Tiền vẫn sẽ dồi dào, lãi suất có nhiều "cửa" giảm hơn tăng
Dù đã giảm tương đối nhiều song mặt bằng lãi suất hiện vẫn còn khá cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.
- 19-06-2016Lãi suất cho vay chờ tái tạo “gói 345.000 tỷ”
- 18-06-2016Vì sao một bộ phận người gửi tiền ngân hàng không quan tâm lãi suất?
- 16-06-2016Cơ hội lãi suất gửi USD vượt 0%
Với thanh khoản VNĐ dồi dào trên thị trường trong thời gian gần đây khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào 8 tỷ USD để dự trữ ngoại hối, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có lúc giảm đến 0,66%/năm và lãi suất ở các kỳ hạn khác cũng đồng loạt giảm. Bên cạnh đó, nhằm thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) đang tìm “nhiều cửa” để tiết kiệm chi phí, tích cực xử lý nợ xấu mà vẫn cố gắng để có lợi nhuận…
Theo dự báo của tác giả, nhu cầu tín dụng trong năm nay khó đạt được mục tiêu tăng trưởng được đưa ra từ đầu năm là 18-20%. Trong khi đó, cung vốn VNĐ trên thị trường vẫn tăng khi mà nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục mua vào USD để xử lý lượng cung USD dư thừa trên thị trường và tăng cường dự trữ ngoại hối trong thời gian tới, cùng với nhu cầu vốn cho trái phiếu chính phủ chỉ còn lại khoảng 30% cho hơn 6 tháng còn lại của năm càng khiến cho lãi suất khó tăng trong khoảng thời gian còn lại của năm.
Thanh khoản dồi dào
Theo thông tin từ NHNN, trong 3 tháng qua, NHNN đã mua thêm được khoảng 8 tỷ USD để cải thiện dự trữ ngoại hối. Điều này đồng nghĩa với việc đã có khoảng 178.400 tỷ đồng được bơm ra thị trường. Diễn biến này đã giúp thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng trở nên dồi dào hơn.
Để hạn chế áp lực tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng lạm phát, NHNN đã thực hiện các biện pháp khác nhau để can thiệp trung hòa tác động này, tức là NHNN đưa tiền ra qua kênh mua ngoại tệ nhưng thực hiện hút tiền về thông qua các kênh khác, mà ở đây chủ yếu hút tiền về qua việc phát hành tín phiếu bằng nghiệp vụ thị trường mở. Do đó, thanh khoản hệ thống có thể sẽ vẫn duy trì trạng thái tích cực trong thời gian tới.
Một trong những nguyên nhân để NHNN thực hiện mua vào USD là do lượng cung USD trên thị trường dồi dào hơn so với cầu về USD. Lượng cung USD này xuất phát chủ yếu từ nguồn kiều hối về Việt Nam ngày càng tăng. NHNN kỳ vọng, kiều hối năm 2016 sẽ đạt mức kỷ lục 14 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2015 và tương đương 6,4% GDP, điển hình như trong 5 tháng đầu năm 2016, kiều hối chuyển về TP HCM hơn 1,7 tỷ USD. Trong khi đó, Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay đang có nhiều dấu hiệu tích cực khi vốn đăng ký và giải ngân đều cao hơn cùng kỳ các năm trước. Vốn giải ngân thực tế cũng đạt mức cao nhất so với cùng thời điểm so với 3 năm liền trước. Cụ thể, hơn 5,8 tỷ USD đã được các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư trong 5 tháng đầu năm.
Dự kiến sắp tới NHNN sẽ tiếp tục mua USD trên thị trường khi mà nguồn cung USD tiếp tục tăng như thời gian vừa qua và tỷ lệ lạm phát trong mức kiểm soát được phù hợp với mức dự kiến ban đầu là từ 4 – 5% trong năm nay. Tính dồn sau 5 tháng đầu năm, so với tháng 12 năm trước CPI của cả nước đã tăng 1,88%. Với điều kiện như vậy, thanh khoản VNĐ nhiều khả năng sẽ tiếp tục đáp ứng được nhu cầu tín dụng tăng cao trong 2 quý cuối năm nay.
Ngân hàng còn nhiều cửa để giảm lãi suất
Ngày 27/5/2016 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến hết năm 2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 01/01/2017 và từ 01/01/2018 sẽ xuống mức 40%. Như vậy áp lực từ việc phải tăng vốn huy động để đáp ứng tỷ lệ này theo như dự thảo ban đầu là 40% đã được dỡ bỏ cho đến đầu năm 2018.
Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm nay, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành 67% kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ cho cả năm, do đó áp lực phát hành trong những tháng còn lại của năm sẽ không quá lớn. Điều này sẽ giúp lãi suất trên thị trường trái phiếu tiếp tục ổn định ở mức thấp hoặc thậm chí giảm thêm, làm tiền đề kéo lãi suất huy động và cho vay trên thị trường xuống thấp hơn.
Theo định hướng của Chính phủ và NHNN về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, các ngân hàng đang áp dụng các chính sách cho vay với mức lãi suất hợp lý nhất cho các doanh nghiệp như tập trung đẩy mạnh cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng kiểm soát chặt chẽ quy mô cho vay bất động sản, các dự án BOT, kinh doanh chứng khoán và các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao, và tập trung tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp, được hưởng lợi từ chính sách hội nhập; cùng lúc đó tiết giảm chi phí hoạt động, tăng thu dịch vụ ròng, cải tiến quy trình nghiệp vụ…
NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 23/2/2016 về tăng cường bảo đảm an toàn và tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), xử lý nợ xấu, yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát, bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững (dưới 3% tổng dư nợ). Với chủ trương đó, các ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC, đôn đốc thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm, khởi kiện khách hàng và phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thi hành các bản án có hiệu lực và các hình thức khác, tiếp tục kiểm soát chất lượng tín dụng và nợ xấu, nợ quá hạn.
Bên cạnh đó, ngày 12/4 vừa qua, NHNN cũng đã ban hành Quyết định số 618/QĐ-NHNN phê duyệt việc xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của VAMC. Đồng thời, Quyết định quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Công ty VAMC, TCTD trong việc tổ chức thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường. Với quyết tâm của cả hệ thống ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu, các ngân hàng sẽ có thêm nguồn vốn nhằm tích cực tham gia vào quá trình giảm lãi suất trong thời gian tới.
Ngân hàng còn nhiều cửa giảm lãi suất
Tăng trưởng tín dụng sẽ khó vượt mục tiêu đề ra
Tăng trưởng tín dụng chậm lại trong năm 2016 là điều được thị trường dự đoán trước, khi những ngày đầu năm, NHNN đưa ra nhiều khuyến cáo với hệ thống ngân hàng, liên quan đến các lĩnh vực cho vay có nhiều rủi ro như: thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ; tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các ngân hàng nên tập trung dòng vốn vào sản xuất trong khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang yếu. Với những động thái trên của NHNN, các ngân hàng có xu hướng tìm kiếm danh mục cho vay bền vững hơn.
Hơn nữa, quan sát diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng phần nào thấy được sức cầu vốn tín dụng và cung vốn trên thị trường trong thời gian gần đây. Lãi suất cho vay qua đêm hiện chỉ từ khoảng 0,7 – 1% /năm, cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá tốt, thậm chí thị trường đang có vẻ dư tiền, do cầu tín dụng thấp. Việc các ngân hàng đua nhau huy động vốn bằng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, lãi suất cạnh tranh có thể hiểu là một phần do áp lực phải chuẩn bị lượng vốn phục vụ cho mùa cao điểm cho vay vào những tháng cuối năm, nhất là để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 18 - 20%.
Trên thực tế, với tình hình các doanh nghiệp vừa mới hồi phục sau một thời kỳ khủng hoảng buộc phải tái cấu trúc thì nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh trong thời điểm hiện nay của các doanh nghiệp là rất thấp, do đó nhu cầu vốn cũng không cao. Ngoài ra, với mặt bằng lãi suất hiện tại cũng còn khá cao so với mức chịu đựng của các doanh nghiệp. Đứng về phía các ngân hàng, sau một thời kỳ tăng trưởng tín dụng dễ dãi dẫn đến hậu quả nợ xấu tăng cao như thời gian vừa qua, giờ đây các ngân hàng đã thắt chặt điều kiện vay vốn, nâng cao công tác quản trị rủi ro hơn. Việc tập trung xử lý các khoản nợ xấu còn tồn đọng cũng sẽ làm hạn chế công tác phát triển tín dụng của các ngân hàng.
Trong khi đó, NHNN trong năm nay cũng định hướng hạn chế dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn là những lĩnh vực “ngốn” vốn rất cao. Do đó, mức tăng trưởng tín dụng năm 2016 dự báo khó có thể đạt ở mức cao như năm 2015. Ngoài ra, theo Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016, NHNN cũng yêu cầu các TCTD “ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay”.