MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiết kiệm chi tiêu để có sân bay Long Thành

09-06-2017 - 08:40 AM | Bất động sản

Năm 2017, 2018, nếu mỗi năm tiết kiệm chi tiêu thường xuyên 1% thì sẽ đủ 23.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành.

20 đại biểu (ĐB) đăng ký, 19 ĐB nêu ý kiến về Cảng hàng không quốc tế Long Thành và bộ trưởng Bộ GTVT có 15 phút giải trình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn với dự án này sau phiên thảo luận tại hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chiều 8-6.

Vẫn là câu hỏi “Tiền đâu?”

Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) đồng tình việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như một dự án thành phần.

“5.000 ha giải phóng mặt bằng (GPMB) vướng rất nhiều hộ dân và phát sinh nhiều vấn đề. Nếu không giám sát thì sẽ rất chậm” - ông Thể nói. Và mặc dù không lo với 5.000 tỉ đồng đã được bố trí để GPMB nhưng ông Thể cho rằng nếu không có 25.000-30.000 tỉ đồng thì khó.

Dự án thành phần này cần 23.000 tỉ đồng nhưng ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đặt câu hỏi: “Số tiền 23.000 tỉ đồng đã là con số cuối cùng thu hồi đất GPMB hay chưa?”. Bởi theo ông Cảnh, giá đất thì biến động trong khi nguồn lực thì có hạn.

Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính, đại biểu tỉnh Quảng Ninh, phát biểu tại hội trường. Ảnh: QH
Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính, đại biểu tỉnh Quảng Ninh, phát biểu tại hội trường. Ảnh: QH

Trước những băn khoăn, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính, ĐB tỉnh Quảng Ninh, tranh luận nhưng thực tế thì ông đưa ra giải pháp.

“Cần nghiên cứu hai giải pháp hiệu quả: Xin cơ chế đặc biệt cho GPMB và tiết kiệm chi thường xuyên trên cả nước” - ông Chính nói và nhấn mạnh hơn đến việc tinh giản biên chế để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên.

Theo ông, năm 2017, 2018, nếu mỗi năm tiết kiệm chi tiêu thường xuyên 1% thì đã đủ 23.000 tỉ đồng để GPMB cho sân bay Long Thành.

Ý kiến này của ông Chính sau đó được rất nhiều ĐB đồng tình.

Cần chuẩn bị những tình huống phát sinh

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đồng tình với việc cân nhắc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tuy vậy, bà lưu ý: Việc thực hiện dự án sân bay Long Thành với mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải làm sao cho hợp lòng dân, cho tiết kiệm nhất, nhất là tiết kiệm nguồn lực đất đai.

Trở lại với dự án thành phần được tách ra khỏi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói nếu sau khi Quốc hội (QH) thông qua nội dung trên, đất được thu hồi nhưng dự án không được triển khai thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng là rất lớn. Bà Tâm đề nghị phải đưa vấn đề trên vào nghị quyết và các cơ quan của QH phải giám sát chặt chẽ.

Đặc biệt, bà Tâm đề nghị QH và Chính phủ GPMB một lần để ổn định cuộc sống cho người dân, có đất sạch thuận lợi thực hiện dự án.

Sân golf thông thoáng trong sân bay bề bộn?

Trong phiên thảo luận, vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất được nhiều ĐB đến từ TP.HCM đề cập. “Hiện nay người dân TP vẫn chưa yên tâm về cách mà chúng ta sử dụng đất trong khuôn viên của sân bay Tân Sơn Nhất…” - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thông tin.

Trong khi đó, ĐB Trần Anh Tuấn cho rằng việc mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất phải tiến hành khẩn trương. “Sẽ ra sao khi có một sân golf thông thoáng bên trong một sân bay bề bộn?” - ông đặt vấn đề.

Trao đổi bên lề với báo chí, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho hay vài năm nay cử tri không chỉ ở TP.HCM mà các tỉnh, thành khác đều băn khoăn về sự tồn tại của sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiều người không đồng tình, họ đã có ý kiến quyết liệt với Đoàn ĐBQH TP.HCM.

Theo ông Nghĩa, đất quốc phòng thì về nguyên tắc, nếu không có nhu cầu quốc phòng thì trả về cho Nhà nước để giao các cơ quan khác có nhu cầu sử dụng. Đây là quy trình rất bình thường. Lâu nay có thông tin là đất quốc phòng vẫn cần nhưng tạm thời đưa tư nhân trong quá trình chưa dùng đến. Nhưng với quy mô như vậy, rõ ràng việc đầu tư của tư nhân không thể là trong thời gian ngắn. Như thế có nghĩa nhu cầu quốc phòng của diện tích đất này là chưa cần thiết trong thời gian khá dài. Mà nếu thế thì tốt nhất là giao đất cho ngành hàng không vì hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nền kinh tế.

“Trước ý kiến của đông đảo cử tri muốn giao diện tích đất sân golf về cho sân bay Tân Sơn Nhất, tôi đề nghị Chính phủ đứng ra chủ trì, cùng với Bộ Quốc phòng và ngành hàng không dân dụng Việt Nam nghiên cứu, trao đổi với nhà đầu tư để bàn giao diện tích này cho sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu nhà đầu tư tư nhân có thiệt hại gì thì Nhà nước có những biện pháp bù đắp thỏa đáng cho họ. Chuyện quy hoạch nếu thấy chưa hợp lý, thấy sai thì cần sửa đổi...” - ông Nghĩa kiến nghị.

Mong đại biểu tin tưởng, ủng hộ

Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa bày tỏ: Xuất phát từ nhu cầu ngành hàng không, sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất thì dự án này đã được bàn kỹ và QH khóa XIII đã thông qua chủ trương sau khi xem xét thận trọng. Theo Bộ trưởng, phương án song song là nâng cấp và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy vậy, dù được mở rộng và nâng cấp thì đến năm 2022 Tân Sơn Nhất lại quá tải, không đảm đương tăng trưởng được.

“Nên sân bay Long Thành đến năm 2025 đúng như dự kiến sẽ là một nhu cầu hết sức cấp bách. Mong các ĐBQH ủng hộ để sớm thực hiện dự án này" - Bộ trưởng Nghĩa nói.

Theo CHÂN LUẬN

Pháp Luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên