MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiết kiệm kiểu Konmari: Dọn dẹp cách bạn chi tiêu để cuộc sống thoải mái, ngân sách gọn gàng

20-02-2024 - 00:20 AM | Lifestyle

Không đơn thuần là một phương pháp tiết kiệm, 4 quy tắc Konmari còn giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nếu là một người yêu thích sự gọn gàng, ngăn nắp trong không gian sống, chắc hẳn bạn đều đã ít nhiều biết tới Marie Kondo - Người được mệnh danh là "Thánh nữ dọn nhà". Marie Kondo từng lọt vào danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí lừng danh Time bình chọn vào năm 2015.

Không chỉ nổi tiếng nhờ chia sẻ những bí quyết dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa, Marie Kondo còn truyền cảm hứng cho giới trẻ Nhật Bản hình thành và theo đuổi phương pháp tiết kiệm có tên Konmari.

Tiết kiệm kiểu Konmari: Dọn dẹp cách bạn chi tiêu để cuộc sống thoải mái, ngân sách gọn gàng- Ảnh 1.

Marie Kondo

Konmari là bộ 4 quy tắc "dọn dẹp" chi phí sống, chi phí sinh hoạt mà không làm giảm chất lượng sống, từ đó giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền hơn.

Cụ thể, bộ 4 quy tắc này tập trung vào việc bán bớt những món đồ không thực sự cần thiết để có thêm không gian sống, tiết kiệm công sức dọn dẹp, đồng thời, "thu hồi vốn" từ hành vi mua sắm có phần vung tay quá trán của chính bạn trước đây.

1 - Loại bỏ những món đồ có cùng công dụng

Hãy nghĩ trong đầu câu hỏi "Thứ này để làm gì?", đồng thời quan sát thật kỹ từng món đồ đang có trong tủ bếp, phòng khách, phòng ngủ,... của bạn. Sau đó, rất có thể bạn sẽ nhận ra có quá nhiều món đồ có cùng công dụng đang hiện hữu trong không gian sống của mình.

Giả sử rằng bạn đang ở một mình nhưng lại có tới 4 chiếc cốc, 3 bộ bát đĩa,... Đó là những món đồ có cùng công dụng.

Marie Kondo khuyên bạn hãy giữ lại 1 món đồ cho 1 công dụng (VD: một chiếc cốc, một chiếc bát, một đôi đũa, 1 cái nồi,...) và đặt tất cả các "bản sao" còn lại vào một chiếc hộp, đặt ở vị trí khuất tầm nhìn trong vòng 1 tháng.

Sau 30 ngày, nếu bạn không có nhu cầu mở hộp ra, nghĩa là bạn không cần dùng đến những món đồ đó. Hãy đăng bán chúng trên chợ đồ cũ.

2 - "Thử thách 33-3" đối với quần áo: Cách để bạn thấy mình đã phung phí cho thời trang đến thế nào

Quần áo là một trong những món đồ mà chúng ta thường mua nhiều nhất. Tuy nhiên trên thực tế, một người không cần nhiều quần áo như những gì bản thân họ vẫn nghĩ.

Để khắc phục tình trạng "đốt" cả tiền bạc lẫn thời gian cho việc mua sắm và lựa chọn quần áo trước khi ra đường, phương pháp Konmari khuyến khích bạn thực hiện "thử thách 33-3" để bắt đầu tìm ra những chiếc quần, áo, váy vóc,... mà bạn không thực sự cần.

Tiết kiệm kiểu Konmari: Dọn dẹp cách bạn chi tiêu để cuộc sống thoải mái, ngân sách gọn gàng- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đầu tiên, bạn hãy chọn ra tối đa 33 món đồ mà bản thân hay mặc nhất (bao gồm cả quần áo thể thao, đồ trang sức và các phụ kiện khác như túi xách, giày dép,... ). Nhẫn cưới, của hồi môn và đồ ngủ là 3 gạch đầu dòng không nên xuất hiện trong danh sách 33 món đồ hay mặc này.

Sau đó bạn hãy đóng hộp tất cả các món đồ còn lại, cất vào một góc khuất. Trong vòng 3 tháng, bạn buộc phải "xoay sở" với 33 món đồ đã lựa chọn. Nếu sau 90 ngày, bạn không động vào chiếc hộp đã cất trong góc khuất, vậy thì bạn biết nên làm gì với chúng rồi đấy!

3 - "1 vào, 1 ra": Nếu bạn không muốn món đồ nào ra chuồng gà, đừng mua mới

Phương pháp Konmari cho rằng chúng ta hoàn toàn được phép tiêu tiền vào những món đồ mà bản thân cảm thấy thích. Tuy nhiên, để việc mua sắm không trở nên "quá lố", hãy áp dụng cách tư duy "1 vào, 1 ra": Trước khi quyết định mang bất cứ món đồ mới nào về nhà, bạn buộc phải bỏ đi một món đồ đang có.

Điều đáng lưu ý là món đồ bị bỏ đi và món đồ mới sắp được mang về không nên có cùng công dụng, trừ khi món đồ cũ đã hỏng và không có khả năng sửa chữa. Ví dụ: Bạn muốn mua một đôi giày mới, bạn nên bỏ/bán đi một bộ quần áo.

Mục đích của cách tư duy "1 vào, 1 ra" này không chỉ nằm ở việc duy trì không gian sống tối giản, ít đồ đạc mà còn kích thích bạn suy nghĩ một cách lý trí để không sa đà vào việc chi tiêu theo cảm xúc - một trong những thói quen khiến tiền bay nhanh như chớp.

4 - Những quy tắc nhỏ khác

Bên cạnh 3 quy tắc chính phía trên, phương pháp Konmari còn gợi ý cho bạn cách cắt giảm chi phí sinh hoạt dựa vào việc lựa chọn những món đồ gia dụng, nội thất phù hợp với bản thân.

- Chuyển tới một ngôi nhà có diện nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí cho nhà ở.

- Không nên dùng tủ lạnh quá to. Tủ lạnh càng bé, càng tiết kiệm điện năng và hạn chế tình trạng thực phẩm bị "lãng quên", tránh lãng phí.

- Sử dụng hộp đựng thực phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần để giảm thiểu tối đa việc chi tiền mua túi nilon, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường.

- Sử dụng đồ nội thất tích hợp chức năng như ghế đẩu có khoang lưu trữ. Bạn chỉ phải mua 1 món đồ thay vì 2, tiết kiệm tiền mà nhà cửa lại gọn gàng.

Theo Ngọc Linh

Phụ nữ mới

Trở lên trên