MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếp tục giãn cách xã hội, sàn online bán thêm thịt cá, rau củ... giao tận nhà

16-04-2020 - 14:32 PM | Thị trường

Thói quen ăn uống tại nhà được dự báo sẽ duy trì đến khi kết thúc dịch Covid-19 và là cơ hội rất lớn cho nhà bán lẻ, nhà sản xuất và các công ty giao thực phẩm.

Khảo sát mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hành vi của người tiêu dùng, cho thấy hơn 50% người được hỏi đã giảm tần suất ghé các cửa hàng hiện hữu, 52% nói rằng họ gia tăng dự trữ hàng hóa tại nhà. Trong khi đó, có đến 82% người tiêu dùng đã giảm tần suất các hoạt động ăn uống bên ngoài.

Với việc gia tăng dự trữ hàng hóa và ăn uống tại nhà do nhiều người phải ở nhà lâu hơn, người tiêu dùng có xu hướng tăng tiêu thụ mì ăn liền, sản phẩm chăm sóc nhà cửa, thực phẩm bổ sung, sản phẩm vệ sinh cá nhân, thực phẩm thiết yếu, rau quả tươi, sữa và các chế phẩm từ sữa, thực phẩm đông lạnh.

Theo đánh giá của Nielsen Việt Nam, xu hướng này thể hiện một cơ hội rất lớn cho nhà bán lẻ, nhà sản xuất và các công ty giao thực phẩm. Theo đó, sự chuyển biến về thói quen ăn uống tại nhà sẽ kéo dài cho đến hậu đại dịch. "Ngay cả sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, lối sống ăn uống khỏe mạnh sẽ trở nên quan trọng với người tiêu dùng hơn so với trước đây. Đối với những nhà bán lẻ, khai thác sâu các kênh trực tuyến, suy nghĩ lại về việc giao hàng, phát triển hơn các dịch vụ O2O (offline-to-online) và thúc đẩy tích hợp đa kênh sẽ là cách mà người tiêu dùng mua sắm trong tương lai" - bà Louise bà Louise Hawley, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam, nhận xét.

Thực tế, theo ghi nhận thị trường, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các dịch vụ giao thực phẩm, đi chợ hộ đã bùng nổ mạnh mẽ. Trong khi các nền tảng cũ như Now, Chopp… có lượng đơn đặt hàng tăng đột biến thì các nhà bán lẻ truyền thống mở thêm các kênh bán hàng qua điện thoại, Zalo… Chưa kể, một loạt ứng dụng hoặc siêu ứng dụng khác như Be, Grab cũng thí điểm triển khai thêm dịch vụ đi chợ hộ và nhận được phản hồi khá tốt, dù hệ thống vẫn chưa thực sự hoàn thiện.

Ngoài ra, hàng loạt siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi cũng đẩy mạnh các hoạt động mua bán hàng thiết yếu qua mạng và giao hàng tận nhà cho người tiêu dùng để tránh tập trung đông người.

Tiếp tục giãn cách xã hội, sàn online bán thêm thịt cá, rau củ... giao tận nhà - Ảnh 1.

Mua bán qua mạng tăng nhanh nên hoạt động giao hàng cũng tất bật không kém trong những ngày cách ly xã hội. Ảnh: Hoàng Triều

Đặc biệt, sàn thương mại điện tử (TMĐT) - vốn trước đây không được khai thác để phát triển mảng thực phẩm tươi sống - thì nay cũng bắt đầu nhảy vào cuộc đua trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục kéo dài thời hạn giãn cách xã hội tới 22-4. Cụ thể, Lazada vừa cho biết sàn này lần đầu tiên triển khai cung cấp thực phẩm tươi sống tại TP HCM như rau củ, thịt cá, trái cây... nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng với dịch vụ giao hàng nhanh chỉ trong 2 giờ. Đối tác tham gia cung cấp các thực phẩm tươi sống trên Lazada là: Meat Deli, Mega Việt Phát, Foodmap, Hiệp Nông, Lothamilk...

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) - đánh giá: “Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung đang chịu nhiều tổn thất từ tác động của dịch Covid--19, các doanh nghiệp và nhà bán lẻ đang dần chuyển đổi sang phương thức kinh doanh trực tuyến nhằm mở rộng phạm vi tìm kiếm khách hàng. Chúng tôi đánh giá cao các sàn TMĐT mang đến những chương trình thiết thực, kịp thời nhằm hỗ trợ nhà bán hàng nhanh chóng thích nghi với môi trường kinh doanh năng động và hiệu quả này".


Theo P.Nhung

Người lao động

Trở lên trên