Tim Cook - Steve Jobs, hai kẻ lão làng với bộ óc siêu hạng và cú bắt tay đưa Apple trở thành thương hiệu “vạn người mê” trên toàn cầu
Kể từ khi lên nắm vị trí CEO của Apple cho đến nay Tim Cook đã “tại vị” được gần 11 năm, mặc cho những thành công mà ông đã mang về cho Táo Khuyết thì vẫn không ít người dùng tỏ thái độ không hài lòng với cách vận hành công ty của ông.
- 10-07-2022Chân dung vị giáo sư đại học vừa bán được nhiều xe điện hơn Elon Musk
- 10-07-2022Thành phố có đến nửa triệu dân nhưng không thể tiếp cận bằng đường bộ, lý do vì sao?
- 10-07-2022Lật kèo không mua Twitter: Elon Musk có thể mất cả tỷ USD theo thông lệ của nhiều thương vụ M&A
Tim Cook rất thành công trong việc kinh doanh, đem lại lợi nhuận và sự phát triển vượt bậc của Apple, nhưng nếu đứng ở cương vị người dùng luôn có khát khao trải nghiệm các công nghệ mới mẻ, hiện đại thì cách làm của Tim Cook đang khiến các sản phẩm của công ty không còn yếu tố bất ngờ như dưới thời của cố CEO Steve Jobs.
Không còn “One More Things” để giới thiệu những công nghệ đột phá đầy tính bất ngờ, không còn những đột phá bất ngờ trên các dòng sản phẩm phần cứng mới. iPhone, iPad, Macbook,... và nhiều sản phẩm khác giữ thiết kế từ 3 đến 4 năm mới thay đổi. Mọi thứ trong tay Tim Cook đều rất khác so với thời của Steve.
Nhưng… mọi sự so sánh giữa cách điều hành công ty giữa Tim Cook và Steve Jobs đều là không cần thiết khi mà Tim Cook có thể đạt được vị trí như hôm nay cũng xuất phát từ cái gật đầu đồng thuận của nhà sáng lập Apple. Và cũng chính Steve Jobs là người thuyết phục Tim Cook về làm việc cho Apple đến ngày nay.
Có lẽ bạn chưa biết, Apple thành công của ngày hôm nay đã từng đứng cận kề bờ vực phá sản, Apple đã phải sa thải ⅓ nhân sự và chỉ còn cách ngày phá sản 90 ngày.
Được thành lập năm 1976, mang theo sứ mệnh thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của người dùng về máy tính cá nhân, khiến những “cỗ máy” xử lý hàng tá công việc trở nên gọn gàng và thẩm mỹ hơn. Vào năm 1980, Apple gặt hái được thành công công để trở thành công ty có tiếng nhất thời điểm bấy giờ.
Công nghệ là sân chơi cạnh tranh khốc liệt, với rất nhiều đối thủ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” có thể kể đến như IBM. Đứng trên đỉnh vinh quang chỉ được khoảng 5 năm, các đối thủ của Apple ngày càng trở nên khó lường, IBM vẫn là công ty có doanh số bán máy tính tốt hơn, điều này khiến nội bộ Apple lục đục. Và người bị buộc phải ra đi chính là Steve Jobs, người đồng sáng lập ra Apple đã phải cay đắng từ bỏ công ty của mình sau khi bị hội đồng quản trị sa thải.
Steve Jobs nhanh chóng thể hiện sự bất mãn và đã bán hết toàn bộ cổ phần ở Apple để thành lập công ty riêng. “Người cha đẻ quay lưng lại với đứa con của mình”, đó cũng chính là thời điểm đen tối nhất của Apple, trượt dài đến cận kề vực thẳm.
Từ bỏ một công việc ổn định thu nhập cao trong một công ty danh tiếng để về khôi phục lại một công ty đang chuẩn bị phá sản có lẽ là điều ngớ ngẩn nhất mà ai trong số chúng ta đều chưa từng một lần nghĩ. Nhưng Steve Jobs đã thuyết phục Tim Cook làm điều ngớ ngẩn đó.
Năm 1997, Apple buộc phải mua lại công ty của Steve Jobs để ông đường đường chính chính quay trở lại vị trí cũ và tiếp tục chăm nom đứa con tinh thần của mình. Steve nhanh chóng nhận ra vấn đề của Apple và tức tốc tuyển dụng các vị trí quan trọng để khôi phục lại công ty. Một trong những người tài mà Steve nhắm tới không ai khác chính là Tim Cook.
Tuyển dụng người tài thì sử dụng cách truyền thống sẽ chẳng có tác dụng, Tim Cook đã nhiều lần từ chối nhã ý mà bộ phận nhân sự của Apple gửi đến. Đối với Tim Cook mà nói, ông đang làm vị trí cao trong Compaq, một công ty máy tính nổi tiếng nhất thế giới thời điểm đó. Từ bỏ Compaq để đến với Apple là từ bỏ tiền tài, danh vọng để đến với một mớ hỗn độn và rắc rối.
