Tiết lộ mới trong vụ án 9 người chết: Dùng hóa chất HCL, HF là 'tuyệt chiêu' nghề nghiệp!
Sáng 17/1, ngày thứ 4 phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại BVĐK Hòa Bình xuất hiện thêm lời khai mới.
- 08-01-2019Bị cáo Trương Quý Dương nhờ người dìu khỏi tòa vụ chạy thận Hòa Bình
- 28-11-2018Sự cố chạy thận làm 9 người chết ở Hòa Bình: Có dấu hiệu sửa tài liệu, giấy tờ
- 30-05-2017Khởi tố vụ 7 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong
- 29-05-2017Hoà Bình: 6 người tử vong nghi do sốc phản vệ khi chạy thận nhân tạo
"Không có văn bản bàn giao nhưng phải hiểu đó là trách nhiệm mặc định"
Mở đầu phiên xử, các luật sư hỏi các bị cáo để làm rõ trách nhiệm về chất lượng nước RO. Theo cáo trạng đã công bố, nước RO có hóa chất tồn dư (hóa chất đó được bị cáo Bùi Mạnh Quốc dùng để rửa màng lọc RO) là nguyên nhân trực tiếp khiến 9 người tử vong khi chạy thận.
Khi được hỏi trước tòa, bị cáo Trương Quý Dương cho biết, Đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc khoa Hồi sức tích cực (HSTC) không có chức danh kỹ thuật viên, nhưng có đơn vị phụ trách vai trò của kỹ thuật viên - cụ thể vai trò đó là Phòng vật tư.
Ông Dương lý giải, dù không có văn bản giao nhiệm vụ làm kỹ thuật viên cho phòng vật tư, tuy nhiên cần phải hiểu rõ đó là nhiệm vụ mặc định.
"Mỗi một bộ phận trong bệnh viện có rất nhiều trách nhiệm có trách nhiệm trực tiếp và có trách nhiệm gián tiếp. Đảm bảo chất nước cho lọc máu thuộc trưởng khoa, trưởng khoa giao cho ai người đó sẽ chịu trách nhiệm", ông Dương khẳng định.
Bị cáo Hoàng Đình Khiếu (cựu PGĐ Bệnh viện, kiêm Trưởng khoa HSTC) cũng cho rằng, trong quy chế BV trưởng khoa lọc máu sẽ chịu trách nhiệm về nước, nhưng BV không có trưởng khoa nên chất lượng của nước sẽ thuộc về Phòng vật tư.
"Chúng tôi chỉ làm đúng theo chuyển giao của Bệnh viện Bạch Mai. Bàn giao sau sửa chữa sẽ giao cho điều dưỡng Hằng từ phòng vật tư", ông Khiếu nói.
Ông Khiếu không biết thời gian sửa chữa là bao lâu và cũng như các nội dung có trong hợp đồng. Nếu như trong hợp đồng có xét nghiệm thì phòng vật tư phải phối hợp với khoa để để chuyển bệnh nhân đi nơi khác. Bình thường, các lần sửa chữa trước đây không đợi kết quả xét nghiệm nước mà sẽ chạy thận ngay.
Đáp lại, bị cáo Trần Văn Sơn (nhân viên Phòng vật tư) lại khẳng định bị cáo không được đào tạo về chất lượng nước. Sơn khai rằng công việc được giao là nhiệm vụ sửa chữa tại đơn đơn nguyên lọc máu. Việc giao nhiệm vụ tại đơn nguyên lọc máu là hoàn toàn phù hợp với chức trách nhiệm vụ của bị cáo.
Ngày 28/5, Bùi Mạnh Quốc đến sửa hệ thống RO, Sơn đến nhưng rời đi và không báo với bị cáo Trần Văn Thắng.
Đến lượt mình, trả lời câu hỏi của LS Hoàng Ngọc Biên về vấn đề bàn giao trang thiết bị RO, bị cáo Bùi Mạnh Quốc khai: trước khi sửa bị cáo đã bàn giao cho Sơn, nhưng sau khi sửa thì Quốc chưa bàn giao vì lý do "chưa sửa xong". Ngày hôm sau, sự cố xảy ra Sơn có đưa cho Quốc tờ A4 tường trình công việc.
