Tiêu điểm chứng khoán: Tìm lời giải thích cho tuần giảm mạnh 2,5%, dư địa điều chỉnh có còn nhiều?
Thị trường Việt Nam đã có một tuần giảm 2,5% bất chấp việc các Ngân hàng được cấp room tín dụng. Các chuyên gia đã đưa ra những lý giải về chuyển động thị trường và một số ý tưởng đầu tư khi xuất hiện điều chỉnh mạnh.
- 12-09-2022Cổ đông lớn nhất của REE tiếp tục đăng ký mua hơn 6 triệu cổ phiếu
- 12-09-2022Hai quỹ ETF với quy mô hơn 13.000 tỷ đồng sẽ giao dịch ra sao trong kỳ review quý 3?
- 12-09-2022Kịch bản nào dễ xảy ra cho thị trường chứng khoán tháng 9?
Thị trường Việt Nam đã có một tuần giảm 2,5% bất chấp việc các Ngân hàng được cấp room tín dụng. Các chuyên gia đã đưa ra những lý giải về chuyển động thị trường và một số ý tưởng đầu tư khi xuất hiện điều chỉnh mạnh.
Dư địa giảm có thể đã được dùng gần hết
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán VPS
Thông tin về cấp room tín dụng cho từng ngân hàng thực tế đã rò rỉ từ trước khi NHNN chính thức công bố nên thực tế tuần qua đã không tạo ra được hiệu ứng tích cực. Số liệu cấp room tín dụng cho các Ngân hàng cũng không hẳn là quá tích cực. Cụ thể, mức tăng tại các ngân hàng gồm: Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; SHB 3,2%; OCB 3,2%; VIB 3%; Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2%...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Ngân hàng là nhóm vốn hóa lớn điển hình còn đảm nhiệm các nhiệm vụ điều tiết chỉ số theo diễn biến quốc tế. Trong khi đó, thị trường chung dù có nhiều tuần hồi phục nhưng chủ yếu đi lên bằng những nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ cao.
Khi đã đến ngưỡng tâm lý ở vùng 1.280-1.290, khả năng điều chỉnh dễ xảy ra hơn đặc biệt là khi thị trường chứng khoán thế giới cũng gặp phải những bất ổn. Những lo lắng lại quay trở lại liên quan đến lạm phát, tăng lãi suất của NHTW từ đó kéo theo sự điều chỉnh của nhiều chỉ số chứng khoán.
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng vùng 1.230-1.235 điểm đang là hỗ trợ tốt của chỉ số, dư địa giảm sâu nhất của đợt giảm này đã được dùng hết. Thị trường có thể sẽ hồi phục về vùng 1.260-1.280 điểm. Tất nhiên, không nên quá tham vọng có thể một nhịp hồi phục mạnh tương tự như tháng 8 vừa qua. Thị trường từ nay đến cuối năm sẽ quay về vùng tích lũy và trở lại đỉnh cũ trong năm 2023.
Câu chuyện chỉ số sẽ kém hấp dẫn hơn so với sự vận động nhóm ngành. Những nhóm ngành khả quan theo tôi vẫn sẽ là Tiện ích, Điện nước, Ngành Khí, Công nghệ và Bán lẻ và Khu Công nghiệp.
Thông tin tăng giá bán USD dẫn dắt tâm lý nhà đầu tư
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán KIS Việt Nam
Theo tôi, diễn biến đi ngược của thị trường trong tuần được cấp room tín dụng phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư đã đi trước thị trường. Cùng với đó, cũng cần phải lưu ý tới việc Ngân Hàng Nhà Nước (SBV) phá giá 1,28%, hay tăng giá bán ngoại tệ từ 23.400 VND/USD lên 23.700 VND/USD. Đây mới là diễn biến không được dự báo trước, vì thế đã tạo ra sự bất ngờ cho thị trường. Nhà đầu tư đã phản ứng khá tiêu cực với thông tin này. Và đây cũng là thông tin chính dẫn dắt thị trường trong tuần qua. Bên cạnh đó, đây cũng là thông tin có tác động mạnh lên toàn thị trường nói chung và nhóm ngân hàng nói riêng.
Việc thị trường có phiên phục hồi cuối tuần có thể không giúp triển vọng trong ngắn hạn được cải thiện khi chỉ số VN-Index vẫn đóng cửa dưới ngưỡng 1.250 điểm, đặc biệt là khi trong tuần này hợp đồng phái sinh sẽ đáo hạn và các quỹ ETF ngoại cũng sẽ kết thúc việc cơ cấu danh mục trong quý này. Vì thế, thị trường có thể tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới.
Thị trường liên ngân hàng, thị trường ngoại hối, và thị trường chứng khoán cơ bản sẽ có mối liên hệ với nhau và truyền dẫn theo các cơ chế đặc thù. Ví dụ khi lãi suất liên ngân hàng tăng, điều đó có thể xuất phát từ việc hệ thống ngân hàng đang thiếu thanh khoản, điều này có thể làm dòng vốn rút khỏi thị trường chứng khoán để chảy vào hệ thống ngân hàng (nơi có lãi suất đang tăng) để bù đắp phần nào sự thiếu hụt này. Việc bán cổ phiếu để chuyển vào hệ thống ngân hàng có thể tạo áp lực làm giá điều chỉnh.
