Tiết lộ 57 kịch bản thử nghiệm tuyến Metro 34.800 tỷ đồng khởi công từ 15 năm trước tại Hà Nội
Công tác vận hành thử là bước cuối trong 8 bước thử nghiệm và căn chỉnh hệ thống trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức.
Vận hành thử trong 7 tuần với 57 kịch bản
Ngày 12/3, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông tin, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã chính thức bắt đầu giai đoạn vận hành thử.
Công tác vận hành thử là bước cuối cùng trong 8 bước thử nghiệm và căn chỉnh hệ thống trước khi đưa dự án vào vận hành. Mục tiêu của giai đoạn này là dựa trên vận hành thực tế, thực hiện quy trình toàn diện để xác minh các yếu tố vận hành bao gồm tài liệu, quy trình vận hành cũng như kiến thức và kỹ năng của nhân sự vận hành và bảo dưỡng (O&M).
Vận hành thử là mô phỏng công tác vận hành tuyến khi không có hành khách bằng cách đánh giá kỹ năng và kiến thức của đội ngũ nhân viên đã được đào tạo vận hành.
Giai đoạn vận hành thử được chia ra làm 3 phần: Giai đoạn 1: Các bài thực hành vận hành ở chế độ bình thường. Giai đoạn 2: Các bài thực hành vận hành ở chế độ hạn chế. Giai đoạn 3: Các bài thực hành vận hành ở chế độ khẩn cấp.
Vận hành thử được thực hiện với 57 kịch bản trong vòng 7 tuần, bắt đầu từ ngày 11/3 và kết thúc vào ngày 26/4. Mỗi kịch bản sẽ được thực hiện và đánh giá dựa trên biểu mẫu đánh giá do Tư vấn Systra lập và thực hiện. Biểu mẫu này bao gồm khoảng 22 tiêu chí về yếu tố kỹ thuật và vận hành để đánh giá.
Các hoạt động kiểm tra gồm: Kiểm tra lịch chạy tàu; thử nghiệm các dịch vụ trong điều kiện vận hành danh định và hạn chế; xác minh tính đầy đủ và hiệu quả của các hướng dẫn vận hành và bảo trì cũng như các quy trình khẩn cấp; đảm bảo các quy trình chăm sóc khách hàng và thương mại được chuẩn bị tốt với đội ngũ nhân viên được đào tạo kỹ lưỡng và trang thiết bị khả dụng và đảm bảo hiệu quả; tích hợp các dịch vụ khẩn cấp và an toàn để chuẩn bị cho vận hành thương mại; cho phép nhân sự vận hành và bảo trì có kinh nghiệm ban đầu trong điều kiện thực tế bằng cách làm quen với thiết bị, để xử lý các chế độ vận hành danh định và chế độ hạn chế.
Ngoài ra, một số kịch bản đặc thù về sơ tán hành khách, thoát hiểm trong điều kiện có cháy nổ, cấp cứu người bị thương sẽ được diễn tập trong các tuần cuối của tháng 4/2024 cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng như Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cơ quan y tế.
"Chốt" thời gian vận hành thương mại
MRB cho biết, tiến độ tổng thể tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đến nay đạt 77,76% (tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 99,65%, đoạn ngầm đạt 37,25%).
Theo dự kiến của MRB, đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội sẽ hoàn thành công tác vận hành chạy thử vào cuối tháng 4/2024. Đến cuối tháng 6/2024 hoàn thành công tác chứng nhận an toàn hệ thống, kiểm tra nghiệm thu bàn giao của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước để bàn giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội đưa vào vận hành thương mại.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Dự án có 10 đoàn tàu được chế tạo tại Pháp, mỗi đoàn gồm 4 toa, có khả năng chở 944 - 1.124 người, mật độ khoảng từ 6,6-8 người/m2.
Trong khoang hành khách của tàu có hệ thống phát thanh, camera có màn hình quan sát trực tiếp tại toa cabin để kịp thời xử lý những trường hợp khẩn cấp và hệ thống phát hiện cháy và khói độc lập, đèn LED tự động điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp khi đi vào đoạn ngầm…
Khi đi vào vận hành chính thức, tuyến sẽ vận hành với tốc độ khai thác thương mại trung bình 35km/h và có 8 đoàn tàu cùng hoạt động, 1 đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm khi quá tải và 1 đoàn tàu phục vụ cứu hộ khi có trường hợp khẩn cấp.
Dự án có tổng mức đầu tư 34.800 tỷ đồng từ nguồn vay ODA của Tổng cục Kho bạc của Chính phủ Pháp; Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á và 218 triệu Euro vốn đối ứng từ ngân sách TP Hà Nội.
Đời sống pháp luật