Tiến vào địa hạt thức ăn chăn nuôi, Vingroup đang tìm đến "mỏ vàng" của CP, Masan, Dabaco, và đông đảo các ông lớn ngoại
Từ ngày 1/3, VinEco đã chính thức trở thành cổ đông lớn của Việt Thắng sau khi nhận chuyển nhượng 24% vốn từ Hùng Vương. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2018 sắp tới, Việt Thắng cho biết sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua phương án để VinEco mua tối đa 60% cổ phần.
Đầu tháng 3 này, Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp VINECO, thuộc Tập đoàn Vingroup, chính thức trở thành cổ đông lớn của CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng sau khi nhận chuyển nhượng 25,09 triệu cổ phần (24% vốn điều lệ) từ CTCP Hùng Vương.
Vậy là sau gần 3 năm bắt tay làm nông nghiệp, xây dựng hệ thống trang trại rau quy mô và hiện đại, VinEco đang tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Lựa chọn tham gia vào mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể xem là nước cờ khôn ngoan của Vingroup, đánh dấu bước tiến mới của tập đoàn này vào địa hạt ngành chăn nuôi.
Thức ăn chăn nuôi - Nguyên liệu phải đi nhập, thị trường bị ông lớn ngoại chi phối
Nông nghiệp Việt Nam nhiều năm qua vẫn luôn ở thế bất cân xứng. Các đặc sản chủ lực hầu hết là sản phẩm của ngành trồng trọt như lúa gạo, trái cây, cà phê, tiêu, điều... Chăn nuôi vẫn luôn là "chiếc chân trái" yếu hơn, chỉ với vài điểm sáng trong ngành thủy sản.
Năm 2017 đã đi qua đầy bất ổn với ngành chăn nuôi. Khoảng thời gian này năm ngoái, câu chuyện hot nhất trên mạng xã hội lẫn đời thực là câu chuyện giải cứu lợn. Giá lợn năm 2017 đã chạm mốc thấp nhất lịch sử trong vòng 10 năm, thậm chí là thấp nhất thế giới. Những người nông dân khóc, rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp kêu cứu, ngành chăn nuôi lợn vỡ trận.
Tại một hội nghị "giải cứu" ngành chăn nuôi lợn quy tụ 30 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chế biến, Bộ trưởng Nông Nghiệp Nguyễn Xuân Cường đã phải kiến nghị giải pháp ngắn hạn: "Trước mắt phải giảm ngay yếu tố đầu vào, hạ giá thành cám, giống, thuốc thú y. Đây là vấn đề đầu tiên và các doanh nghiệp cần thực hiện ngay tức thì".
Tuy nhiên, thực hiện điều này không hề dễ.
Theo tính toán của các đơn vị chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm đến 60% chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Vấn đề ở chỗ năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đang rất yếu, phụ thuộc lớn vào nước ngoài.
Trên thị trường thức ăn chăn nuôi hiện tại, doanh nghiệp FDI chiếm đến 60 – 65% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất ra và vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, còn khối tư nhân nhà nước chỉ chiếm khoảng 35 – 40% trong tổng sản lượng song ngày càng co hẹp.
Chưa kể nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi luôn bị đội giá vì Việt Nam chưa thể tự chủ mà vẫn dựa hầu hết vào nguồn nhập khẩu. Dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn 15-20% so với các nước trong khu vực.
Trên thực tế, tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và phải nhập khẩu số lượng lớn thức ăn chăn nuôi đã diễn ra từ lâu.
Theo Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, ông Đoàn Xuân Trúc, hiện nay cả nước có 207 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất sản lượng hơn 22,2 triệu tấn/năm. Việt Nam chỉ tự túc được khoảng 40% nguyên liệu chế biến thức ăn công nghiệp, còn 60% là nhập khẩu. Số liệu Hải quan năm 2017 ghi nhận, Việt Nam chi tới 3,2 tỷ USD để nhập thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu.
Dù Việt Nam đang đứng thứ 17 trong top 20 quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới, nhưng với nhu cầu thức ăn chăn nuôi khoảng 18 – 20 triệu tấn/năm, hoạt động sản xuất trong nước hiện nay gần như mới chỉ đáp ứng được nhu cầu nội địa.
Sự vào cuộc của các đại gia
Vài năm gần đây, ngành thức ăn chăn nuôi đã thu hút thêm một số doanh nghiệp lớn quan tâm và đầu tư. Điển hình nhất phải kể đến Masan Group.