Bên cạnh đó, việc SBV tăng tỷ giá 1,28% trong tuần qua cũng đã tác động tiêu cực đến nhà đầu tư khi thị trường giảm mạnh ngay sau khi SBV công bố tin này. Do đây là thông tin sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nền kinh tế trong tương lai.
Theo tôi, nhà đầu tư có thể tập trung vào hai nhóm cổ phiếu là ngân hàng và thép. Hiện nhóm ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng đáng kể trong lợi nhuận khi được nới room tín dụng trong đợt vừa qua. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cũng đang tăng giúp NIM của các ngân hàng được cải thiện. Tuy nhiên, giá của nhóm này lại chưa tăng mạnh, nên tôi cho rằng trong thời gian tới, giá sẽ có sự tăng trưởng để phù hợp với tình hình kinh doanh hiện tại.
Với cổ phiếu ngành thép, tôi cho rằng nhóm này sẽ được hưởng lợi khá nhiều từ việc đẩy mạnh đầu tư công trong tương lai. Tuy nhu cầu về thép đang yếu nhưng rủi ro này đã được chiết khấu vào giá khi hầu hết các cổ phiếu trong ngành đều điều chỉnh mạnh từ tháng 04/2022 đến nay. Vì thế, triển vọng tăng giá của nhóm sẽ rất sáng.
Chịu tác động lớn của yếu tố bên ngoài trong 1-2 tuần tới
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC)
Có thể nói thông tin nới room tín dụng đợt này vừa có yếu tố tích cực, vừa có yếu tốt chưa thỏa mãn kỳ vọng. Về mặt tích cực, thông tin nới room tín dụng sau thời gian dài đồn đoán đã chính thức được phân bổ đến các ngân hàng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Tuy nhiên, có thể thấy con số được cấp thêm đợt này vẫn thấp hơn so với kỳ vọng mà các ngân hàng đặt ra đầu năm để xây dựng kế hoạch kinh doanh. Điều này khiến nhiều ngân hàng khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Việc đến nay Ngân hàng nhà nước mới chốt nới room tín dụng và ở mức dè dặt cũng cho thấy quan điểm thận trọng cần thiết trong điều hành chính sách.
Về mặt thị trường, cá nhân tôi không bất ngờ với việc thị trường điều chỉnh khi thông tin nới room tín dụng được chính thức công bố. Một mặt bối cảnh thị trường nhiều biến động từ bên ngoài, mặt khác sau những sự thất vọng nhất định từ việc thanh khoản thị trường không những không tăng mà còn giảm sau khi áp dụng chu kỳ thanh toán mới, sau khi thông tin về room tín dụng được công bố, gần như thị trường trong nước sẽ thiếu vắng thông tin hỗ trợ cho đến cuối tháng, trước khi khởi động mùa KQKD thú vị quý 3.
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng tuần qua tăng cao nhưng theo theo quan điểm của tôi, không có mối quan hệ truyền dẫn giữa lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiết kiệm, do đó việc lãi suất liên ngân hàng tăng cao trong thời gian qua có thể không có những tác động trực tiếp đến thị trường. Tuy nhiên việc lãi suất liên ngân hàng có những thời điểm lên cao nhất 10 năm cho thấy các biến số vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá có những biến động rất đáng kể và khó lường. Cần theo dõi tiếp tục các biến số bên ngoài tác động thế nào đến thị trường trong thời gian tới.
Trong khoảng 1-2 tuần tới, trước khi mùa KQKD mới khởi động, thị trường Việt Nam sẽ rất vắng thông tin hỗ trợ. Do đó dù quan điểm có như thế nào, thị trường cũng sẽ chịu tác động lớn bởi các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là quãng thời gian nhiều biến động của thị trường quốc tế sắp tới.
Hiện tại, sau Jackson Hole, quan điểm của tôi về yếu tố liên thị trường là tiêu cực với động thái cứng rắn của FED với lạm phát. Đầu tuần này, 13/09, Mỹ sẽ công bố CPI tháng 8. Tuần tiếp theo, FED sẽ họp vào ngày 20-21/09. Dù muốn dù không, nhà đầu tư cũng cần phải lưu tâm nhất định đến các thông tin này.
Hiện tôi vẫn đánh giá kịch bản thị trường đi ngang trong biên hỗ trợ 1.200-1.220 và kháng cực 1.280-1.300. Cũng chưa cần quá bi quan về thị trường nhưng cần xác định dòng tiền yếu, thị trường phân hóa và cơ hội sẽ tập trung ở những câu chuyện cụ thể của từng ngành, cổ phiếu.
Như đã nói ở trên, thị trường Việt Nam sẽ khá trống tin cho đến khi mùa KQKD mới bắt đầu vào cuối tháng. Về mùa KQKD năm nay, tôi đánh giá cao các nhóm cổ phiếu hồi phục sau đại dịch, có kết quả kinh doanh cải thiện đột biến so với mùa giãn cách năm trước. Trong bối cảnh nhiều biến động, nhóm cổ phiếu phòng thủ cũng sẽ là một lựa chọn trong trung hạn.
Nhịp sống kinh doanh