Tìm lối ra cho 5.034 căn hộ Thủ Thiêm
Các căn hộ mở bán thuộc khu tái định cư Thủ Thiêm với tổng giá khởi điểm 12.000 tỉ đồng. Đơn vị bán đấu giá dự kiến chia nhỏ chứ không bán sỉ theo từng cụm với số lượng lớn như trước đây để doanh nghiệp dễ bỏ thầu
- 04-04-2019Thông tin mới nhất về ranh giới khu đất 4,3ha ở Thủ Thiêm
- 05-03-2019Trung ương đang hoàn thiện kết luận cuối cùng kết quả thanh tra toàn diện Thủ Thiêm
- 13-02-2019Chương trình 12.500 căn hộ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn nhiều vướng mắc
Sở Xây dựng TP HCM vừa có báo cáo tình hình nhà ở và thị trường bất động sản TP HCM, trong đó cho biết sẽ tiếp tục tổ chức bán đấu giá 5.034 căn hộ và 43 nền đất tái định cư (TĐC). Sắp tới đây, hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất TP sẽ họp bàn, thống nhất phương án bán đấu giá trình UBND TP.
Càng bỏ hoang càng xuống cấp
Số căn hộ trên thuộc chương trình xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ bố trí TĐC khu đô thị mới Thủ Thiêm được xây dựng cách đây 5 năm.
Ghi nhận phóng viên vào trưa 5-4, do bị bỏ hoang, các căn hộ (tiện ích vẫn chưa hoàn thiện) có biểu hiện xuống cấp. Trong khi đó, thang máy lên xuống chung cư không hoạt động, nhà xe hư hỏng nhiều hạng mục. Nếu cư dân vào ở cần phải trùng tu nhiều hạng mục.
Bà Phạm Thị Ánh (45 tuổi), hộ dân thuộc diện giải tỏa phường Bình Khánh (quận 2), cho biết sau khi được mời về tham quan căn hộ tại khu TĐC Thủ Thiêm, gia đình bà quyết định không về đây sinh sống mà nhận bồi thường 800 triệu đồng. Hiện giờ, cả nhà đang thuê một căn trọ nằm cách khu TĐC hơn 2 km với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Lý do bà Ánh không chọn căn hộ TĐC là vì diện tích căn hộ nhỏ, vả lại gia đình bà buôn bán hủ tiếu, nếu về đây sẽ phải thuê nơi khác để mở quán.
Hàng ngàn căn hộ tại chung cư tái định cư Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM) bị bỏ hoang hơn 5 năm
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, lý giải nguyên nhân tồn hàng ngàn căn hộ TĐC là vì "yếu tố lịch sử". Cụ thể, giai đoạn trước năm 2010, khi tiến hành giải tỏa, nhiều người dân mong muốn nhận căn hộ TĐC thay vì nhận tiền. Qua đó, UBND TP HCM đầu tư khu đô thị quy mô lớn dẫn đến ra đời khu TĐC Vĩnh Lộc B và khu TĐC Thủ Thiêm. Đến khi xây dựng xong, nhu cầu người dân thay đổi, mọi người đòi nhận tiền để tự lựa chọn nơi ở. Việc giải tỏa và đưa người dân về một khu tập trung dễ gây xáo trộn đời sống, việc làm và kể từ đó căn hộ TĐC không còn được nhiều người lựa chọn.
Đây cũng là lý do mà trong các đợt bán đấu giá căn hộ TĐC trước đây không mang lại hiệu quả. Vào năm 2018, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức đấu giá gần 4.000 căn hộ khu TĐC Thủ Thiêm nhưng thất bại. Lần đầu, chỉ 5 nhà đầu tư đăng ký, lần thứ hai không có hồ sơ bỏ thầu.
Không nên "bán một cục"
Theo một lãnh đạo Sở TN-MT TP, ở đợt đấu giá lần này, dự kiến tổng giá khởi điểm của 5.034 căn hộ ít nhất là 12.000 tỉ đồng. Ước tính việc đặt cọc hồ sơ đấu thầu hơn 2.400 tỉ đồng.
Về quy trình tham gia đấu giá, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản - Sở Tư pháp TP, thông tin: Sau khi phát thông báo, nhà đầu tư muốn tham gia phải đặt cọc trước 20%, nếu trúng thầu phải bỏ thêm đạt 50% tổng giá trị thầu trong vòng 30 ngày. Sau đó, phải thanh toán hết toàn bộ giá trị trong vòng 3 tháng.
Trả lời câu hỏi vì sao không bán lẻ từng căn hộ để người dân dễ dàng tiếp cận, ông Sỹ cho rằng chủ trương UBND TP phải bán sỉ theo từng cụm với số lượng lớn. Mục đích thu về nguồn tiền lớn để tái bố trí đầu tư công. Tuy nhiên, nhằm tránh thất bại như những lần đấu giá trước, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản - Sở Tư pháp TP đang kiến nghị chia nhỏ ra từng khối để doanh nghiệp dễ dàng bỏ thầu.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), đưa ra 3 nguyên nhân khiến việc đấu giá trước đây gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, tổng giá trị đấu giá quá lớn khiến doanh nghiệp không thể bỏ ra số vốn "khủng". Thứ hai, việc kinh doanh căn hộ với thương hiệu TĐC trong khi giá bán tương đương với căn hộ thương mại khiến khách hàng không mặn mà. Thứ ba, lo lắng về chất lượng căn hộ. Do đó, ông Châu cho rằng cần thay đổi phương thức bán đấu giá, chứ nếu "bán một cục" như các lần trước thì khó tránh thất bại.
Chuyên gia kinh tế Võ Kim cũng góp ý: Cơ quan quản lý nhà nước đừng ngại phải "ôm" nhiều việc khi bán từng căn hộ. Giải pháp dễ dàng nhất là đăng tải các căn hộ lên mạng. Từ đó, người dân có nhu cầu có thể đăng ký mua, sau đó cơ quan quản lý chỉ cần tổng hợp lại, tổ chức bàn giao nhà, thu tiền theo các đợt trong năm. Việc này tránh mua lẻ tẻ mà dễ tiêu thụ căn hộ hơn. "Nếu để kéo dài tình trạng này, các chung cư càng xuống cấp càng rất khó bán. Hơn nữa, số vốn bỏ ra không thu về được lợi nhuận cho thấy đầu tư hoang phí" - ông Kim cảnh báo.
TP HCM còn tồn 14.000 căn hộ
Báo cáo từ Sở Xây dựng TP HCM cho biết hiện TP còn dư gần 14.000 căn hộ TĐC, tập trung chủ yếu ở 2 khu vực Vĩnh Lộc B và Thủ Thiêm. Trong số này, TP dự kiến dành 1.000 căn sử dụng mục đích phòng ngừa thiên tai, sự cố; 5.500 căn bán đấu giá; số còn lại tiếp tục phục vụ mục đích TĐC.
Người lao động