MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếp tục kiểm soát chất lượng tín dụng

12-03-2017 - 14:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Hệ số rủi ro tăng lên, đồng nghĩa với việc các NH nếu muốn mở rộng hoạt động tín dụng cho vay kinh doanh BĐS buộc phải tăng vốn để đạt được hệ số CAR ít nhất 9%. Nếu không tăng được vốn thì NH phải hạn chế lại quy mô cho vay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Thận trọng là tất yếu

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tín dụng hai tháng đầu năm 2017 tăng 1,23% so với cuối năm 2016 và cao hơn mức tăng 0,33% của cùng kỳ năm 2016. Năm nay, kế hoạch tăng trưởng tín dụng (TTTD) ngành NH đề ra là 18%. Một vài năm trở lại đây, tín dụng đều tăng trưởng dương ngay từ những tháng đầu năm.

Tuy hai tháng đầu năm TTTD nhanh hơn cùng kỳ năm trước, nhưng năm nay dường như các NHTM cũng có sự thận trọng hơn khi nhiều nhà băng đặt chỉ tiêu tăng thấp hơn so với năm 2016. Đơn cử như Vietcombank đặt chỉ tiêu TTTD khoảng 18%, thấp hơn mức 18,9% trong năm 2016. Agribank là khoảng 14 - 18%... Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên do của sự thận trọng này.

NHNN tiếp tục kiểm soát chất lượng tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Trao đổi với một chuyên gia tài chính, vị này đánh giá: mức TTTD hai tháng đầu năm 2017 là khá khả quan. Điều này sẽ tạo tiền đề cho tín dụng phân bổ đồng đều hơn cho các quý, không bị tình trạng “dồn cục” vào thời điểm cuối năm. “Và có lẽ, các DN cũng đã học được nhiều bài học quý giá, cũng như nhận thấy lợi ích mang lại khi tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của mình ngay từ đầu năm. Thêm vào đó, chủ trương hỗ trợ các DN khởi nghiệp của Chính phủ trong năm 2017 cũng đã có tác động nhất định để các DN “xắn tay áo” lên ngay từ đầu năm, kích cầu cho tín dụng” - ông này nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mới qua hai tháng cũng chưa thể nói trước được điều gì. Vì từ nay tới cuối năm sẽ có nhiều biến động, đặc biệt liên quan đến các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Nếu như nền kinh tế thế giới có những rung lắc mạnh, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam. “Tuy vậy, cho tới thời điểm này, với những gì đang diễn biến trên cục diện nền kinh tế toàn cầu, chúng ta có thể vẫn duy trì được dự báo lạc quan” - ông Hiếu chia sẻ.

Bàn về việc các NH e dè hơn với kỳ vọng TTTD, giới chuyên gia cho rằng nguyên do tới từ cả yếu tố bên ngoài và nội tại. Năm 2017, dự báo cho nền kinh tế toàn cầu sẽ có những giông gió nhất định, va đập tới nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, kinh tế nước ta dựa nhiều vào xuất khẩu và có độ mở lớn nên chắc chắn khó tránh khỏi ảnh hưởng nếu thị trường tài chính thế giới nổi sóng.

Hiện ngay cả Chính phủ Mỹ cũng đi theo hướng bảo hộ mậu dịch mang tính cực đoan hơn, đưa các DN sản xuất của Mỹ trở lại thị trường Mỹ, quan hệ kinh tế của Mỹ với các quốc gia khác cũng đang được xem xét lại... Điều này sẽ phần nào khiến đầu tư vào Việt Nam sụt giảm. Bởi theo tâm lý của các nhà đầu tư, khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp, họ thường có khuynh hướng quay trở lại những thị trường truyền thống. Các NH dường như cũng thấy rõ điều này, nên họ thận trọng hơn với những mục tiêu kinh doanh đặt ra.

Từ phía cơ quan điều hành, năm nay, thông điệp NHNN đưa ra là sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT trong ngành giao…

Theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN: Từ năm 2017 tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của TCTD giảm về 50% thay vì 60%; Hay hệ số rủi ro trong đầu tư và kinh doanh bất động sản (BĐS) tăng từ 150% lên 200% cũng là yếu tố siết lại thị trường tín dụng, đặc biệt với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Hệ số rủi ro tăng lên, đồng nghĩa với việc các NH nếu muốn mở rộng hoạt động tín dụng cho vay kinh doanh BĐS buộc phải tăng vốn để đạt được hệ số CAR ít nhất 9%. Nếu không tăng được vốn thì NH phải hạn chế lại quy mô cho vay. Mà, chuyện tăng vốn ở thời điểm này vẫn đang khiến các NH đau đầu.

Đổi lượng lấy chất

Khó khăn cho các NH đến từ nhiều phía, nhưng đó cũng là “lửa thử vàng”. Đến thời điểm này, ưu tiên số một vẫn là chất lượng của tín dụng. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cũng khuyến nghị dòng vốn tín dụng cần tập trung vào những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, dựa trên thước đo hiệu quả dòng vốn. Và chúng ta cần kiểm soát chặt lượng vốn đưa vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán...

Theo ông Hải, với mức độ TTTD quá cao, các NH sẽ gặp nhiều khó khăn trong duy trì đảm bảo an toàn vốn trong tương lai. Chúng ta phải có cơ chế giữ lại lợi nhuận thu lại được, hoặc phải điều chỉnh tốc độ TTTD của từng NH đảm bảo an toàn vốn - CEO này cho hay.

Là một trong những NH tích cực đẩy mạnh cho vay với 5 lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ DN khởi nghiệp, Vietcombank triển khai nhiều chương trình lãi suất ưu đãi với dư nợ lên tới gần 170.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35% tổng dư nợ toàn hệ thống Vietcombank.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Vietcombank là NHTM đầu tiên hoàn thành xử lý nợ xấu đã bán cho VAMC sớm hơn ba năm so với tiến độ. Minh bạch nợ xấu về một sổ, hiện tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank ở mức thấp dưới 1,5% - đảm bảo kiểm soát và quản trị được chất lượng tín dụng một cách thực chất.

Như vậy có thể thấy, chạy đua về TTTD không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay. Một chuyên gia khuyến nghị, việc tối quan trọng để sử dụng đồng vốn hiệu quả với các nhà băng hiện nay là quản lý rủi ro. “NH chỉ nên cho vay với những món vay được thẩm định kỹ càng. Đặc biệt là miếng bánh càng hấp dẫn càng dễ là cạm bẫy nợ xấu” - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Bên cạnh đó, chi phí hoạt động cũng là vấn đề phải được xem xét. Việc quản trị điều hành của các NH cũng phải thay đổi để phù hợp với thực tế. Đặc biệt, nếu NH chỉ tập trung vào một vài đối tượng sẽ tăng rủi ro cho chính mình.

Theo Minh Khuê

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên