TikTok giới hạn độ tuổi người xem video
Tài khoản trẻ vị thành niên sẽ không thể xem được các video
TikTok vừa ra thông báo “trong những tuần tới” sẽ ra mắt tính năng giới hạn độ tuổi xem video nhằm bảo vệ trẻ em.
- 15-07-2022Nhà đầu tư tiền số, GameFi, Metaverse... dễ bị 'tổn thương' khi thiếu hành lang pháp lý
- 15-07-2022Chuyển đổi số vội vàng tăng nguy cơ vi phạm dữ liệu
- 15-07-2022Chúng ta sẽ đào hết tất cả Bitcoin vào năm 2140, rồi sau đó thì sao?
Tính năng mới sắp được TikTok giới thiệu có tên "Cấp độ nội dung". Nó tương tự với hệ thống xếp hạng được sử dụng bởi ngành công nghiệp phim và trò chơi điện tử để lọc ra các video có chủ đề "dành cho người lớn" từ nguồn cấp dữ liệu của người dùng là trẻ em.
Tính năng mới sẽ áp dụng cho những video không vi phạm các quy tắc của TikTok nhưng có thể không phù hợp với người vị thành niên. Theo đó, người dùng trong độ tuổi từ 13 đến 17 mỗi khi gặp một video có "chủ đề người lớn hoặc chủ đề phức tạp", họ sẽ nhận được thông báo "video bị giới hạn độ tuổi".
"Khi phát hiện ra một video chứa các chủ đề người lớn hoặc phức tạp, bao gồm cả các cảnh hư cấu có thể khiến khán giả nhỏ tuổi sợ hãi. Lập tức, điểm số trưởng thành sẽ được đánh giá cho video để giúp ngăn những người dưới 18 tuổi xem video đó" - TikTok giải thích trong một bài đăng trên blog.
TikTok không chia sẻ cách xác định những điểm số trưởng thành này hoặc tiêu chí mà công ty sẽ sử dụng để phân loại video. Tuy nhiên, công ty lưu ý rằng tính năng này mới là "phiên bản đầu tiên" và họ có kế hoạch bổ sung trong tương lai.
Tính năng "giới hạn độ tuổi xem video nhằm bảo vệ trẻ em" dự kiến sẽ được TikTok ra mắt "trong vài tuần tới". Trong thời gian chờ đợi, họ cũng đang bổ sung một cách mới để lọc ra các chủ đề không mong muốn khỏi trang "Dành cho bạn".
Bản cập nhật sẽ cho phép người dùng tắt tiếng một số từ hoặc thẻ bắt đầu bằng dấu # mà họ không muốn xem video nữa.
"Đây là nỗ lực của mạng xã hội khổng lồ TikTok nhằm tăng cường các tính năng an toàn cho thanh thiếu niên" - chuyên trang công nghệ Engadget đánh giá.
Người lao động