Tiền vào chứng khoán "mất hút", thanh khoản xuống mức thấp nhất trong vòng 26 tháng
Giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 5.489 tỷ đồng, giảm 38,4% so với phiên trước. Đây cũng là mức thanh khoản thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Sau phiên biến động mạnh đầu tuần, VN-Index vẫn chưa thể hồi phục và sắc đỏ vẫn bao trùm. Biên độ dao động không quá lớn, thanh khoản thị trường cũng giảm đáng kể với giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 5.489 tỷ đồng, giảm 38,4% so với phiên trước. Đây cũng là mức thanh khoản thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Trên thực tế, việc thanh khoản rơi về mức thấp phần nào cũng dễ hiểu trong bối cảnh làn sóng nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán hạ nhiệt đáng kể. Kể từ tháng 7/2022 trở lại đây, lượng tài khoản mở mới liên tục giảm.
Thậm chí trong tháng 1/2023 vừa qua, số liệu VSD công bố cho biết số lượng nhà đầu tư trong nước mở mới chỉ đạt 35.813 tài khoản chứng khoán, chỉ tương đương khoảng 1/3 so với tháng trước và là mức thấp nhất trong vòng 26 tháng kể từ tháng 10/2020.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác có thể phần nào lý giải cho sự tụt áp của thanh khoản.
Thứ nhất, sau giai đoạn chững lại cuối năm ngoái, TTCK đã bất ngờ đi lên mạnh mẽ trong tháng đầu năm 2023. VN-Index tăng hơn 10% - mạnh nhất trong vòng gần 2 năm, hàng loạt cổ phiếu cũng tăng hàng chục phần trăm kể từ đáy. Tâm lý nhà đầu tư cũng thận trọng không dám “đua mua” trước những nhịp tăng nóng của thị trường.
Thứ hai, định giá bớt hấp dẫn. Sau nhịp hồi mạnh, cộng thêm kết quả kinh doanh quý 4/2022 không mấy tích cực đã kéo định giá thị trường “đắt” hơn tương đối so với thời điểm trước. Theo dữ liệu từ Algo Platform, P/E trailing của VN-Index hiện dừng ở mức 11,8 lần cao hơn đáng kể so với mức 10,x lần trong thời điểm trước. Mức định giá tăng thêm cũng là một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền “nhỡ tàu” không mặn mà nhập cuộc.
Thứ ba, giao dịch khối ngoại có phần chững lại. Giao dịch của khối ngoại thời gian gần đây đã có phần chậm lại đáng kể sau thời gian mua ròng nhanh và mạnh. Sự hạ nhiệt của dòng tiền ngoại cũng không quá bất ngờ khi định giá thị trường tăng cao, đặc biệt sau số liệu lợi nhuận quý 4 của các doanh nghiệp niêm yết không mấy khả quan.
Thứ tư, xuất hiện nhiều tin đồn chưa xác thực ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Điều này cũng khiến thanh khoản cũng trở nên ảm đạm khi dòng tiền mới không còn đủ động lực, trong khi những nhà đầu tư cũ ở trên thị trường lại tỏ ra thận trọng hơn trước bối cảnh ẩn chứa nhiều luồng thông tin tiêu cực.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến dòng tiền vào chứng khoán. Theo VCBS, đà tăng lãi suất của Fed nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2023 dù mức độ tăng và tần suất có thể sẽ chậm lại so với nửa cuối năm 2022. Điều này sẽ tạo áp lực nhất định lên sự ổn định tỷ giá của VND so với USD, mục tiêu lạm phát và mặt bằng lãi suất trong nước.
VCBS kỳ vọng thanh khoản bình quân trong năm 2023 sẽ tương đương với mức bình quân trong những tháng cuối năm 2022 và đạt bình quân khoảng 600 - 650 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng giảm hơn 20-25%. Với đà giảm của giá cổ phiếu theo chỉ số VN-Index, giá trị giao dịch trung bình năm 2023 cũng được dự báo giảm 35%-45% so với năm 2022. Tương ứng, giá trị giao dịch trung bình sẽ đạt khoảng 12.000 – 1.400 tỷ đồng/phiên trên cả ba sàn.
Nhìn về triển vọng thị trường trong thời gian tới, ông Michael Kokalari – Kinh tế trưởng Vinacapital vẫn lạc quan một cách thận trọng rằng thị trường Việt Nam sẽ còn tăng cao hơn nữa vào năm 2023, ngay cả sau khi đã có một khởi đầu thuận lợi.
Kinh tế trưởng Vinacapital tin rằng giai đoạn giảm điểm của TTCK Việt Nam hiện đã kết thúc và có sự đồng thuận về kỳ vọng VN-Index sẽ tăng hơn 20% với sự phục hồi về cơ bản là do sự cải thiện ở cả yếu tố trong nước và quốc tế vốn đã tạo áp lực lên thị trường trong năm ngoái.
Áp lực lạm phát toàn cầu hiện đang giảm bớt, điều đó có nghĩa là việc tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương làm suy yếu các TTCK phát triển lẫn mới nổi vào năm ngoái có thể sẽ sớm kết thúc.
Nhịp sống thị trường