Tuy nhiên, bị cáo Sơn lại khẳng định sau sửa chữa, bị cáo Quốc đã gọi điện cho Sơn thông báo sửa chữa đã xong.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc trả lời câu hỏi của luật sư trong phiên tòa sáng 17/1.
Sục rửa hệ thống RO bằng hóa chất HCL, HF là "tuyệt chiêu"
Luật Sư Trần Hồng Phúc cho biết, ngày 16/1 bị cáo Quốc có thay đổi một số lời khai. Trước đó, Quốc khai rất hiều lần Quốc đến khoa lấy mẫu xét nghiệm tại Đơn nguyên Thận nhân tạo vẫn thấy đơn nguyên này cho sử dụng hệ thống bình thường, mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm nước.
Về vấn đề này, Quốc giải thích: "Tất cả những mẫu Endotoxin phải có kết quả xét nghiệm xong mới được chạy. Lúc lấy lời khai tại cơ quan điều tra, do phải trả lời nhiều câu hỏi nên đầu óc bị cáo không được ổn định, không hiểu rõ CQĐT hỏi rõ xét nghiệm sinh hóa hay Endotoxin.
Trước đó có hai lần RO MIN không đủ tiêu chuẩn thì đã không được chạy. Nếu ngày 28/5/2017 bị cáo lấy mẫu nước thì sẽ không cho RO2 làm việc".
LS Phúc cho biết, trong quá trình điều tra, bị cáo Quốc từng khai nguyên nhân khiến cho các bệnh nhân tử vong là do bị cáo sử dụng hỗn hợp 3 axit, HF, HCL và Citric và các hóa chất này tồn dư trong nước RO, dẫn đến 9 người tử vong.
Quốc đáp, nguyên nhân bị cáo gây ra đến đâu thì bị cáo kính mong HĐXX xem xét, do bản thân đánh giá theo đồng hồ trên máy vẫn báo an toàn.
Quốc cũng cho biết, nếu trong y tế, bị cáo chưa bao giờ sử dụng HF và HCL. Hệ thống RO sử dụng cho lọc máu là trang thiết bị y tế. Màng RO là màng công nghiệp, bị cáo đã dùng rất nhiều lần HCL, HF để vệ sinh.
Bị cáo Quốc cho biết, bị cáo từng sử dụng HF và HCL để sục rửa nhiều lần nhưng chưa có nơi nào cấm sử dụng. Nếu như có văn bản cụ thể bị cáo không được dùng HCL, HF trong vệ sinh thiết bị y tế thì bị cáo sẽ không dùng.
Theo Quốc, sau khi sự cố xảy ra, Bộ Y tế mới đưa ra quy trình sử dụng hệ thống RO cho lọc thận, từ trước đến nay đi làm cũng không có văn bản nào cấm bị cáo dùng chất gì, chỉ yêu cầu có chất lượng nước tốt nhất.
Năm 2013, bị cáo Quốc có sử dụng HCL và xitric để xử lý RO nhưng không hiệu quả, dựa vào kết quả đánh giá của 2 đồng hồ. Công ty cũ Minh Hoàng của bị cáo có chuyển hóa chất chuyên tẩy rửa màng có HCL và HF, bị cáo không thể tự nghĩ ra việc sử dụng hóa chất để tẩy rửa màng như vậy.
Việc dùng HCL và HF có thể coi là "tuyệt chiêu, bí mật" của anh em trong nghề, Quốc khai, và không nói với Công ty Thiên Sơn bởi lý do công cũng ty không hỏi nên bị cáo cũng không nói.
Quốc cho biết, 12 năm kinh nghiệm làm việc Quốc nhớ trên thế giới có dùng HCL và HF nhưng nồng độ nhẹ hơn, có thêm hóa chất kháng và giá rất đắt nên đã nhập hóa chất rẻ hơn, sau đó thấy sử dụng hiệu quả nên vẫn tiếp tục sử dụng theo kinh nghiệm làm việc ở công ty cũ.
Trí Thức trẻ