MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm cách quản lý tiền ảo

17-09-2018 - 07:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Tài sản ảo, tiền ảo đang được giao dịch phổ biến, nhiều tổ chức cá nhân lập các máy đào tiền ảo và đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo.

Ngày 16-9, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo Tài sản ảo, tiền ảo: Kinh nghiệm quốc tế và các vấn đề pháp lý đặt ra cho Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, số hóa, tài chính, blockchain… đến từ nhiều nước.

Còn nhiều vấn đề pháp lý phức tạp

Thời gian qua, nhóm chuyên gia của Bộ Tư pháp đã tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước để xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo, tiền ảo. Theo đó, kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy còn nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, chưa có quan niệm thống nhất về tài sản ảo, tiền ảo. Ở Việt Nam, khái niệm về tài sản ảo, tiền ảo chưa được nêu trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật, không do bất cứ ngân hàng nhà nước nào phát hành và được lưu trữ bằng phương thức điện tử.

Tìm cách quản lý tiền ảo - Ảnh 1.

Giao dịch tiền ảo trên asamaexchange.com Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, cũng như phần lớn các nước, khung pháp luật của Việt Nam về quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo (mã hóa) còn rất sơ khai, nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực này cần được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hướng hoàn thiện.

Quá trình nghiên cứu của Bộ Tư pháp cho thấy hiện thế giới có 3 xu hướng tiếp cận với tài sản ảo, tiền ảo: Thả nổi, chưa quản lý nhưng có một số khuyến cáo rủi ro; Không thừa nhận, cấm sử dụng và giao dịch; Cho phép sử dụng, giao dịch nhưng quản lý chặt chẽ trong không gian kinh doanh như các sàn giao dịch. Trong trường hợp cho phép sử dụng, giao dịch, kinh nghiệm từ một số quốc gia cho thấy, nếu tài sản mã hóa về bản chất thỏa mãn các điều kiện như chứng khoán thì thường được quản lý như chứng khoán. Đối với tài sản mã hóa phi chứng khoán, dưới góc độ thuế thì sẽ bị đánh thuế giá trị gia tăng đối với giao dịch tài sản mã hóa.

Thực tế tại Việt Nam, mặc dù khung pháp lý còn sơ khai nhưng tài sản ảo, tiền ảo đang được giao dịch phổ biến, nhiều người tham gia nhưng chủ yếu mang tính chất đầu cơ, xuất hiện nhiều tổ chức cá nhân lập các máy đào tiền ảo, cũng đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo gây mất trật tự, an toàn trong xã hội.

Cần tiếp cận hợp lý

Thảo luận về kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng khung pháp lý để quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo, nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá đây là một loại hình mới, nhiều nước trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý, mà đang quản lý bằng những quy định "mềm". Ông Kenneth Yeo, chuyên gia từ Singapore cho rằng: "Với một loại hình non trẻ như tiền ảo, tài sản ảo, cơ quan quản lý nên tiếp cận và đưa ra các quy định "mềm" trước khi hoàn thiện những khung pháp lý chính thức, nghiêm ngặt. Trong đó, có thể là những quy định về chống rửa tiền, trốn thuế hay nhận diện khách hàng. Đây là cách quản lý bước đầu mà chúng tôi đánh giá sẽ có lợi cho tất cả các bên bao gồm cơ quan quản lý, khách hàng hay nhà đầu tư". 

Cũng theo ông Yeo, nếu nhìn một cách công bằng, các quốc gia ở châu Âu sẽ có cách quản lý mở hơn so với các nước châu Á. Thị trường tiền ảo, tài sản ảo và các sàn giao dịch liên quan đều như những "đứa trẻ con", đang rất mới nên cần có những quy định mở hơn để nó phát triển, sau đó hoàn thiện, củng cố và có những quy định chặt chẽ hơn.

Ông Chionh Chye Kit, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Traceto.io, cho biết Ngân hàng thế giới đã có những khuyến cáo với chính phủ các nước về tiền ảo, tài sản ảo. Theo ông Chionh, để xây dựng khung pháp lý cần phải cân bằng giữa việc bảo đảm sáng tạo và bảo vệ người tiêu dùng. Vấn đề cốt lõi được ông Chionh chỉ ra là tiền ảo, tài sản ảo là những sản phẩm đòi hỏi sự sáng tạo về mặt công nghệ số, mã hóa, do đó bên cạnh việc đưa nó vào khuôn khổ để quản lý, cần tạo điều kiện cho sự sáng tạo.

Về vấn đề này, ông Nicholas Dimitrion, Giám đốc pháp lý HybridBlcok, cho rằng các nhà làm luật cần có hướng tiếp cận hợp lý để đánh giá tác động của tiền ảo, tài sản ảo đến đời sống xã hội, nền kinh tế như thế nào. "Chính phủ cần đánh giá mặt tích cực, hạn chế của tiền ảo, từ đó đưa ra các phương án kiểm soát hoạt động phù hợp với sự sáng tạo và hạn chế rủi ro" - ông Nicholas nhấn mạnh.

Đánh giá cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong việc đóng góp hoàn thiện khung pháp lý quản lý tiền ảo, tài sản ảo, bà Alice Chen, Giám đốc chiến lược Hiệp hội Blockchain Singapore, nhấn mạnh việc thu thập ý kiến của các bên sẽ giúp khung pháp lý hoàn thiện hơn, bảo đảm được lợi ích của nhiều phía. Cũng từ những đóng góp của khối tư nhân, chính phủ sẽ xem xét các tác động để điều chỉnh, xây dựng luật. Chia sẻ kinh nghiệm của Singapore về tiền ảo, tài sản ảo, bà Alice cho biết chính phủ nước này cũng chưa có những quy định chính thức. Dù vậy, Singapore vẫn luôn giám sát chặt chẽ hoạt động của tiền ảo, các sàn giao dịch để đánh giá mặt tích cực và hạn chế, lồng ghép vào đó những quy định về chống rửa tiền, các loại tội phạm lừa đảo.

Tháo chạy khỏi sân chơi

Tính đến thời điểm này tại Việt Nam, theo ghi nhận, những người tham gia đào tiền ảo, đầu tư chơi tiền ảo đang "lũ lượt" rời khỏi thị trường tiền ảo và nhiều người phải cay đắng chấp nhận thua lỗ. Vào cuối năm 2017 giá 1 đồng bitcoin lên đến 20.000 USD, giá 1 đồng ethereum lên đến 1.300 USD. Lúc này dân đào tiền ảo, đầu tư tiền ảo rầm rộ mua, đào các đồng tiền này với giấc mơ làm giàu nhanh chóng. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại giá 1 bitcoin chỉ còn 6.000-7.000 USD, 1 ethereum còn 200-300 USD. Dân đầu tư, đào tiền ảo đang lặng lẽ rút khỏi sân chơi này.

Theo chia sẻ của một nhà đầu tư tiền ảo gốc Việt đang sinh sống ở Singapore, giá trị các đồng tiền ảo liên tục giảm, nhiều người phải bán tháo và chấp nhận lỗ. Còn người đào tiền ảo cũng đều… bỏ chạy nốt bởi chi phí đào tiền cao gấp mấy lần so với số tiền thu được sau khi bán các đồng tiền ảo đào được.

Những người đào tiền ảo, đầu tư tiền ảo tại Việt Nam đang lâm vào tình cảnh như trên và đang đồng loạt tháo chạy khỏi thị trường này trong tiếc nuối, cay đắng. Nhiều người đã phải chấp nhận lỗ nặng, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần khi đã đi vay tiền để mua, đào tiền ảo. Nhiều sàn giao dịch tiền ảo lớn như Bitrex, Coinbase, Bitfinex… trước đây có rất đông người Việt tham gia nhưng nay không còn mấy người tham gia.

C.TRUNG

Ngân hàng không thực hiện các giao dịch tiền ảo

Một số ngân hàng (NH) thương mại gần đây cũng gửi thông báo đến khách hàng về việc không thực hiện các giao dịch tiền ảo. Trước đó, NH Nhà nước đã có chỉ thị về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo. Nhiều NH thương mại như NH TMCP Quốc tế (VIB), NH TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), NH Public Bank Việt Nam..., cho biết tất cả giao dịch liên quan đến tiền ảo đều không được chấp nhận qua hệ thống của NH như: nộp rút tiền, chuyển khoản, giao dịch thẻ nhằm mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp mua, bán tiền ảo bitcoin, ethereum... với các đối tượng, sàn kinh doanh tiền ảo như remitano, binomo. Các giao dịch có liên quan đến tiền ảo nếu được phát hiện sẽ bị từ chối thực hiện và xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu này được các NH áp dụng trên toàn hệ thống để rà soát, ngăn chặn đối với các giao dịch tiền ảo tại NH.

Ngoài ra, một số NH còn yêu cầu cán bộ, nhân viên của NH không tham gia hoạt động mua bán, trao đổi, đầu tư và kinh doanh bitcoin, các loại tiền ảo tương tự khác; cũng như không sử dụng bất kỳ dịch vụ nào của NH để phục vụ cho các giao dịch liên quan đến tiền ảo.

T.PHƯƠNG

Ý KIẾN

Bà JACLYN TSAI, đồng sáng lập Hiệp hội Blockchain Đài Loan:

Nên chờ để đánh giá toàn diện hơn

Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang gặp các vấn đề pháp lý về quản lý tài sản ảo, tiền ảo. Đây là vấn đề rất mới nên các chính phủ chưa cần có khung pháp lý quá sớm mà chờ đợi thêm. Tại Đài Loan (Trung Quốc), các doanh nghiệp ở khối tư nhân đã yêu cầu cơ quan chức năng đợi thêm để đánh giá tác động một cách toàn diện và đầy đủ hơn. Hiện nay, những thay đổi nhanh chóng về công nghệ khiến hệ thống pháp lý của nhiều nước trên thế giới không phù hợp, không theo kịp. Trong không gian thực, chúng ta rất dễ để xác định các tổ chức, thể chế nhưng với không gian ảo, tiền ảo, tiền mã hóa sẽ khó hơn rất nhiều, đây là một thách thức rất lớn cho chính phủ.

Ông PHAN CHÍ HIẾU, Thứ trưởng Bộ Tư pháp:

Sẽ cân nhắc quy định "mềm"

Các nước trên thế giới có hướng tiếp cận khác nhau đối với tiền ảo, tài sản ảo, có cách nhìn "mở" nhưng cũng rất thận trọng. Việc quản lý cần thực hiện cẩn trọng để không cản trở sáng tạo công nghệ, tạo hành lang pháp lý để phát triển, hạn chế các rủi ro cũng như hành vi vi phạm pháp luật. Một số chuyên gia đề xuất có quy định "mềm", cơ quan quản lý sẽ cân nhắc vấn đề này. Sau hội thảo, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ông NGUYỄN HƯNG NGUYÊN, Phó Tổng Giám đốc kỹ thuật NAPAS:

Cần khung pháp lý thử nghiệm

Việt Nam chưa có các quy định rõ ràng liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo nên sẽ có những khó khăn nhất định trong các hoạt động của sàn giao dịch. Theo tôi nên chăng có một khung pháp lý thử nghiệm để các công ty công nghệ có thể tiếp cận được lĩnh vực này.

Chuyên gia NIZAM ISMAIL, Luật sư thành viên, Hãng luật RHTLAW (Hồng Kông):

Rủi ro nhưng cũng tiềm năng

Phát triển sáng tạo của tiền ảo, tài sản ảo là khá quan trọng, Chính phủ cần có đánh giá về động lực thúc đẩy thị trường tiền ảo hiện nay là gì, lợi ích mang lại từ giá trị tiền ảo thế nào? "Tiền ảo, tài sản ảo có rủi ro nhưng cũng có những tiềm năng nhất định. Theo tôi, trước tiên cần phải có khái niệm nhất quán về tiền ảo, tài sản trên quy mô toàn cầu. Chính phủ phải tiếp cận vấn đề này một cách thận trọng" - ông Nizam nói.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên