Tiết kiệm 2,7 nghìn tỷ USD trong đại dịch nhưng người Mỹ, châu Âu đang "lười" chi tiêu hơn bao giờ hết - Đây là lý do
Lo sợ lạm phát, đại dịch bùng phát trở lại hay triển vọng việc làm không như kỳ vọng là những lý do khiến người dùng "lười" chi tiêu. Ngoài ra, việc đứt gãy chuỗi cung ứng của nhiều mặt hàng cũng khiến những người có tiền muốn chi tiêu cũng không thể.
- 15-10-2021Châu Á đang điên cuồng "săn" dầu nhiên liệu thừa từ châu Âu
- 10-10-2021Gốc rễ khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc, châu Âu
Người tiêu dùng tại Mỹ, châu Âu không vội vàng chi tiêu khoản tiền 2,7 nghìn tỷ USD tiết kiệm được trong giai đoạn đại dịch, khiến hy vọng về một cuộc khôi phục nhu cầu tiêu dùng để thúc đẩy kinh tế có nguy cơ bị phá sản.
Sau khi các nước Âu, Mỹ được nới lỏng giãn cách trong kỳ nghỉ hè vừa qua, số tiền tiết kiệm trong các tài khoản ngân hàng ở khu vực đồng euro chỉ giảm nhẹ (trong tháng 8), thậm chí còn tăng ở Italia, theo Bloomberg Economics. Các số liệu ở Mỹ cũng cho thấy không có sự sụt giảm nào.
Việc người dùng "lười" chi tiêu có thể đến từ lo ngại lạm phát bùng lên trong vài tháng qua, theo các nhà kinh tế. Số tiền tiết kiệm này có thể giúp các gia đình đối phó với tình trạng giá xăng, khí đốt tăng vọt trong thời gian qua.
"Chúng tôi không nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy khoản tiền tích luỹ của người dân sẽ quay trở lại nền kinh tế", Dario Perkins – Giám đốc quản lý vĩ mô toàn cầu của TS Lombard cho biết. "Có thêm những khoản tiền này, người dùng cảm thấy giàu có. Họ chi tiêu nhiều hơn một chút. Một phần của số tiền đó có thể được chi tiêu nhưng nó không tăng trở lại so với giai đoạn trước đại dịch".
Bloomberg Economics tính toán tổng số tiền tiết kiệm dư thừa được tích luỹ kể từ khi đại dịch bùng phát tại Mỹ là khoảng 2,3 nghìn tỷ USD và ở châu Âu là 400 tỷ euro (464 tỷ USD).
Xu hướng chi tiêu cho các dịch vụ cơ bản của người dùng châu Âu giai đoạn sau đại dịch so với trước đây.
Mặc dù trước đó Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cảnh báo về việc lượng tiền tích luỹ dó sẽ không được chi tiêu, các Giám đốc điều hành công ty và nhà kinh tế lại tin tưởng theo chiều ngược lại.
Các thước đo của Uỷ ban châu Âu cho thấy không có sự bùng nổ trong các giao dịch mua sắm. Số liệu từ Anh cũng cho thấy người dùng đang chi tiêu thận trọng bất thường và mong muốn tiết kiệm. Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, chi tiêu của người dùng sụt giảm trong suốt mùa hè.
Lý do khiến người dùng chọn cách giữ tiền được chỉ ra là vì sự lo lắng đại dịch bùng phát trở lại hay tốc độ phục hồi kinh tế và triển vọng việc làm không như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm hàng hoá trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị siết chặt đồng nghĩa đôi khi người dùng có nhu cầu nhưng vẫn không thể chi tiêu.
Cố vấn tài chính Mike Leverty ở Minneapolis cho biết các khách hàng giàu có của ông muốn tiết kiệm tiền để mua xe hơi hoặc bể bơi nhưng không thể vì thiếu hàng hoá hoặc lao động. "Một khách hàng muốn sửa sang lại nhà bếp nhưng các nhà thầu đã bị đặt hết trong 1 năm", ông nói.
Cuối cùng, lượng tiền tiết kiệm cũng không đồng đều ở các nhóm kinh tế xã hội khác nhau. Những người cao niên và người vốn đã giàu có tiết kiệm – hoặc kiếm thêm được nhiều nhất trong đại dịch – nhưng họ thường là những người ít có khả năng chi tiêu nhất.
Tham khảo: Bloomberg