Tiến sĩ về làm nông dân: Hồi sinh đồi đá trơ trọi nhờ cỏ dại, trồng cacao không hoá chất tạo dòng socola đắt nhất Việt Nam
Không chỉ áp dụng tại Stone Hill Farm, kỹ thuật của ông còn trở thành chìa khóa khai thác hàng trăm ngàn ha tại Ea Súp - nơi lâu nay chỉ trồng cây ngắn ngày. Ông cũng hy vọng có thể giúp người dân tiếp cận với những kỹ thuật trồng cây trên đất dốc này, nhằm phát triển nông lâm nghiệp vừa có tính kinh tế, vừa bền vững và bảo vệ môi trường.
Chúng tôi đến thăm Stone Hill Farm vào một buổi sáng sớm tháng 12. Cơn mưa rào trước đó khiến con đường đất dốc dẫn lên đồi trở nên trơn trượt và khó khăn hơn. Đón tiếp chúng tôi là một người đàn ông đã đứng tuổi, mái đầu bạc quá nửa, mặc quần jean và áo kẻ caro, chân đi ủng, khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh của những nông dân Mỹ.
Ông tên là Phạm Hồng Đức Phước, từng là giảng viên tại Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, là một tiến sĩ, chuyên gia về cacao và đảm nhiệm vị trí Phó ban Điều phối Chương trình Cacao Quốc gia. Ông cũng là một nông dân. Mười năm trước, sau khi nghỉ hưu, người thầy giáo quyết định trở về Đồng Nai để làm lâm nghiệp "fulltime".
Hiện trạng tại quả đồi những ngày đầu tiên chỉ toàn đá và đất xói mòn, đã bị rửa trôi, không một cọng cây ngọn cỏ. Cũng vì thế mà ông đặt tên cho quả đồi là Stone Hill Farm.
Ông Phạm Hồng Đức Phước (Ảnh: Lê Hoa).
Khi cỏ dại không còn "dại"
"Thời gian đầu, tôi xây căn nhà nhỏ trên núi và sống ở đó. Lúc về đây không có điện, không nước, không sóng điện thoại. Tôi phải hứng nước mưa, tối thắp đèn cầy", ông Phước kể.
Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, ông từng bước nghiên cứu, phục hồi hữu cơ và làm giàu cho đất, cải thiện rừng đầu nguồn. Trong đó, khâu khó nhất là phục hồi hữu cơ cho đất.
Hữu cơ có thể lấy từ rất nhiều nguồn, ví dụ phân chuồng, phân ủ rơm rạ, các loại dư thừa vỏ thực vật như vỏ cacao, vỏ hạt đậu,... Tuy nhiên, để áp dụng cho một diện tích rộng lớn và tiết kiệm, việc sử dụng phân chuồng, rơm rạ hay cây họ đậu trở nên bất khả thi.
Hiện trạng xơ xác của Stone Hill Farm trước khi cải tạo. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
"10 năm trước, ở đây có rất nhiều mùn cưa, nông dân muốn bỏ đi nên tôi xin lại, họ mừng và quý lắm. Tôi ủ mùn cưa cùng phân chuồng và cỏ trong khoảng 4-5 tháng, đến lúc tất cả đã mục thì đem bón cho đất. Một tuần tôi chở vài trăm bao mùn cưa như vậy.
Khi thấy hiệu quả, tôi tập huấn cho người dân xung quanh cách sử dụng, họ thấy hay và làm theo. Vậy là năm sau tôi không xin được mùn cưa nữa", ông cười nói.
Sau đó, tình cờ đọc được một bài báo nói về tác hại của cỏ mỹ, người thầy giáo chợt nảy ra ý tưởng dùng chính loại cỏ này để tạo sinh khối và phục hồi hữu cơ cho đất. Từ trước đến nay, cỏ mỹ cũng giống như nhiều loại cỏ dại khác, là kẻ thù mà người nông dân luôn muốn tận diệt vì cho rằng chúng gây hại cho sự phát triển của cây trồng.
Nhưng đối với vị chuyên gia đã có vài chục năm nghiên cứu và làm nông-lâm nghiệp, loại cỏ này đáp ứng tất cả những tiêu chí mà ông tìm kiếm: phổ thích nghi rộng, sống được trên mọi loại đất, hệ số nhân giống cao, khả năng phát tán rất mạnh. Hơn nữa, không cần mất chi phí mua giống mà chúng ở khắp nơi, phát triển mạnh mà không hề mất công chăm sóc và có sức sống vượt trội so với những loài cỏ khác.
Dù trái ngược với quan niệm và cách thức canh tác truyền thống, thậm chí bị các đồng nghiệp cảnh bảo là "tội ác", ông vẫn kiên quyết trồng cỏ trên chính ngọn đồi của mình. Ông cho biết cỏ mỹ có khả năng huy động những chất dinh dưỡng khó tiêu, đặc biệt phù hợp để phục hồi hữu cơ cho đất. Điểm đáng lưu ý trong kỹ thuật này đó là việc phát cỏ và tụ gốc.
Vùng đất đồi trước và sau khi được phủ bằng cỏ mỹ.
"Khi cỏ mọc cao phải cắt đi để tránh cạnh tranh ánh sáng với cây trồng. Đồng thời thân cỏ sau đó giữ nguyên tại gốc (gọi là tụ gốc) để cây mục. Khi đó, toàn bộ lượng phân khoáng mà cỏ đã tổng hợp sẽ trả về cho đất, không hề mất đi.
Kỹ thuật tụ gốc còn giúp chống mất nước vào mùa khô. Đến mùa mưa, cỏ mục thành phân khoáng, mang về cho đất một lượng gấp 20 lần trọng lượng chất hữu cơ mà nó đã lấy đi".
Thậm chí, để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng bên cạnh, ông bón phân luôn cho cỏ.
"Ví dụ, khi chúng ta bón 1kg phân khoáng cho cỏ thì nó sử dụng 1kg đó để tổng hợp 20kg chất hữu cơ, bằng nguyên liệu tự nhiên là CO2 và mặt trời. Cỏ cần bao nhiêu chúng tôi bón từng đó, bởi đó là cách cho cỏ "vay nặng lãi", để sau đó mình nhận về nhiều gấp 20 lần".
Cỏ được tụ gốc ngay dưới các cây trồng. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Bên cạnh cỏ mỹ, người nông dân này trồng thêm cỏ tranh và cỏ vetiver. Ông ví bộ rễ của cỏ tranh giống như "chiếc lưỡi cày sinh học", có khả năng luồn lách sâu, giúp đất tơi xốp mà không cần cày bừa, tránh làm vỡ cấu trúc đất. Khi cây trồng ra tán, cỏ tranh mất nguồn ánh sáng nên sẽ tự chết, toàn bộ hệ thống rễ bị mục sẽ tiếp tục trở thành chất dinh dưỡng nuôi đất. Trong khi đó, cỏ vetiver với bộ rễ đâm sâu vào đất đến vài mét, giúp chống sạt lở trên vùng đất dốc.
Biến đồi đá thành đất rừng tươi tốt, trồng cacao đắt nhất Việt Nam
Cùng với những kỹ thuật khác như ủ than hầm, sử dụng thiên địch, tận dụng mọi nguồn hữu cơ rẻ và dễ tìm, che phủ đất rừng bằng cây lá lốt,... ông Phước đã biến vùng đồi đá xơ xác thành một rừng cây tươi tốt chỉ trong 4 năm. Trong khi đó, nếu để tự phục hồi, vùng đất này có thể mất tới 40 năm.
Trên tổng diện tích 13ha, 5ha được người nông dân này dùng để trồng cây cacao, phần còn lại trồng rừng theo tiêu chí đa dạng sinh học. Những tảng đá to trơ trọi trước kia giờ cũng được che phủ bằng cây xanh và si. Ông cho biết mục tiêu của mình là phủ xanh toàn bộ diện tích, hấp thụ toàn bộ nguồn năng lượng mặt trời, không để một tia sáng nào rơi xuống đất hay mái nhà.
Stone Hill Farm sau khi được hồi sinh.(Ảnh: nhân vật cung cấp)
Là một chuyên gia về cacao, ông chọn lấy 50 dòng cacao phù hợp nhất trong bộ sưu tập 200 dòng cacao của mình, vừa trồng vừa nghiên cứu. Dù năng suất không thể so sánh với những vùng trồng chuyên canh nhưng ông cho biết Stone Hill Farm gần như là rừng cacao duy nhất không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cacao của Stone Hill Farm cũng là nguồn nguyên liệu sản xuất Stone Hill Chocolate, dòng socola đắt nhất Việt Nam hiện nay.
(Ảnh: Lê Hoa)
Ngoài trồng trọt, ông nuôi cả dê. "Đàn dê cho thu nhập tương đương 1 tấn hạt ca cao mà không cần thức ăn bên ngoài, chỉ cần sử dụng lá và những phần bỏ đi trong quá trình canh tác cacao".
Năm vừa rồi, Stone Hill Farm có thêm một hồ nước, là nơi giúp trữ nước cho mùa khô, đồng thời phục hồi nguồn nước ngầm, mang lại lợi ích lâu dài cho bà con xung quanh.
"Chúng tôi nói vui với nhau rằng Stone Hill Farm là nơi phong thuỷ rất tốt, vì có cỏ mọc trên đá, cá lội trên đồi".
(Ảnh: Lê Hoa)
Sau 10 năm, dù cơ sở vật chất không đầy đủ và tiện nghi, nước phải chắt chiu từng giọt nhưng người thầy năm nào cho biết cảm thấy rất thoải mái và hạnh phúc khi làm nông dân.
"Mỗi sáng tôi thức dậy từ 4 rưỡi, tập thể dục, pha ca phê rồi cầm sổ bút, đi vòng vòng trên đồi để ghi chép, nhắc việc. Tôi có thể vào rừng làm từ sáng tới chiều, chỉ cần một chai nước, vài quả chuối cũng thấy khỏe. Nhưng khi về Sài Gòn, mặc dù ăn sáng, trưa, chiều vẫn thấy mệt mỏi".
Không chỉ áp dụng tại Stone Hill Farm, kỹ thuật của ông còn trở thành chìa khóa khai thác hàng trăm ngàn ha tại Ea Súp - nơi lâu nay chỉ trồng cây ngắn ngày. Ông cũng hy vọng có thể giúp người dân tiếp cận với những kỹ thuật trồng cây trên đất dốc này, nhằm phát triển nông lâm nghiệp vừa có tính kinh tế, vừa bền vững và bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp và Tiếp thị