MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm hướng đưa hàu Vân Đồn đến các thị trường khó tính

13-04-2021 - 09:04 AM | Thị trường

Các HTX, hộ nuôi trồng thủy sản cần tự ý thức trong việc quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của đối tác nhập khẩu.

Dù đã có nhiều đầu tư về thiết bị, máy móc cũng như liên kết cùng nhiều doanh nghiệp lớn về xuất nhập khẩu, nhưng việc đẩy mạnh xuất khẩu hàu Thái Bình Dương, hàu sữa của huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) sang thị trường tiềm năng ở khu vực Đông Bắc Á như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản,… vẫn đang là một thách thức. Do đó, trong thời gian tới cần có hướng tháo gỡ khó khăn trong việc xuất khẩu ngao, hàu của huyện Vân Đồn sang các thị trường khó tính.

Những ngày đầu tháng 4 này, cơ sở sơ chế biến hàu Thái Bình Dương cuae chị Hoàng Thị Trà tại thôn 8, xã Hạ Long, huyện đảo Vân Đồn trở nên tất bật hơn với đơn hàng 5 tấn hàu xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc).

Chị Trà cho biết Đài Loan luôn là thị trường khó tính và kiểm dịch chặt chẽ, vì vậy cơ sở của chị phải liên tục đầu tư công nghệ, máy móc để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi sơ chế. Tuy nhiên vấn đề về vốn và nơi lắp đặt thiết bị lại khiến chị băn khoăn khi quyết định đầu tư.

“Cơ sở đã đầu tư máy móc để rửa và xử lý cho hàu sạch sẽ trước khi đưa vào chế biến. Tuy nhiên, cơ sở hiện không biết phải đặt máy móc ở đâu, vì nếu đưa vào sử dụng chất thải nếu không may ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước. Sắp đặt máy móc để phục vụ việc sản xuất, chế biến đang là vướng mắc rất lớn của cơ sở”, chị Trà băn khoăn.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn khi xuất khẩu thủy sản sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản..., HTX hàu sữa Vân Đồn đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua công nghệ, thiết bị máy móc để đảm bảo quy trình khử khuẩn, làm sạch sản phẩm trước khi đóng gói xuất khẩu.

Thế nhưng dù đã đảm bảo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, việc có xuất khẩu được hay không đều phụ thuộc vào các thị trường nhập khẩu. Nếu test nhanh có 1 sản phẩm dính Norovirus thì toàn bộ lô hàng xuất khẩu đều sẽ bị tiêu hủy theo quy định.

Anh Đặng Chung Hội, Phó Giám đốc HTX hàu sữa Vân Đồn cho hay, việc đưa công nghệ khử khuẩn vào dây chuyền chế biến hàu xuất khẩu để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đó là quy trình phải có.

“Không phải khi Đài Loan ngừng nhập khẩu HTX mới đưa quy trình khử khuẩn vào, công nghệ này phải có từ trước đó giúp bảo quản và khử khuẩn ruột của con hàu tươi. Khó khăn nhất hiện tại là phía thị trường Đài Loan  đang ngừng nhập vì cho rằng trong hàu của Việt Nam có vi khuẩn, vì vậy HTX phải chủ động trước trong quy trình diệt khuẩn và làm cho ruột con hàu tươi sạch”, anh Hội cho biết thêm.

Năm 2020, huyện đảo Vân Đồn thu hoạch gần 65.000 tấn thủy sản nuôi trồng, trong đó 3 tháng cuối năm là hơn 35.000 tấn, chủ yếu cung ứng cho nội địa và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Tuy nhiên việc tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là việc xuất khẩu sang nước ngoài là điều quan tâm của các doanh nghiệp, HTX nuôi trồng và cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn huyện.

Ông Đào Văn Vũ. Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn chia sẻ, giải pháp đầu ra của hàu nuôi Vân Đồn hiện nay vẫn là một bài toán khó, bởi vì các thị trường khó tính đòi hỏi rất khắt khe trong việc nhập khẩu.

“Huyện đã phải xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp có tiềm năng, ứng dụng khoa học công nghệ cùng năng lực về xuất khẩu, có khả năng tìm kiếm thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính như Đông Bắc Á, thị trường Nhật Bản,… Khi có các doanh nghiệp tham gia đầu tư, sẽ hỗ trợ cho nhân dân sản xuất ổn định”, ông Vũ nêu rõ.

Để định hướng và đánh giá tiềm năng của các thị trường nước ngoài, đặc biệt là các thị trường Đông Bắc Á, tỉnh Quảng Ninh cũng thường xuyên phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo với các doanh nghiệp chế biến, sản xuất và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều kiến thức, lưu ý về những rào cản kĩ thuật phải vượt qua để đảm bảo yêu cầu khi xuất khẩu thủy sản vào các thị trường này.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin, Vụ thị trường châu Á, châu Phi và Bộ Công Thương đã có sáng kiến tổ chức những hội nghị để cung cấp các thông tin đối với mặt hàng nông, thủy sản và các quy định mới của thị trường Đông Bắc Á, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể nắm bắt tốt hơn nữa các yêu cầu trên thị trường này, từ đó giúp tăng năng lực xuất khẩu và giữ được tốc độ tăng trưởng một cách bền vững.

Khi xuất khẩu hàu Vân Đồn sang các thị trường khó tính vẫn đang là một bài toán khó, các HTX, hộ nuôi trồng thủy sản cũng phải tự ý thức trong việc quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh. Việc làm này không chỉ đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của đối tác nhập khẩu mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị đầu ra cho sản phẩm./.

Theo Thành Nam

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên