Tìm ra "căn bệnh" của các dự án thua lỗ để xử lý
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: “Điều chúng ta lo ngại không chỉ là giá trị rất lớn của các dự án sẽ bị lãng phí mà còn phải tìm ra “căn bệnh”, căn nguyên để có biện pháp xử lý khắc phục, không để xảy ra tình trạng tương tự”.
- 06-01-2017Thêm 7 dự án thua lỗ ngàn tỉ, ngành công thương “è cổ” trả nợ
- 31-12-2016Giải pháp xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương
- 29-12-2016Thủ tướng yêu cầu xử lý kịp thời 12 dự án thua lỗ tại Bộ Công Thương
Bên lề Hội nghị Tổng kết của ngành Công Thương diễn ra ngày 6-1, ông Trần Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi với báo chí về những “mệnh lệnh” mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu.
Trong phần kết luận tại hội nghị tổng kết của ngành Công Thương ngày 6-1, Thủ tướng đã đưa ra nhiều nhiệm vụ đối với ngành Công Thương trong thời gian tới. Nhiệm vụ nào sẽ là nhiệm vụ ưu tiên, thưa ông?
Với những nhiệm vụ Thủ tướng nêu ra, tôi cho rằng có mấy vấn đề cần tập trung quyết liệt.
Việc đầu tiên đó là nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn thể chế. Môi trường kinh doanh phải làm sao giải phóng tối đa lực lượng sản xuất, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế bình đẳng có thể tiếp cận thị trường, khai thác nguồn lực của quốc gia để phục vụ cho việc phát triển kinh tế- xã hội.
Chúng ta đang đi đến giai đoạn “sinh- tử” khi hội nhập sâu rộng vào thế giới, nếu năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của sản phẩm, của doanh nghiệp không được đảm bảo thì chúng ta sẽ thua.
Việc thứ hai cũng liên quan đến hội nhập. Chúng ta đã có những "khung" hội nhập sâu, rộng, cơ hội lớn tiếp cận thị trường nước ngoài nhưng phải làm sao sử dụng công cụ hội nhập. Bên cạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc bảo vệ hệ thống sản xuất trong nước, thị trường nội địa bằng những công cụ, biện pháp phù hợp với các cam kết hội nhập là việc cần thiết.
Việc thứ ba là việc đổi mới mô hình tăng trưởng. Mô hình tăng trưởng dứt khoát không thể là mô hình tăng trưởng nóng về tốc độ mà phải hướng tới chất lượng của tăng trưởng và chiều sâu. Có nghĩa là, hàm lượng công nghệ, năng suất lao động, nhân tố tổng hợp phải đóng vai trò thiết yếu trong giá trị gia tăng và giá trị sản phẩm. Phải có sự kết nối giữa các cơ quan nhà nước tạo thuận lợi trong việc đưa ứng dụng công nghệ để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, quản trị doanh nghiệp.
Việc thứ tư là tiếp tục đổi mới doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp lại hiệu quả. Đi kèm với đó là hoàn thiện thể chế để đảm bảo việc quản trị của các doanh nghiệp hiệu quả hơn, quản trị nguồn lực quốc gia tốt hơn, tránh tham ô, lãng phí, sử dụng không hiệu quả, đồng thời khắc phục giải quyết những vấn đề còn tồn tại (những dự án nghìn tỷ- PV) đang gây bức xúc xã hội.
Điều chúng ta lo ngại không chỉ là giá trị rất lớn của các dự án này sẽ bị lãng phí mà còn phải tìm ra “căn bệnh”, căn nguyên để có biện pháp xử lý khắc phục. Việc xử lý, khắc phục không chỉ bằng giải quyết đơn thuần các dự án đó mà chúng ta phải rút ra bài học kinh nghiệm để hoàn thiện về thể chế, pháp luật nhằm ngăn ngừa, đảm bảo không xảy ra các tình trạng tương tự.
Thủ tướng có nhấn mạnh đến 12 dự án nghìn tỷ và khẳng định phải quyết liệt cổ phần hóa cũng như không đầu tư thêm ngân sách Nhà nước vào những dự án này. Bộ Công Thương sẽ giải quyết ra sao?
Ngay sau khi có những chất vấn tại Quốc hội, Chính phủ đã có những bước đi cụ thể và có quyết định thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo của Bộ Công Thương để giải quyết dứt điểm những dự án tồn đọng.
Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ trực tiếp cùng lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiêp đang quản lý những dự án tồn đọng đó tổ chức kiểm tra đánh giá toàn bộ dự án về giá trị tài sản, sự khả thi, hiệu quả của dự án… để tìm ra giải pháp thu hồi lại tài sản Nhà nước, giảm bớt mất mát về nguồn lực xã hội. Nếu dự án còn khả thi, có cơ hội hồi phục và phát triển, sẽ có các giải pháp để thực hiện.
Bộ Công Thương sẽ xem xét làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tập thể đơn vị có liên quan đến các dự án đó, từ đó căn cứ các khung pháp lý để có biện pháp xử lý phù hợp về mặt trách nhiệm. Mặt khác, Bộ Công Thương cùng các bộ quản lý có liên quan cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm để hoàn thiện khung khổ pháp lý, đảm bảo quản lý các doanh nghiệp nhà nước, nguồn lực đầu tư công… không để xảy ra tình trạng từ lúc phê duyệt, quản lý cho đến khi thực hiện dự án có những nguy cơ mất vốn, thất thoát tài sản, tham ô.
Vấn đề đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước là định hướng lớn của Chính phủ và chúng tôi vẫn đang tiến hành. Thời gian qua, dù đã thực hiện theo đúng tiến độ nhưng chất lượng của việc thoái vốn, cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu. Do vậy, Bộ Công Thương sẽ rút kinh nghiệm trong việc hoàn thiện thể chế, hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện thuận lợi hơn. Bởi lẽ, cổ phần hóa không chỉ đơn thuần là thoái vốn, bán đi cổ phần thành công mà còn phải chống thất thoát, mất đi tài sản của Nhà nước, đồng thời giải quyết thỏa đáng vấn đề liên quan đến người lao động…
Ngoài những vấn đề trên, Thủ tướng có nhắc đến việc đảm bảo cân đối nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế, đồng thời tái cơ cấu ngành Công Thương mạnh mẽ hơn để “chúng ta có một số sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV”. Bộ Công Thương sẽ thực hiện chỉ đạo này thế nào?
Với quy mô nền kinh tế lớn- đất nước 100 triệu dân, tăng trưởng GDP mỗi năm 7% thì có thể thấy, nhu cầu đầu vào cho nền kinh tế cũng như nhu cầu cho đời sống nhân dân về điện, xăng dầu, nhu yếu phẩm... lớn như thế nào. Nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, áp lực lớn cho tất cả các lĩnh vực phải cạnh tranh với các sản phẩm bên ngoài, đảm bảo tránh sự phụ thuộc nguồn cung bên ngoài gây bất ổn.
Thủ tướng đã nói nhiều đến tăng trưởng xuất khẩu nhưng không quên yêu cầu đảm bảo xuất khẩu bền vững. Điều đó có nghĩa rằng, chúng ta không để phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, không thể trông đợi vào một số ngành hàng có lợi thế tạm thời, trông chờ vào một số ưu đãi của thị trường nhất định trong các khung khổ của các hiệp định thương mại tự do. Để làm được việc này phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo năng lực cạnh tranh, đặc biệt là những năng lực cạnh tranh dựa trên nhân tố có giá trị gia tăng cao như công nghệ, năng suất lao động.
Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ IV đang đến, có những vấn đề đang đặt ra cho ngành Công Thương, cũng như nền kinh tế những năm 2017. Ví dụ, công nghiệp dệt may, da giày… sử dụng lao động lớn sẽ phải đối mặt với áp lực từ robot hóa và tin học tự động hóa.
Xin cảm ơn ông!
Báo hải quan