Tìm thấy “tủ lạnh” cách đây 2.500 năm, công nghệ hiện đại không thể tạo ra phiên bản
Dù được chế tạo cách đây khoảng 2.500 năm nhưng chiếc “tủ lạnh” này có cấu trúc và vẻ ngoài phức tạp đến mức công nghệ hiện đại không thể làm giả.
- 20-06-2023Tủ lạnh 500 triệu và hàng loạt đồ gia dụng đắt đỏ của ca nương Kiều Anh
- 04-06-2023Bạn thân đến nhà Diệp Lâm Anh, phát hiện 'tủ lạnh đồng hồ' trong căn phòng vô giá
- 30-04-2023Chiếc tủ lạnh trông như đồ cổ, giá cũng ngang ngửa tủ lạnh "xịn": Có gì mà được dân mạng bàn tán?
Bảo vật được coi là phát minh đi trước thời đại chính là chiếc "tủ lạnh" độc đáo được chế tác cách đây 2.500 năm.
Vào năm 1978, cách thành phố Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) khoảng 2 km về phía tây bắc, các nhà khảo cổ đã tìm thấy vật thể lạ trong lăng mộ của Tăng Hầu Ất, một vị vua chư hầu của nhà Chu thời Chiến Quốc. Đây là một trong số 15.404 cổ vật gồm nhiều đồ đồng, vàng, ngọc, đồ gốm, gỗ sơn mài... được khai quật từ lăng mộ Tăng Hầu Ất.
Vật thể kỳ lạ có hình vuông, với chiều dài, chiều rộng là 63 cm, chiều cao 63,2 cm và nặng tới 170 kg do được làm hoàn toàn bằng đồng. Chất liệu và thiết kế trang trí xung quanh cổ vật này đều bằng đồng.
Sau khi nghiên cứu cẩn thận, các chuyên gia tin rằng đây chính là một chiếc "tủ lạnh" thời cổ đại và nó được gọi là băng giám. Trên thực tế, trong sách "Chu Lễ" cũng có nhắc đến một đồ vật dùng để đựng thức ăn gọi là băng giám. Vật dụng này giống như một cái hộp, nhưng ở trong trống rỗng. Người xưa chỉ cần đổ nước vào và để thức ăn vào bên trong. Cách làm đơn giản này giúp thức ăn tươi ngon và không bị ôi thiu trong một khoảng thời gian.
Cấu tạo của "tủ lạnh" 2.500 năm
Theo các chuyên gia, chiếc băng giám được tìm thấy trong lăng mộ Tăng Hầu Ất có thiết kế gồm 2 phần chính. Cụ thể, phần bên ngoài của chiếc hộp bằng đồng này được gọi là Giám. Đây là nơi có thể đựng được đồ ăn, nước và rượu. Còn phần bên trong gọi là Phẫu. Dụng cụ này trông như bộ phận trung gian ở bên trong nhưng được đặt cố định và không chạm đáy.
Điểm đặc biệt là ở giữa Giám và Phẫu lại có một khoảng hở lớn. Các chuyên gia cho rằng, khoảng trống này chính là nơi có thể trữ đá lạnh, băng vào mùa hè, còn mùa đông thì giữ nước nóng. Người xưa có thể cho rượu, đồ ăn hoặc trái cây đặt vào trong Phẫu. Bằng cách này, đồ ăn có thể được hâm nóng, trái cây có thể được ướp lạnh…
Mặc dù có chức năng khá giống với tủ lạnh thời hiện đại, nhưng công nghệ ngày nay vẫn chưa có cách nào tạo ra phiên bản của chiếc băng giám, bảo vật 2.500 năm trong lăng mộ Tăng Hầu Ất.
Theo các chuyên gia, chiếc băng giám bằng đồng này được chế tác thủ công rất tinh xảo và tương đối phức tạp, nên rất khó có thể làm hàng giả, hàng nhái. Mặt khác, cách đây 2.500 năm, không phải gia đình nào cũng có điều kiện sử dụng bảo vật hiếm có này. Đây là bảo vật có nhiều ưu điểm vượt trội khi vừa có thể phát huy công dụng trong cả mùa đông và mùa hè.
Xét về chức năng của băng giám, nó có nhiều điểm tương đồng với các sản phẩm công nghệ hiện đại và thậm chí còn ra đời sớm hơn tủ lạnh tới hơn 2.000 năm. Điều này cũng là minh chứng cho thấy tài năng và trí tuệ của người xưa thật đáng khâm phục.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những chiếc "tủ lạnh" với nhiều kích cỡ, hình dạng và chất liệu khác nhau đã trở nên phổ biến trong đời sống quý tộc thời Chiến Quốc. Sau thời nhà Hán, đồ vật cồng kềnh này đã trở nên nhẹ hơn do được thay thế vật liệu đồng bằng gỗ sơn mài.
Hơn nữa, cấu trúc của những chiếc băng giám này cũng ngày càng giống hình hộp, với thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi và công năng không ngừng được tối ưu hóa. Chúng không chỉ có thể làm lạnh đồ uống, trái cây mà còn có vai trò quan trọng giúp làm mát và lưu trữ thực phẩm.
Hai chiếc băng giám được khai quật từ lăng mộ Tăng Hầu Ất đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Một cái đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, một cái nằm ở Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Toutiao, Sina
Phụ nữ Việt Nam