Đầu năm 2015, Masan Group chính thức bước chân vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Chọn con đường M&A, Masan đã mua lại không chỉ 1 mà tới 2 doanh nghiệp lớn trong ngành là Proconco và ANCO
Chỉ sau chưa đầy một năm, Masan Nutri-Science – công ty phụ trách mảng thức ăn chăn nuôi của Masan Group – không những trở thành doanh nghiệp lớn thứ 2 trong ngành chỉ sau "một đêm" mà còn đóng góp đáng kể doanh thu cũng như lợi nhuận về cho Masan. Trong năm 2016 sau đó, 2/3 doanh thu của Masan đến từ kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Ngoài Masan Group, nói đến ngành thức ăn chăn nuôi trong nước không thể không nhắc tới 4 doanh nghiệp lớn khác là Dabaco, GreenFeed, Vina và Lái Thiêu (5 DN nội này chiếm 23% thị phần) và 5 doanh nghiệp FDI lớn nhất là CP, Deheus, ANT, Jafa comfeed và Cargill (chiếm 37% thị phần).
Do thâu tóm được cả Proconco - nhà sản xuất Cám Con Cò và ANCO, cả 2 đều là những doanh nghiệp lớn trong ngành nên quá trình bước vào ngành thức ăn chăn nuôi của Masan diễn ra rất thuận lợi. Masan cũng không giấu tham vọng vượt qua C.P Việt Nam để dẫn đầu ngành.
Mảng thức ăn chăn nuôi đóng góp tới 2/3 doanh thu cho Masan Group.
Chọn cách làm tương tự Masan, chọn đầu tư thông qua M&A một đơn vị đã có sẵn cơ sở sản xuất, thị trường và kinh nghiệm, đang gặp khó khăn về tài chính, sẽ giúp Vingroup tiết kiệm nhiều thời gian và có nhiều lợi thế về chi phí trong đàm phán. Và Việt Thắng là một lựa chọn đủ tốt.
Sau 3 năm xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp quy mô trong ngành trồng trọt, bước chân đầu tiên của Vingroup vào lãnh địa chăn nuôi thông qua Việt Thắng hứa hẹn rất nhiều tiềm năng. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 sắp tới, Việt Thắng cho biết sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua phương án để VinEco mua tối đa 60% cổ phần Việt Thắng.
Trước cả khi về tay Hùng Vương, Việt Thắng đã là tên tuổi lớn trên thị trường về sản xuất thức ăn cho cá.
Khi thâu tóm Việt Thắng, ông chủ Hùng Vương Dương Ngọc Minh từng quả quyết, dựa trên những lợi thế sẵn có của Hùng Vương như: công nghệ tốt, có tiền chốt giá nguyên liệu ổn định, kho trữ hàng lớn… nên trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi Việt Thắng sẽ không phải e ngại bất kỳ đối thủ nào, kể cả các doanh nghiệp FDI.
Không giấu tham vọng gia tăng sản lượng và doanh thu, ông Minh đã đầu tư nâng công suất các nhà máy Việt Thắng từ 500.000 tấn lên 800.000 tấn/năm.
Ngoài sản xuất thức ăn cho cá, Việt Thắng đã mở rộng đầu tư chăn nuôi heo, sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm. Tính đến quý III/2017, chi phí đầu tư dở dang cho xây dựng và mở rộng công suất nhà máy thức ăn chăn nuôi và các trại heo giống lên đến 620 tỷ đồng. Hầu hết các khoản đầu tư này đều được tài trợ bằng nợ vay dài hạn.
Việt Thắng cũng thực hiện chiến lược xây dựng chuỗi giá trị khép kín trong ngành chăn nuôi heo từ con giống, trang trại chăn nuôi và cung cấp thức ăn dù có phần chậm chân hơn so với các đối thủ khác là CP, Cargill, Proconco, Anco…
Tuy nhiên, đáng tiếc là việc kinh doanh của Việt Thắng lại không được như ông Minh kì vọng.
Sai lầm nghiêm trọng nhất của Hùng Vương là tính toán sai thị trường trong việc đầu cơ nguyên vật liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cụ thể ở đây là bánh dầu đậu nành. Đây được xem là đòn giáng nặng nhất lên Việt Thắng.
Bản thân Hùng Vương khi nắm giữ quyền chi phối cũng khó mà có những hỗ trợ cho Việt Thắng, khi đang đối mặt với những khoản nợ lớn, hàng tồn kho cao, doanh thu sụt giảm, đến mức gần đây phải rao bán các dự án bất động sản để có tiền trả nợ.
Việc bán cổ phần tại Việt Thắng để giải quyết khó khăn đã được Hùng Vương rao bán từ năm ngoái. Sự có mặt của Vingroup có thể sẽ là giải pháp lợi cả đôi bên: Hùng Vương giảm bớt được áp lực nợ vay, Việt Thắng cũng sẽ có những hỗ trợ từ một doanh nghiệp sở hữu nguồn tài chính giàu mạnh và hệ sinh thái nông nghiệp đang trên đà phát triển. Còn với Vingroup, bước đệm này sẽ mở ra con đường rộng rãi trong lĩnh vực chăn nuôi đầy thách thức và cũng vô vàn cơ hội phía trước.
Trí thức trẻ