MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiết lộ sai phạm của chủ đầu tư dự án điện mặt trời lớn nhất Ninh Thuận

Tiết lộ sai phạm của chủ đầu tư dự án điện mặt trời lớn nhất Ninh Thuận

Sau khi UBND tỉnh Ninh Thuận cùng chủ đầu tư dự án điện mặt trời 450 MW lớn nhất Ninh Thuận gửi đơn tới Thủ tướng về việc dừng huy động phần công suất 172,12 MW khi chưa có cơ chế giá, Bộ Công Thương vừa tiết lộ lý do gây sốc khi không ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam xuất phát từ việc chủ đầu tư thi công dự án không đúng thiết kế được thẩm định.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Thuận và đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Thuận, Bộ Công Thương cho biết, việc dừng huy động 172,12 MW của nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam của Trung Nam Group tại Ninh Thuận xuất phát từ dự án này có sai phạm.

Theo Bộ Công Thương, hiện cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ này chưa ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam, do chủ đầu tư thi công dự án không đúng thiết kế được thẩm định.

Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận cũng đã xử lý s ai phạm về thi công công trình chưa đúng quy định và yêu cầu tháo dỡ phần vi phạm. Được biết, chủ đầu tư đang thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh thiết kế xây dựng và hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình theo quy định.

Tiết lộ sai phạm của chủ đầu tư dự án điện mặt trời lớn nhất Ninh Thuận - Ảnh 1.

Dự án điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam hiện còn 172,12 MW chưa được huy động do không kịp thời gian nghiệm thu để được hưởng giá điện ưu đãi.

Công trình Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (gồm nhà máy điện có công suất 450MW, trạm biến áp 500kV, các đường dây 220kV và 500kV đấu nối) chưa đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng theo khoản 3, Điều 23 Nghị định số 06 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

“Căn cứ các nội dung nêu trên, Bộ Công Thương đề nghị Tỉnh ủy Ninh Thuận và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ban ngành chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời Trung Nam khẩn trương tháo dỡ phần công trình vi phạm , có phương án điều chỉnh thiết kế xây dựng, hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình và các thủ tục pháp lý theo quy định”, Bộ Công Thương cho hay.

Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND tỉnh và các sở ban ngành rà soát việc tuân thủ quy định pháp luật của chủ đầu tư dự án điện mặt trời Trung Nam và báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tổ chức nghiệm thu và phối hợp với EVN để đưa phần công suất chưa có cơ chế giá của dự án vào vận hành theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND Ninh Thuận kiến nghị cần ưu tiên khai thác tối đa công suất nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW và sớm có giá bán cho lượng công suất điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa có giá bán.

UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, dự án 450 MW đang bị cắt giảm công suất với tỷ lệ như các dự án điện mặt trời khác là một thiệt thòi và không công bằng cho nhà đầu tư.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện mặt trời chưa xác định giá mua điện, ưu tiên khai thác toàn bộ công suất nhà máy điện mặt trời 450 MW.

Về những kiến nghị của Trung Nam Group, ngày 16/3/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng lên tiếng về việc dừng huy động phần công suất 172,12 MW khi chưa có cơ chế giá của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam.

Theo EVN, liên quan đến việc dừng huy động phần công suất 172,12 MW của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, vừa qua Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo EVN huy động phát điện của nhà máy điện mặt trời này trên cơ sở hợp đồng mua bán điện PPA đã ký và theo các quy định của pháp luật.

Văn bản số 12158 ngày 19/12/2016 của Bộ Công Thương nêu rõ, từ ngày 1/1/2017, nếu các nhà máy điện không có hợp đồng mua bán điện hoặc có hợp đồng mua bán điện nhưng giá điện đã hết hiệu lực, Bộ Công thương yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị liên quan không huy động các nhà máy điện này phát điện lên lưới điện quốc gia, trừ trường hợp cần thiết huy động để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Tại điều 4, Thông tư số 13 ngày 3/8/2017 của Bộ Công Thương cũng quy định: EVN không thực hiện việc tạm thanh toán hoặc thanh toán tiền điện cho nhà máy điện khi vận hành, phát điện lên lưới mà không ký kết chính thức hợp đồng mua bán điện. Trong trường hợp phải huy động các nhà máy này do yêu cầu đảm bảo an ninh cung cấp điện, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, phối hợp với đơn vị phát điện thực hiện việc huy động, vận hành và thanh toán tiền điện cho nhà máy điện.

Liên quan tới vấn đề này, EVN khẳng định việc dừng huy động phần công suất 172,12 MW chưa có cơ chế giá của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam là tuân thủ đúng với các văn bản pháp lý theo quy định của pháp luật. Sau khi Trung Nam Group hoàn thiện các hồ sơ pháp lý theo đúng Thông tư 15 và Quyết định 21 của Bộ Công Thương, Công ty Mua bán điện và Trung Nam Group sẽ đàm phán giá điện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

PV

Tiền Phong

Trở lên trên