Tiếp tục nghiên cứu cắt giảm một số điều kiện đầu tư kinh doanh xăng dầu
Để cung cấp thông tin cho Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Bộ Công Thương, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội một số nội dung liên quan đến quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu.
- 22-05-2019Sự thật về giá xăng: Giá ở Việt Nam tăng thấp hơn thế giới
- 17-05-2019Giá xăng giảm 200 đến gần 600 đồng/lít từ 15h chiều nay, vẫn trên dưới 21.000 đồng/lít
- 16-05-2019Ngày mai, giá xăng trong nước có hạ nhiệt theo đà giảm của thế giới?
Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh xăng dầu để thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn và đảm bảo nguồn cung tốt hơn; phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) để ngày càng hoàn thiện hơn công tác quản lý, điều hành thị trường xăng dầu.
Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, đánh giá, xem xét sửa đổi các quy định về thuế, nghiên cứu quy định thuế bảo vệ môi trường cho riêng xăng sinh học E5, E10, phù hợp với mức phát thải ra môi trường.
Bộ Công Thương, các tổ chức, cơ quan tăng cường tuyên truyền về mặt hàng xăng E5RON92 nhằm khuyến khích người dân sử dụng để bảo vệ môi trường.
Đánh giá về Nghị định 83, báo cáo cho hay, từ khi Nghị định có hiệu lực đến nay, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, giá xăng dầu trong nước được Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành linh hoạt. Từ đó kịp thời, đảm bảo hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật. Nhà nước không phải dùng ngân sách để điều tiết, bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Ngoài ra, việc điều hành kinh doanh xăng dầu cũng đã được công khai, minh bạch trên các trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia đều có thể tìm hiểu, theo dõi và giám sát. An ninh năng lượng quốc gia được đảm bảo; nguồn cung xăng dầu đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của nhân dân.
Quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu tại Nghị định 83 cũng tạo điều kiện cho các thương nhân đủ năng lực tham gia kinh doanh, cung ứng xăng dầu. Nếu như năm 2010 chỉ có 10 thương nhân đầu mối xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thì hiện nay đã có 30 thương nhân đầu mối xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cùng hơn 200 thương nhân phân phối xăng dầu tham gia thị trường xăng dầu. Nhờ đó, bước đầu đã có sự cạnh tranh về giá xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng được hưởng lợi, lựa chọn mua xăng dầu với các mức giá phù hợp.
Vừa qua, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam có đề xuất xem xét bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, xăng dầu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá số 11/2012/QH13.
Trí Thức Trẻ