Ngay cả những người bạn của Tim cũng đều khuyên ông tiếp tục với Compaq. “Nếu bạn cân nhắc cả chi phí và lợi ích, bạn nên chọn Compaq. Những người hiểu tôi nhất cũng đề nghị tôi ở lại Compaq". Cook chia sẻ lại kỷ niệm trong một bài diễn văn tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Auburn, "Một CEO tôi hỏi ý kiến còn nói tôi thật ngớ ngẩn nếu bỏ Compaq để sang Apple".
Chỉ có người tài mới có thể chiêu mộ được người tài, Steve nhanh chóng nhận ra vấn đề và đã có một quyết định đầy mạo hiểm. Steve hẹn gặp trực tiếp Tim Cook và chia sẻ cho Tim về dòng sản phẩm mà Apple dự kiến ra mắt trong năm sau, iMac G3. Sẽ ra sao nếu Tim Cook không đồng ý? Sẽ ra sao nếu ý tưởng của Steve Jobs đến tai các đối thủ cạnh tranh? Dường như Steve không còn quá nhiều sự lựa chọn khi đứng trước sự tồn vong của công ty, ông đã đặt cược hết vào cuộc gặp gỡ với Tim Cook.
May mắn thay, quyết định mạo hiểm của Steve Jobs đã có tác dụng, Tim Cook thể hiện sự hứng thú với những gì mà Steve nói về iMac G3, dù trong lòng ông vẫn còn chút hoài nghi nhưng ý tưởng tạo bạo mà Steve và Apple sẽ làm xua tan tất cả. Tim Cook quyết định gia nhập Apple, cùng Steve Jobs “thay đổi thế giới”. "Tôi luôn nghĩ rằng đi theo đám đông không phải là một điều tốt. Nó thậm chí còn tệ ấy chứ", Tim Cook chia sẻ, "Khi nhìn vào các vấn đề mà Apple gặp phải, tôi nghĩ mình có thể đóng góp vào đó. Bản năng của tôi nói rằng hãy làm đi. Và tôi đã nghe theo nó".
Tháng 3 năm 1998, Tim Cook gia nhập Apple với vai trò phó giám đốc cấp cao chịu trách nhiệm vận hành toàn cầu, cũng trong năm 1998 iMac G3 ra đời, chiếc máy tính “All in One” đã cứu sống một “xác sống” công nghệ đang trên bờ vực diệt vong. iMac G3 mở ra bước ngoặt quan trọng cho toàn bộ ngành công nghiệp máy tính thời đó. Có được thành công như vậy cũng nhờ một phần công sức của Tim Cook.
Biệt danh của Steve là “phù thủy” công nghệ, ông hiểu được người dùng đang muốn gì và biết cách xây dựng nên sản phẩm người dùng cần. Nhưng Tim Cook thì khác, sản phẩm không phải là lợi thế của ông, cầm trong tay tấm bằng MBA và nhiều năm giữ vị trí giám đốc điều hành đại lý bán lẻ của IBM đã cho Tim nhiều kiến thức về khả năng vận hành kinh doanh của doanh nghiệp. Steve cũng từng nhận xét: “Tim Cook không phải con người của sản phẩm”. Chính vì lẽ đó, ngay khi Tim được tuyển về Apple, Steve Jobs đã giao cho ông nhiệm vụ tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng đầy rối ren của công ty.
Steve có niềm đam mê mãnh liệt về sản phẩm, ông không ngừng suy nghĩ về người tiêu dùng và làm sao để luôn tạo ra được những sản phẩm đột phá và có ý nghĩa. Niềm đam mê sản phẩm của Steve lớn đến nỗi ông xem việc nói về sản phẩm như một thói quen và là sở thích của ông. Tác giả của cuốn tiểu sử Steve Jobs từng chia sẻ: “Mỗi ngày, khi Jobs tới trụ sở, vào tầm trưa, ông ấy sẽ bước qua cánh cửa có khoá lớn để tới phòng thiết kế. Mọi người sẽ được yêu cầu ra ngoài. Và ông ấy ngồi nói chuyện với Jony, không chỉ về điện thoại mà cả về phích cắm hay cách dây điện được cuộn lại. Jobs luôn là con người của sản phẩm"
Nam châm khác cực sẽ hút nhau, những mảnh ghép giống nhau thì không thể kết nối để tạo nên một bức tranh hoàn hảo. Steve Jobs và Tim Cook, hai con người với những thế mạnh riêng biệt, họ không “xung đột”, ngược lại Tim Cook và Steve Jobs đã là “cặp bài trùng” hỗ trợ nhau rất nhiều trong việc phát triển Apple sau giai đoạn 1998 đầy khó khăn.
Tưởng chừng quả ngọt sẽ đến với Steve Jobs sau những nỗ lực hết mình hồi sinh Apple nhưng cuộc sống luôn mang đến những điều bất ngờ, hạnh phúc có và bi kịch cũng có. Steve Jobs rơi vào bi kịch thì năm 2003 ông vô tình phát hiện mình có ung thư tuyến tụy trong một lần đi khám sỏi thận.
Căn bệnh của Steve Jobs là ung thư hiếm gặp, hàng năm chỉ 1% dân số toàn cầu mắc phải căn bệnh này, và cách duy nhất để có thể chữa trị là can thiệp sớm bằng hình thức mổ cắt bỏ khối u. Nhưng thời điểm đó Steve Jobs đã từ chối việc can thiệp vào bên trong cơ thể ông, hy vọng chưa khỏi căn bệnh ung thư trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Vấn đề sức khỏe của Steve không chỉ dừng ở căn bệnh ung thư tuyến tụy, mà cơ thể Steve suy nhược nặng dẫn đến các cơ quan nội tạng làm việc không hiệu quả. Tim Cook từng chia sẻ trong cuốn sách “Becoming Steve Jobs” của hai tác giả Brent Schelender và Rick Tetzeli rằng Tim từng chủ động đi xét nghiệm máu và muốn hiến tặng gan của mình cho Steve nhằm kéo dài sự sống của nhà sáng lập Apple. Mặc cho những nguy hiểm có thể xảy đến với bản thân, Tim Cook vẫn thuyết phục Steve nhận lời đề nghị hiến tặng của mình. "Steve, tôi hoàn toàn khỏe mạnh và đã được kiểm tra toàn diện. Đây là hồ sơ y tế của tôi. Tôi có thể làm được điều này mà không sợ gặp nguy hiểm. Tôi sẽ ổn thôi mà", Cook nói với Steve.
Đương nhiên, Steve Jobs không thể để Tim Cook thực hiện một điều mà Steve cho là thiếu sáng suốt: “Không, Tôi sẽ không cho anh làm như vậy. Sẽ không bao giờ được làm như vậy". Trong suốt quãng thời gian làm việc với Tim Cook, Steve Jobs chỉ rầy la Tim khoảng 4, 5 lần và đây là một trong số những làn như vậy. Nhà sáng lập Apple thậm còn bật dậy khỏi giường và đưa ra lời khẳng định: "Không, tôi sẽ không làm như thế được!"... Như để chắc chắn rằng Tim Cook sẽ không nghĩ đến hành động kia nữa.
Nếu chỉ là những đồng nghiệp và đối xử với Steve như một người cấp trên thì có lẽ thật khó để Tim Cook đưa ra một quyết định bất ngờ đến như vậy. Dường như, cuộc gặp gỡ định mệnh, Steve đã thay đổi Tim Cook. Với Tim, Steve không chỉ là một đồng nghiệp cùng chung chí hướng, mà Steve còn là người thầy và là người bạn luôn mang lại cảm hứng cho Tim Cook mỗi ngày. “Trong một năm chúng ta xa nhau quá nhiều về địa lý, công nghệ đã mang chúng ta lại gần nhau, không giới hạn không gian, thời gian. Đó là minh chứng cho cuộc đời của Steve và những di sản mà anh ấy để lại. Những điều đó tiếp tục truyền cảm hứng cho tôi mỗi ngày", Tim Cook viết trên Twitter kỷ niệm ngày sinh lần thứ 66 của nhà sáng lập Apple quá cố.
Điểm yếu của Steve Jobs là khả năng quản lý cũng như tính cách có phần cố chấp, cũng vì vậy mà ông từng bị sa thải khỏi Apple. Nhưng khi quay trở lại Apple lần thứ hai, Steve Jobs dường như đã trở thành một người khác, ông đã có một bài học đáng giá về quản trị, tác giả Tim Bajarin của tờ Forbes từng nhận định: “Tôi đã tương tác trực tiếp với Jobs từ năm 1982, nhưng Jobs năm 1997 rất khác so với khi tôi biết khi ông ấy còn.”
Tim Cook là một trong những người đầu tiên mà Steve Jobs đích thân gặp mặt để phỏng vấn và tuyển dụng về công ty, cùng Steve khôi phục lại Apple. Đối với Steve mà nói, Tim Cook không đơn giản chỉ là một người đồng nghiệp, một người bạn thân chung chí hướng mà cái gật đầu của Tim Cook đã khiến Tim trở thành một vị cứu tinh cho đứa con tinh thần của Steve, Apple.
Kể từ khi Tim Cook được cất nhắc lên vị trí CEO của Apple, cho đến nay đã gần 11 năm, nhưng trong suốt giai đoạn Tim nắm quyền đã rất nhiều lần bị so sánh với Steve Jobs về cách vận hành công ty, đặc biệt là cách mà Tim Cook tạo ra sản phẩm. Tim Cook khiến cho các sản phẩm phần cứng của Apple không còn quá nhiều bất ngờ, ở thời của Tim Cook chúng ta được thấy một Apple thực dụng hơn, mang đậm chất “kinh nghiệm” nhiều hơn. Nhưng ít ai biết rằng, Tim Cook của ngày hôm nay đã được Steve Jobs rèn dũa và chính Steve Jobs là người đã đảm bảo thành công cho Tim Cook như hôm nay.
Sau khi phát hiện tình hình bệnh của mình không khả quan, Steve đã lên kế hoạch cho một người thay thế ông ở vị trí CEO Apple, một người mà theo Steve là “có cùng tầm nhìn với ông”. Đó không ai khác chính là Tim Cook, Steve từng chia sẻ với Walter Issacson, tác giả của cuốn tiểu sử “Steve Jobs”: “Cook có cùng tầm nhìn với tôi. Chúng tôi có thể tương tác ở cấp độ chiến lược cao, và tôi có thể quên rất nhiều thứ trừ khi anh ấy đến và liên lạc với tôi.”
Steve Jobs đã cho một kế hoạch kỹ lưỡng để đưa Tim Cook lên vị trí CEO, trong giai đoạn 2009 khi Steve Jobs dành thời gian để chữa căn bệnh ung thư tuyến tụy, ông đã đề xuất Tim Cook vào vị trí CEO tạm thời của Apple, Tim sẽ thay Steve tiếp quản các công việc trong lúc ông vắng mặt. Tình hình sức khỏe của Steve Jobs trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 2011 và Tim Cook tiếp tục trở thành CEO tạm thời của Apple.
Trong giai đoạn từ 2009 đến 2011, đã nhiều lần Tim Cook được ngồi lên ghế CEO Apple với vai trò “tạm thời”, quãng thời gian có lẽ là đủ nhiều để Tim Cook hiểu được những gì ông sẽ phải làm. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, tháng 8 năm 2011 Steve Jobs chính thức rời ghế CEO của Apple. Và không khó để hội đồng quản trị lựa chọn Tim Cook lên làm người thay thế Steve vì không ai khác ngoài Tim có đủ kinh nghiệm ở vị trí tương tự.
Thất bại của Apple ở những năm 1997 dường như đã để lại cho Steve một bài học, khi ông rời khỏi Apple lần đầu tiên công ty lâm vào tình trạng khủng hoảng. Và có lẽ Steve không muốn điều đó xảy ra sau khi ông qua đời. Steve Jobs đã lựa chọn Tim Cook một người có chung chí hướng với ông, một người có thể vận hành Apple trơn tru và mang tầm ảnh hưởng của Steve Jobs đến khắp mọi nơi trong Apple.
Sau nhiều năm điều hành Apple, mặc cho nhận rất nhiều sự hoài nghi, chỉ trích về cách quản lý nhưng những gì mà Tim Cook mang lại cho Apple đã chứng minh rằng Steve Jobs không sai khi lựa chọn Tim Cook.
Apple dưới thời Tim Cook không có những sản phẩm đột phá, không có những điều bất ngờ ở cuối mỗi sự kiện ra mắt sản phẩm. Nhưng đừng quên rằng, Tim Cook không phải phiên bản khác của Steve Jobs, sản phẩm không phải thế mạnh của ông nhưng bằng tài năng quản trị Tim Cook vẫn phát triển Apple lớn mạnh theo cách của riêng ông. Và hơn ai hết, Tim Cook nâng tầm ảnh hưởng của Apple, đứa con tinh thần mà Steve Jobs dành cả đời tâm huyết, đến với toàn thế giới.
Năm 2021, Apple tuyên bố đạt hơn 1 tỷ người dùng iPhone. Đầu tháng 3/2022, lần đầu tiên Apple đạt mốc vốn hóa thị trường 3,000 tỷ USD tương ứng 182.88 USD/cổ phiếu.
Nếu không có Steve Jobs có lẽ sẽ không có Apple và nếu không có Tim Cook có lẽ thế giới sẽ không được chứng kiến một Apple lớn mạnh như ngày hôm nay. Không chỉ là những đồng nghiệp, Steve và Tim là những người bạn, cùng chung chí hướng, dù ở thời của ai thì Apple vẫn được “nuôi dưỡng” bằng tài năng, niềm đam mê tạo tạo ra một thương hiệu toàn cầu có giá trị với người dùng. Giá trị mà Apple mang lại lớn đến nỗi, trong mỗi chúng ta, ai cùng ít nhất một lần muốn sở hữu sản phẩm đến từ thương hiệu “Táo Khuyết”.
Trí thức trẻ