MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Tiền trong dân còn nhiều”, Bộ Tài chính đang tính toán huy động vốn bán lẻ?

12-10-2021 - 21:52 PM | Tài chính - ngân hàng

“Tiền trong dân còn nhiều”, Bộ Tài chính đang tính toán huy động vốn bán lẻ?

Hướng huy động này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập đến khi cho ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/10.

Cụ thể, đề cập đến nội dung huy động vốn trong nền kinh tế, cũng như hướng phát triển các thị trường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nguồn lực trong dân.

“Giờ nếu chúng ta muốn huy động vốn mà lại không huy động được thì rất là khó. Nhiều đồng chí nói rằng, bây giờ cứ để cho địa phương với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và phát hành trái phiếu công trình. Nhưng mà xoay đi xoay lại thì cuối cùng người mà mua trái phiếu này là ai, cũng chỉ là các tổ chức tài chính, mà chủ yếu lại là ngân hàng mua thôi. Cho nên việc Bộ Tài chính đang tính toán thêm cả việc phát hành công trái quốc gia”, ông Huệ cho biết.

Hướng tính toán này được giải thích là bán lẻ, tức là mua qua người dân như trước đây, chứ không phải qua tổ chức bán buôn như là qua ngân hàng thương mại, qua tổ chức tín dụng nữa. Bởi theo Chủ tịch Quốc hội, “tiền trong dân thì vẫn còn khá nhiều”.

Theo ông, nguồn vốn nếu qua ngân hàng huy động được 100 đồng thì quy định là chỉ được cho vay trung và dài hạn 4 đồng.

“Cho nên, người ta muốn cho vay, người ta cũng không thể cho vay được, có mức dự trữ bắt buộc thì có điều chỉnh không?”, ông Huệ đặt vấn đề, và dẫn tham khảo Trung Quốc vừa rồi điều chỉnh dự trữ bắt buộc nên bơm được vào thị trường một lượng tiền rất lớn.

Liên quan đến huy động vốn cho cân đối ngân sách nhà nước, nhiều năm qua Bộ Tài chính (qua Kho bạc Nhà nước) vẫn đẩy mạnh kênh phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), với lượng gia tăng rất mạnh qua những năm gần đây.

Tính riêng từ đầu năm đến hết tháng 9, kết quả phát hành TPCP đã đạt 237,714 tỷ đồng, tương đương 68% kế hoạch cả năm.

Đáng chú ý, lãi suất TPCP liên tục giảm mạnh và xuống vùng thấp kỷ lục trong hai năm gần đây, chỉ trong khoảng 2-3%/năm tùy kỳ hạn; kỳ hạn TPCP cũng đã kéo rất dài từ 5 năm và chủ yếu từ 10-30 năm.

Ở một so sánh liên quan, nếu Bộ Tài chính chào bán công trái để huy động vốn trong dân cư, vấn đề đặt ra là lãi suất như TPCP thì có hấp dẫn nguồn tiền và khả năng thành công? Nếu lãi suất trả cao hơn để thu hút thì bài toán chi phí ngân sách phải trả sẽ thế nào?

Trong khi đó, những năm gần đây hệ thống thường xuyên ghi nhận nguồn ngân sách qua Kho bạc Nhà nước dư thừa và tạm gửi khá lớn trên hệ thống các ngân hàng thương mại, thậm chí cả ở tiền gửi có kỳ hạn.

Tại thời điểm này, tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn rất chậm, con số cần đẩy ra trong ba tháng cuối năm lên tới gần 250.000 tỷ đồng.

Còn ở kênh TPCP, như trên, Kho bạc Nhà nước liên tiếp có những năm huy động thành công khối lượng lớn, thậm chí vượt kế hoạch và huy động bổ sung trong năm 2020; chi phí huy động qua lãi suất phải trả xuống thấp kỷ lục.

Và qua 12 năm, thị trường TPCP chuyên biệt đã phát triển, huy động được hơn 2,47 triệu tỷ đồng vốn cho ngân sách nhà nước để phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế đất nước.

Theo Trung Chính

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên