Tiết kiệm, chống lãng phí: Chủ trương đã có, sao vẫn chưa đi vào thực tế?
Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song thời gian qua, công tác tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, hạn chế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn thảo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016, trong đó tập trung vào nội dung chống lãng phí trong chi tiêu Ngân sách Nhà nước. Dù đã có những biến chuyển tích cực, nhưng công tác này vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, hạn chế.
Theo thống kê của Báo Quân đội Nhân dân, qua 47 cuộc thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ Tài chính đã kiến nghị xử lý gần 17.000 tỷ đồng, trong đó phát hiện gần 29.000 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục.
Qua 47 cuộc thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ Tài chính đã kiến nghị xử lý gần 17.000 tỷ đồng, trong đó phát hiện gần 29.000 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục
Ngân sách Nhà nước thường được các địa phương sử dụng với mục đích phát triển kinh tế xã hội, nâng cao mức sống người dân. Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn là một phần của ngân sách, mà đôi khi đã khá eo hẹp, lại được chi dùng cho những mục đích có lẽ đã chệch khá xa khỏi những mục tiêu trên..
Minh chứng cho điều này, tờ Tiền phong đã dẫn lời Chủ nhiệm ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết trong năm qua, nhiều địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh, cùng với đó là việc in ấn các kỷ niệm chương gây lãng phí và tốn kém.
Như tờ Thời báo Tài chính trong bài viết về Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước sửa đổi cho biết, tại một số địa phương ngành, dù trụ sở vẫn đang sử dụng tốt nhưng sau đó lại được gom vào theo mô hình tập trung, không sử dụng đến, gây lãng phí lớn.
Ngoài ra, thời gian qua cũng xuất hiện nhiều công trình trọng điểm gây thiệt hại lớn cho Ngân sách Nhà nước. Cụ thể, tờ Người Lao động cho biết, Dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân được khởi công cách đây 12 năm với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng vẫn chưa hoàn thành. Hay dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội khởi công từ 2006 với tổng vốn gần 18.500 tỷ đồng, tới nay đội vốn lên thành 36.000 tỷ đồng và vẫn chưa ấn định thời gian hoàn thành.
Việc quy trách nhiệm tài sản công là một trong nhiều biện pháp để chống lãng phí trong chi tiêu Ngân sách Nhà nước
Trong một góc nhìn khác, tờ Đại biểu nhân dân cho rằng lãng phí đang trở thành vấn nạn, là hậu quả trực tiếp của bệnh "phóng tay". Chặn căn bệnh này chính là chặn sự phô trương của pano, biểu ngữ, của những hội thảo mà đại biểu vào Nam, ra Bắc dự họp, tốn kém không biết bao nhiêu tiền tàu xe, ăn ở, để rồi kết luận toàn những nội dung cũ, đâu lại vào đấy.
Và để chấm dứt tình trạng lãng phí, hầu hết các bài viết về chủ đề này đều cùng chung nhận định, đó là cần chỉ rõ, quy trách nhiệm cá nhân chứ không chỉ rút kinh nghiệm cho qua đối với những khoản chi không đúng. Có công khai chi tiêu để giám sát, chắc chắn người ký quyết định chi tiêu sẽ phải chùn tay, có đấu tranh phản biện trước khi duyệt chi, và chủ trương tiết kiệm sẽ đi vào cuộc sống, còn người dân cũng sẽ yên tâm khi đóng thuế.
VTV1