Tiếp tục đặt cược lớn vào thị trường "ăn nhậu", Golden Gate kỳ vọng thu về gần 5.000 tỷ đồng từ các chuỗi bia tươi, lẩu nướng
Dù gặp khó khăn trong năm 2018, Golden Gate vẫn đặt kế hoạch đầy tham vọng cho năm 2019.
Liên tục mở rộng mạnh mẽ trong hơn 5 năm qua nhằm tận dụng nhu cầu "ăn nhậu" các món lẩu, nướng, bia tươi bùng nổ mạnh mẽ tại các thành phố lớn, CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) đã trở thành chuỗi nhà hàng ẩm thực lớn nhất nước với hệ thống hơn 300 cửa hàng gồm hàng chục thương hiệu khác nhau như Ashima, Kichi Kichi, Gogi, Sumo BBQ, Hutong hay Vuvuzela…
Nhờ đầu tư sớm cùng độ phủ lớn, Golden Gate đã thu được kết quả kinh doanh rất ấn tượng: trong giai đoạn 2012-2017, doanh thu của công ty đã tăng gấp 10 lần từ hơn 300 tỷ lên 3.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 5 lần lên 255 tỷ đồng.
Năm 2018, Golden Gate tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với cả doanh thu và lợi nhuận dự kiến tăng trưởng gần 30%, lên 4.400 tỷ đồng doanh thu và 326 tỷ đồng lợi nhuận.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài tăng trưởng tương đối thuận lợi và đạt được quy mô quá lớn thì Golden Gate cũng đã bước vào giai đoạn khó khăn để tìm động lực tăng trưởng mới. Theo báo cáo thường niên vừa được Golden Gate công bố, doanh thu năm 2018 của công ty chỉ đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch và lợi nhuận đạt 269 tỷ đồng - tương đương 83% kế hoạch.
So với năm 2017, doanh thu và lợi nhuận của Golden Gate chỉ tăng tương ứng là 17% và 5% - mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 2013 - thời điểm đánh dấu sự bùng nổ mạnh mẽ về quy mô của công ty khi doanh thu liên tục tăng trưởng trên 30-50%/năm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù các thương hiệu và cửa hàng hiện hữu vẫn đạt hiệu quả nhưng Golden Gate đã gặp phải một số khó khăn trong việc phát triển các địa điểm mới cũng như thương hiệu mới dẫn tới tăng trưởng không được như kỳ vọng. Năm 2018, công ty chỉ ra mắt thương hiệu con Hutong Seafood của chuỗi lẩu Hutong.
Bất chấp việc chững lại trong năm 2018, Golden Gate vẫn đặt kế hoạch đầy tham vọng cho năm 2019 với doanh thu tăng trưởng 22% lên trên 4.800 tỷ đồng và lợi nhuận tăng trưởng 23%. Để đạt được kế hoạch này thì bình quân mỗi ngày hệ thống nhà hàng của công ty phải đạt hơn 13 tỷ đồng doanh thu.
Với việc tăng trưởng khó khăn hơn, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của Golden Gate cũng giảm rõ rệt qua từng năm. Nếu giai đoạn 2012-2013, cứ 100 đồng thu về rồi công ty lãi ròng khoảng 15 đồng thì đến nay chỉ còn chưa đến 7 đồng.
Trong mô hình kinh doanh chuỗi nhà hàng của Golden Gate, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp như đồ ăn, thức uống chỉ chiếm khoảng 1/3 doanh thu. Khoản chi phí lớn nhất là chi phí bán hàng với các khoản mục chính như chi phí cho nhân viên, chi phí thuê mặt bằng, marketing… Theo số liệu cho công ty công bố, chi phí thuê mặt bằng – tức "tiền chỗ ngồi" chiếm khoảng 10% doanh thu.
Dù có thể đang gặp phải thách thức nhưng dù sao Golden Gate vẫn là doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận tốt nhất trong ngành khi mà rất nhiều chuỗi nhà hàng tên tuổi khác đều có doanh thu bé hơn rất nhiều, thậm chí thua lỗ lớn nhiều năm như một số chuỗi fast food.
Trí Thức Trẻ