MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm 'cửa sáng' cho doanh nghiệp xuất khẩu

Muôn trùng khó khăn bủa vây doanh nghiệp (DN) xuất khẩu từ việc thiếu vốn, thiếu đơn hàng đến các rào cản kỹ thuật… Điều họ mong muốn lúc này là sự chung tay hỗ trợ từ các Bộ ngành cùng những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn.

Những “gọng kìm”

Ngày 25/4, tại TPHCM, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Tại đây, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu thực tế, 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% (tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát nặng nhất). Thị trường của ngành thuỷ sản ở châu Âu, Nhật Bản. Thời gian qua, những đơn hàng ký hợp đồng đều bị đẩy lùi lại dẫn đến hàng bị tồn kho, tôm cá của bà con bị đình trệ, dòng tiền chững lại. “Nếu đến quý 3, khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi, chúng tôi lo ngại nguồn nguyên liệu không còn. Nguồn vốn tín dụng hạn hẹp khiến các DN chế biến, xuất khẩu không có nguồn vốn để mua nguyên liệu, không mua nguyên liệu đúng giá cho nông, ngư dân. Chưa kể, các ngành xuất khẩu chủ yếu vay USD, trước đây lãi suất dưới 3% (khoảng 2,1-2,3%) thì giờ đã tăng lên trên 4%. “Gọng kìm” vốn - lãi suất khiến DN không thể thở”- ông Nam nói.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, ngành đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn bởi ngân hàng không coi sản phẩm trồng trên đất là tài sản để được thế chấp, vay vốn. Đơn cử như sầu riêng, nhãn… “Với cây sầu riêng, mỗi năm người dân phải đầu tư khoảng 50 triệu/ha….nhưng không được coi là tài sản để thế chấp nên DN rất khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, hướng đến xuất khẩu” - ông Tùng cho hay.

Tìm 'cửa sáng' cho doanh nghiệp xuất khẩu - Ảnh 1.

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó trăm bề (Ảnh tại Công ty Việt Thắng Jean) ảnh: U.P

“Dù ngành gạo đạt nhiều kết quả ấn tượng song hiệu quả mang lại cho DN, nông dân chưa tương xứng” - ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam khẳng định. Lý do ông Nam đưa ra là các DN chủ yếu ở dạng nhỏ và vừa, có nguồn tài chính hạn chế. Khi tới mùa vụ, DN thường thiếu vốn để thu mua lúa gạo nhưng thời gian qua, ngân hàng siết hạn mức tín dụng nên không thể vay vốn.

Tìm cách cứu DN

Nhằm gỡ khó cho ngành dệt may, ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Thành Công kiến nghị, cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại, trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU - những nơi mà Việt Nam đã ký những Hiệp định thương mại song phương. Đồng thời, cần có gói vay lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động. “Gói vay này áp dụng cho những DN có phương án trả nợ tốt, chấp hành đúng, đã hoàn trả xong khoản vay vừa rồi và lần này có thể nâng lên 6 tháng lương cơ bản thay vì 3 tháng lương như vừa qua vì sự khó khăn lúc này cũng không khác gì so với gián đoạn bởi dịch COVID-19” - ông Tùng đề xuất.

Ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam thông tin, ngành cũng đang chịu ảnh hưởng nặng do lạm phát của các nước nhập khẩu tăng cao, người dân hạn chế tiêu dùng. Trong ngắn hạn sẽ khó phục hồi nhưng cần có chính sách “nuôi” để đón phục hồi. Bên cạnh đó, cần cắt giảm chi phí cho DN như lãi suất ngân hàng, chi phí logistics, hành chính... Về dài hạn, ông Kiệt cho rằng phải xây dựng hệ sinh thái và cộng đồng DN sản xuất kinh doanh và xuất khẩu đảm bảo phát triển bền vững, nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM chia sẻ, với những khó khăn của DN trong quý 1, Ngân hàng Trung ương đã có nhiều chính sách lớn hỗ trợ. Đó là 2 lần giảm lãi suất điều hành đã tác động đến lãi suất tiền gửi, ảnh hưởng đến lãi suất cho vay. Mới đây, ngân hàng nhà nước còn có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Hai cơ chế này có tác dụng tích cực cho DN. Ngoài ra còn có nhiều chính sách hỗ trợ DN xuất khẩu.

“Đây là những vấn đề liên quan đến năng lực cạnh tranh quốc gia và nhiều ngành nghề, lĩnh vực trên thị trường toàn cầu và Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc” - ông Kiệt nhận định.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là yếu tố thị trường xuất khẩu. Các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, nhất là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu... Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu... như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản là những ngành sụt giảm nhiều nhất.

Ngoài ra, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của DN trên thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, tất cả đều đang ngồi trên một con thuyền và chúng ta phải xác định là phải cứu DN, không thể để mất đơn hàng vì mất đơn hàng là mất thị trường, DN không thể tồn tại. Bộ trưởng đề nghị các hiệp hội và DN cần tiếp tục nghiên cứu khai thác thị trường mà Việt Nam là thành viên trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Song song đó, DN phải chú trọng khai thác thị trường truyền thống, thị trường nội địa...

Theo Uyên Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên