MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng chảy mạnh vào nền kinh tế, riêng tháng 12 tăng thêm 500.000 tỷ

03-01-2024 - 10:15 AM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ trong 4 tuần của tháng 12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm gần 520.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023.

Phát biểu tại buổi họp báo Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%, đạt khoảng 13,6 triệu tỷ. Mặc dù, kết quả trên thấp hơn con số kỳ vọng là 14 – 15% nhưng mức thấp hơn không nhiều.

"Mặc dù tăng 13,5%, nhưng trên nền số dư khoảng 12 triệu tỷ vào cuối năm 2023 thì chúng tôi đã đưa vào nền kinh tế gần 1,5 triệu tỷ đồng", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Trước đó, theo số liệu tính đến ngày 30/11 của NHNN, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ các năm. Như vậy, chỉ trong 4 tuần cuối tháng 12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm gần 520.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023.

Tín dụng chảy mạnh vào nền kinh tế, riêng tháng 12 tăng thêm 500.000 tỷ - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, năm 2023 diễn ra với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị; ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục neo giữ lãi suất điều hành ở mức cao. Trong nước, các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đơn hàng, thị trường sụt giảm....

Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, ngày 17/01/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành thực hiện nghiêm túc các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng năm 2023. Bên cạnh đó, NHNN đã nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Các giải pháp điều hành và những kết quả ngành Ngân hàng đạt được thể hiện trong một số điểm nổi bật.

Thứ nhất, điều hành CSTT đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 3,2-3,4%. Hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối và NHNN đã mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng là những yếu tố góp phần để Fitch nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Thứ hai, liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các NHTM đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.

Thứ ba, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền; thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Thứ tư, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5% (thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng cao trên thế giới), hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong đó, đặc biệt là tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt hồ sơ vay, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc; gia tăng các chương trình, sản phẩm tín dụng đặc thù, ưu đãi..., tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng. Nhiều chương trình tín dụng được triển khai nhằm thực hiện tốt chính sách xã hội, góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ năm, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Thứ sáu, các chỉ số TTKDTM tăng trưởng khả quan; năm 2023, số lượng giao dịch TTKDTM tăng từ 50,3-99,1%, giá trị tăng từ 5,4-10,8% tùy phương thức thanh toán; các hệ thống thanh toán được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn. Ngành Ngân hàng cũng là ngành tiên phong trong chuyển đổi số; nhiều sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách hàng đã được số hóa, trong đó nhiều nghiệp vụ đã số hoá 100% góp phần hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí cho nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ bảy, hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, vừa bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn vừa bám sát yêu cầu thực tiễn, đáp ứng kịp với xu thế và chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Quang Hưng

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên