MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm giải pháp cải tạo chung cư cũ

25-03-2017 - 09:31 AM | Bất động sản

Hàng trăm chung cư cũ cần được cải tạo trước năm 2020 nhưng trong năm nay, TP HCM chỉ có thể “động thổ” được 3 dự án.

Ngày 24-3, Sở Xây dựng TP HCM đã tổ chức hội nghị thực hiện quyết định ủy quyền, phân quyền cho UBND quận về thực hiện các thủ tục đầu tư cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dưng chung cư mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975.

Nhiều quận than khó

Theo báo cáo, trong 474 chung cư cần giải tỏa thì hiện còn 20 chung cư vẫn chưa có kết quả kiểm định. Cụ thể, quận Tân Bình còn 16 chung cư, quận Thủ Đức và quận 4 mỗi địa phương 2 chung cư. Trước mắt, có 14 chung cư xuống cấp nghiêm trọng có thể sập bất cứ lúc nào nên phải di dời càng sớm càng tốt.


Chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5, TP HCM) đang được lên kế hoạch cải tạo

Chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5, TP HCM) đang được lên kế hoạch cải tạo

Trước sự cấp bách về thời gian và khối lượng công việc khá nhiều, tại cuộc họp, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, đã 3 lần nhắc lại câu hỏi: “Có quận nào cam kết trong năm 2017 sẽ khởi công cải tạo chung cư cũ?”. Tuy nhiên, đại diện các UBND quận đều im lặng.

Ông Tuấn yêu cầu từng địa phương nêu lên khó khăn khi được UBND TP giao toàn bộ quyền quyết định trong vấn đề giải quyết bài toán chung cư cũ. Đại diện UBND quận 5 cho biết hiện tại, địa phương có rất nhiều chung cư được xây dựng từ thời Pháp và đã xuống cấp. Trước mắt, đang gặp khó khăn trong việc giải tỏa chung cư 440 Trần Hưng Đạo vì diện tích nhỏ, chỉ số quy hoạch dân cư đã đầy nên chỉ có thể cải tạo bằng cách đấu giá cho chủ đầu tư chuyển đổi nhà ở thành trung tâm thương mại. “Chung cư này hiện có 32 cư dân, tiền đền bù lên đến hàng chục tỉ đồng. Bài toán đưa ra là làm sao cân đối được tiền bán đấu giá đủ trả chi phí tái định cư?” - vị này nêu.

Ông Trần Trọng Tuấn lưu ý UBND quận 5 không nên máy móc khi giải quyết riêng lẻ chung cư 440 Trần Hưng Đạo. “Phải tiếp cận ở góc độ nương nhờ một dự án khác. Chẳng hạn, khi cấp phép cho một chủ đầu tư xây dựng công trình mới mà họ có nhiều điều kiện thuận lợi thì phải kèm theo việc giải tỏa đền bù chung cư” - Giám đốc Sở Xây dựng nói và gợi ý lãnh đạo UBND quận 5 nên liên hệ chủ đầu tư đang xây dựng chung cư Điện Lực TP, chung cư dọc đại lộ Võ Văn Kiệt để xin bố trí nhà ở tái định cư cho các hộ dân.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề nghị quận 5 nên rà soát lại các khu đất do nhà nước quản lý mà hoạt động yếu kém, cơ sở gây ô nhiễm môi trường để xây dựng nhà tái định cư cho người dân thuộc diện giải tỏa chung cư. “Tuần tới, tôi sẽ làm việc với UBND quận 5 để đưa ra giải pháp từng chung cư cụ thể” - ông Tuấn nói.

Làm việc với đại diện UBND quận 4, ông Tuấn hỏi: “Có gặp khó khăn gì không? Địa phương giải tỏa sớm được chung cư cũ chứ?”. Phía quận 4 cũng kêu khó vì không còn đất bố trí tái định cư. Nghe vậy, ông Tuấn nói: “Trong các địa phương, quận 4 là nơi thuận lợi nhất khi di dời chung cư cũ.

Hiện dọc đường Bến Vân Đồn chuẩn bị triển khai rất nhiều dự án nhà ở thương mại. UBND quận 4 không nên yêu cầu chủ đầu tư đóng góp 5-10 tỉ đồng tiền đề bù hạ tầng xây dựng mà dùng 20% số lượng căn hộ, trích một phần căn hộ của các chủ đầu tư để bố trí nơi ở cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa”.

Trong khi đó, đại diện UBND quận Phú Nhuận bày tỏ lo lắng vì hiện chung cư xây trước năm 1975 đều có diện tích khoảng 100 m2. Muốn kêu gọi đầu tư, quận phải giải tỏa những khu đất lân cận, mở rộng ra 1.000 m2 để có thể quy hoạch thành chung cư hiện đại, phù hợp với đô thị hiện hành. Tuy nhiên, do không nắm được giá đền bù nên rất lúng túng trong triển khai.

Ông Trần Trọng Tuấn cho biết việc định giá đền bù có thể thuê tư vấn khảo sát và lấy kết quả đó áp dụng. “Bây giờ, UBND quận phải chủ động mọi mặt. Công việc này là giúp cho địa phương phát triển và không ai có thể làm thay được” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Nên học quận 10

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Nga, Phó Chủ tịch UBND quận 10, cho biết trước khi UBND TP có quyết định ủy quyền, địa phương đã ra văn bản gửi 25 lô chung cư về việc kế hoạch tổng thể, chi tiết từng chung cư và các bước thực hiện để giải tỏa. “Quận 10 có rất nhiều chung cư cũ nên rề rà sẽ không kịp tiến độ. Nếu giao cho người dân tự lựa chọn chủ đầu tư thì rất khó và chậm.

Vì vậy, chiều 24-3, quận đã tổ chức hội nghị mời gọi hàng loạt chủ đầu tư để công bố thực trạng các chung cư, chỉ tiêu dân số và gợi ý các nguyên tắc khi tham gia. Từ đó, UBND quận làm trung gian tạo điều kiện kết nối chủ đầu tư với người dân thông qua các hội nghị chung cư nhằm kêu gọi xem xét lựa chọn nhà đầu tư” - bà Nga cho biết. Bà kiến nghị Sở Xây dựng tổ chức tập huấn cán bộ chuyên môn cấp quận để có thể làm tốt việc cấp giấy phép xây dựng công trình đặc biệt; lập thiết kế cơ sở, thẩm định, phê duyệt…

Ông Trần Trọng Tuấn đánh giá quận 10 là địa phương có tinh thần trách nhiệm cao trong vấn đề chỉnh trang đô thị, các địa phương khác nên tham khảo. Những địa phương chưa kịp kiểm định 20 chung cư còn lại phải làm gấp, hoàn tất công việc và báo cáo trước ngày 15-4. Sở Xây dựng sẽ tổ chức hàng loạt buổi tập huấn cho các phòng chuyên môn của quận trong vấn đề tham mưu phân công ủy quyền và cả lãnh đạo quận. “Cố gắng phấn đấu trong năm 2017 khởi công 3 dự án nằm trong chương trình cải tạo chung cư cũ và đặt mục tiêu trước ngày 30-4, khởi công được 1 dự án ở quận Tân Bình” - ông Tuấn chỉ đạo.

Ưu tiên quyền lợi người dân

Chiều 24-3, UBND quận 10 đã tổ chức hội nghị thông tin dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu C30 và cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Phó Chủ tịch UBND quận 10, cho biết trên địa bàn có khoảng 40 lô chung cư cũ đã được xây dựng gần 50 năm, hết niên hạn sử dụng. Từ năm 2009, quận 10 đã di dời giải tỏa được 15 lô với hơn 1.650 căn hộ, xây dựng mới 4 lô với 947 căn. Hiện tại, trên địa bàn quận còn 25 lô chung cư cũ đã hoàn tất công tác kiểm định, đánh giá chất lượng. Trên cơ sở này, quận 10 tiếp tục di dời 17 lô chung cư cũ xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, xây dựng chung cư mới phục vụ tái định cư…

Khi thực hiện các công trình này, nhà đầu tư phải bảo đảm các nguyên tắc hoán đổi có lợi cho người dân như tái định cư tại chỗ, tái định cư trên địa bàn, cùng một số ưu tiên khác. P.Dũng

Theo Lê Phong

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên