luyện thi, hay học tập ở nhà, với các chuyên gia tư vấn du học, có đang tạo ra những con người tò mò, khám phá, tự thân vận động?
Hay mọi thứ chúng ta cố gắng bồi đắp, dù ý niệm khởi đầu chẳng có gì sai và đều xuất phát từ yêu thương và quan tâm, lại đang vô tình tạo ra những người tiêu dùng ngấu nghiến kiến thức và cuộc sống rất thụ động?
Liệu lũ trẻ có thể cứ mãi đi theo sự sắp đặt rập khuôn của cha mẹ, thầy cô, và rối bời trước yêu cầu lập thân sáng tạo của cuộc đời?".
Vài nét về tác giả:
Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu nhận bằng Cử nhân tại Trường Kinh tế London (Anh) năm 2007, bằng tiến sỹ từ Đại học Stanford (Hoa Kỳ) năm 2012 và bằng MBA của Đại học Oxford (Anh) năm 2016.
Anh là một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục khi thành lập và biến đổi hơn 100 trường học. Với mục đích giúp cho quá trình giảng dạy tại các trường học ở Việt Nam theo kịp các tiêu chuẩn quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu đã đào tạo hơn 25.000 giáo viên về việc giảng dạy đổi mới.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về giáo dục và các vấn đề liên quan. Hiện tại, anh là Giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục IEG.
Pháp luật và Bạn đọc