MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm giải pháp ngăn nợ xấu gia tăng

06-06-2024 - 08:30 AM | Tài chính - ngân hàng

Gia hạn Thông tư 02 là cần thiết nhưng cũng cần giải pháp mạnh mẽ từ các ngân hàng để tránh nợ xấu gia tăng.

Các báo cáo kinh tế cho thấy 5 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) dù phục hồi nhưng vẫn còn khó khăn. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 10-5, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mới đạt 1,95% so với cuối năm ngoái. Con số này vẫn còn xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của cả năm, trong bối cảnh nhiều DN chưa mạnh dạn vay vốn để làm ăn, còn các NH cũng kiểm soát chất lượng tín dụng nhằm ngăn nợ xấu.

Vẫn lo nợ xấu

Tại báo cáo cập nhật ngành NH mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset thống kê tỉ lệ nợ xấu trung bình của các NH thương mại niêm yết tăng đáng kể so với cuối năm ngoái lên mức 2,2%. Tổng nợ xấu của 27 NH niêm yết đến cuối quý I/2024 đã vượt 221.000 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Dương Công Nguyên, chuyên viên phân tích cao cấp, Công ty chứng khoán Mirae Asset, cho hay việc kinh tế quý I/2024 không phục hồi mạnh mẽ như mong đợi, tình trạng trầm lắng của thị trường bất động sản… góp phần làm tăng nợ xấu trong danh mục cho vay mua nhà. "Tỉ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trung bình của các NH niêm yết giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm. Số dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN được một vài NH công bố cũng ghi nhận xu hướng tăng cho thấy khó khăn vẫn tương đối lớn" - ông Nguyên nói.

Trong bối cảnh này, NHNN vừa công bố lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Bản thuyết minh dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 02 nêu rõ việc kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Bởi dù kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức, dự báo sẽ còn kéo dài trong năm nay. "Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế" - đại diện NHNN thông tin.

Tìm giải pháp ngăn nợ xấu gia tăng- Ảnh 1.

Tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết đến cuối quý I/2024 đã vượt 221.000 tỉ đồng. Ảnh: LAM GIANG

Ngân hàng phải chủ động

Theo thống kê của NHNN, tính từ ngày Thông tư 02 có hiệu lực (24-4-2023) đến hết tháng 2-2024, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 202.200 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ được cơ cấu khoảng 204.037 tỉ đồng.

NHNN cho rằng Thông tư 02 với chính sách kéo dài thời gian vay và trả nợ đã tạo điều kiện cho DN tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng. Việc gia hạn thông tư này sẽ góp phần giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng.

Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ DN và nền kinh tế nhằm ngăn ngừa các khoản nợ xấu mới phát sinh. Để xử lý nợ xấu, nhiều NH thương mại cũng liên tục rao bán tài sản thế chấp là bất động sản và nhiều tài sản bảo đảm cho khoản vay khác từ ô tô, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, tàu thủy... Đồng thời nỗ lực xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay, việc kiểm soát để không phát sinh nợ xấu mới cũng là giải pháp quan trọng.

NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) là NH có tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm vào tốp cao nhất toàn ngành. Đồng thời, nợ xấu của NH này được kiểm soát ở mức thấp dưới 1% so với số liệu 1,34% tại thời điểm cuối năm 2023.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo của LPBank cho biết kiểm soát nợ xấu ở mức thấp là mục tiêu hàng đầu của NH. Thời gian qua, NH đã thực hiện đồng thời nhiều chiến lược để kiểm soát và xử lý nợ xấu. Cụ thể, NH áp dụng mô hình xử lý nợ tập trung; rà soát và thường xuyên cập nhật hệ thống văn bản định chế; điều chỉnh chính sách nhân sự, thu hút nhân sự có chuyên môn cao, có đạo đức trong kinh doanh và quán triệt tư tưởng quản trị nợ xuyên suốt trong toàn hệ thống… LPBank đặt mục tiêu đưa nợ xấu thấp hơn nữa bằng các giải pháp quyết liệt.

"Việc gia hạn Thông tư 02 là cần thiết bởi trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn như hiện nay, các DN vẫn cần hỗ trợ để vượt qua khó khăn. NH luôn đồng hành với khách hàng, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn để ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, giúp khách hàng phục hồi và có tài chính để trả nợ NH là giải pháp hợp lý, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ trong việc sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, đồng hành với DN và người dân" - lãnh đạo LPBank nói.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP HCM, dự báo nợ xấu của các NH thương mại có thể đạt đỉnh trong quý II này. Do vậy, việc kéo dài Thông tư 02 từ nay tới cuối năm 2024 là hợp lý. Với tín hiệu trong quý I, kinh tế Việt Nam năm nay sẽ hồi phục mạnh. Kỳ vọng sau khi đạt đỉnh, nợ xấu sẽ giảm nên thời hạn kéo dài Thông tư 02 thêm 6 tháng đủ để DN xoay xở, chi trả khoản nợ. "Các NH cũng có thời gian tái cơ cấu nợ, hỗ trợ những khoản nợ có thể hồi sinh và bảo đảm tỉ lệ nợ xấu không ở mức quá cao. Việc gia hạn thêm 6 tháng cũng là phù hợp, bởi gia hạn quá lâu sẽ không tốt cho nền kinh tế. Nợ xấu tiềm tàng tăng mạnh có thể gây rủi ro cho giai đoạn sau này, DN cũng không ỷ lại vào việc được hỗ trợ. Quan trọng nhất là cùng với việc gia hạn, cần minh bạch các số liệu về nợ xấu để có giải pháp phù hợp" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nói. 

Ngân hàng có thể bán nợ xấu?

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-8 đã luật hóa một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng. Cụ thể, NH có thể bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu... Đồng thời, luật cũng có quy định chuyển tiếp cho một số trường hợp đang áp dụng quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 (tháng 6-2017) của Quốc hội, bảo đảm quá trình xử lý nợ xấu không bị gián đoạn.


Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên