MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm đường để doanh nghiệp “chịu” làm nhà ở xã hội

25-10-2021 - 10:58 AM | Bất động sản

Tìm đường để doanh nghiệp “chịu” làm nhà ở xã hội

Tp.HCM hiện có khoảng 1,6 triệu công nhân đang sống trong khu nhà trọ, phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình. Chưa tính tới số lượng nửa triệu sinh viên các tỉnh học tập tại TP. Lượng sinh viên ở ký túc xá ở một số trường đại học chỉ chiếm trên dưới 15%, 85% còn lại ở nhà người thân, phòng trọ, nhà trọ.

Tại Talkshow "Nhà ở cho công nhân, chuyện cho đến bao giờ?" diễn ra mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho biết, Tp.HCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, với số lượng công nhân chỉ riêng các khu này lên đến hơn 280.000 lao động.

Theo số liệu của Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TP và Viện nghiên cứu phát triển TP, chỉ khoảng 20.000 công nhân/hơn 280.000 công nhân (chiếm tỷ lệ khoảng 8%) ở 17 khu chế xuất, khu công nghiệp được ở trong nhà lưu trú công nhân có tính chất bài bản. Còn lại hơn 90% công nhân phải ở thuê bên ngoài, trong đó trên 60% công nhân ở thuê trong các nhà trọ, phòng trọ.

Nếu xét những doanh nghiệp không nằm trong khu công nghiệp, TP có những doanh nghiệp cực lớn như Pouyen ở quận Bình Tân với quy mô tổng công nhân hơn 80.000 người, cao điểm lên tới 110.000 người. Trong khi đó, 80% công nhân của công ty này thuê phòng trọ ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Theo ông Châu, Tp.HCM có khoảng 1,6 triệu công nhân đang sống trong khu nhà trọ, phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình. Chưa tính tới số lượng nửa triệu sinh viên các tỉnh học tập tại TP. Lượng sinh viên ở ký túc xá ở một số trường đại học chỉ chiếm trên dưới 15%, 85% còn lại ở nhà người thân, phòng trọ, nhà trọ.

Tuy vậy, dù nhận thấy nhu cầu thị trường còn lớn nhưng hầu hết các doanh nghiệp BĐS kêu nản do khó đủ đường. Một số doanh nghiệp cho rằng, xin làm dự án nhà ở xã hội còn khó khăn làm dự án thương mại trong khi tỷ suất lợi nhuận thấp, không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tìm đường để doanh nghiệp “chịu” làm nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành, một doanh nghiệp kinh doanh thì điều đầu tiên mong muốn của doanh nghiệp, cổ đông là lợi nhuận. Trong khi đó tỷ suất lợi nhuận ở 1 dự án NOXH là 10-15%, với nhà ở thương mại thì cao hơn nhiều.

Tham gia 1 dự án NOXH doanh nghiệp mất thời gian khoảng 5 năm, thời gian đó mất đi cơ hội kinh doanh dự án nhà ở thương mại khác. Với công ty cổ phần thì gặp áp lực với cổ đông, lợi nhuận như vậy chưa hấp dẫn, đặc biệt doanh nghiệp lớn, hiệu quả không cao nên họ không đầu tư.

Trong khi đó, thủ tục xin làm dự án quá lâu, 3 năm chưa ra. Kinh nghiệm cho thấy xin làm dự án NOXH còn khó khăn hơn làm dự án thương mại.

Hiệp hội đã kiến nghị và được Bộ Xây dựng đồng tình về xây dựng đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp, dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới. Mục tiêu là phát triển được loại căn hộ có quy mô 25m2 tới trên dưới 50m2. Về đơn giá, hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng với đô thị đặc biệt như Hà Nội, Tp.HCM giá không vượt quá 25 triệu đồng/m2.

Nếu đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp được Chính phủ thông qua, hiệp hội có đề nghị Bộ Xây dựng một số cơ chế chính sách về tiền sử dụng đất, thuê đất…. Dự án NOXH hiện nay được giảm thuế VAT, thuế TNDN, Nghị định 100 còn cho phép dự án NOXH chỉ cho thuê được giảm 70% thuế GTGT, thuế TNDN. Theo đó, hiệp hội sẽ kiến nghị dự án nhà ở thương mại giá thấp cũng được hưởng các ưu đãi tương tự, với tỷ lệ có thể thấp hơn NOXH.

Cũng theo ông Châu, hiện nay với Nghị định 49 của Chính phủ ban hành năm 2021 có những điều chỉnh quy định không đúng với Luật Nhà ở. Theo đó, nghị định mới quy định dự án diện tích từ 2ha trở lên thì phải làm dự án NOXH trong dự án (trước đây là 10ha), ông Châu cho rằng là bất khả thi. Thứ hai, dự án dưới 2ha thì không phải thực hiện dự án NOXH, đây là quy định bất cập mà ông Châu cho biết hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị để tháo gỡ.

Trong khi đó, ở TP có dự án hàng chục ha, hàng trăm ha nhưng trong dự án không hề có dự án NOXH nào, điều này không công bằng, áp dụng pháp luật phải công bằng bình đẳng.

Còn theo Giám đốc Công ty Lê Thành, cần có ưu đãi về vốn cho doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân. Trên 90% doanh nghiệp hiện nay là vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Doanh nghiệp khi khởi nghiệp, ngoài vốn cho sản xuất kinh doanh, nếu phải đầu tư nhà cho công nhân thuê là chi phí lớn, vốn nhiều. 

Nếu yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng nhà cho công nhân thì họ không đủ vốn. Nên cần chia ra, với doanh nghiệp sử dụng lao động ít, công nhân có thể thuê nhà, với doanh nghiệp lớn sử dụng vài hoặc vài chục ngàn công nhân thì doanh nghiệp nên có trách nhiệm xây nhà lưu trú cho công nhân.

Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách rõ ràng, tất chi phí xây nhà cho công nhân cần được đưa vào chi phí sản xuất hợp lệ, như vậy sẽ khuyến khích doanh nghiệp xây nhà lưu trú cho công nhân. Cần khuyến khích doanh nghiệp được vay lãi suất ưu đãi để họ xây.

Bảo Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên