Tín dụng của TP HCM tăng thấp, có đáng lo?
Là đầu tàu kinh tế cả nước nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng của TP HCM lại đang thấp hơn so với mặt bằng chung.
- 10-09-2024Một nhà băng dừng toàn bộ dịch vụ thẻ tín dụng quốc tế Visa, chuyển hoàn toàn sang thẻ tín dụng nội địa
- 07-09-2024Phó Thống đốc: Nền kinh tế đã khởi sắc rất nhiều, NHNN tự tin đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%
- 06-09-2024Dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TPHCM tiếp tục tăng
Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM, xung quanh vấn đề trên.
Hấp thụ vốn còn thấp?
Phóng viên: Là đầu tàu kinh tế cả nước nhưng số liệu tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng theo công bố của Cục Thống kê TP HCM chỉ đạt 4,5% (cả nước tăng 6,63%), theo ông vì sao?
- Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH: Số liệu tăng trưởng tín dụng 8 tháng trên địa bàn theo báo cáo của Cục Thống kê TP HCM là số liệu dự ước. Hiện tại vẫn chưa có số liệu thực tế. Tuy nhiên, phân tích về mặt kỹ thuật, nếu tăng trưởng tín dụng của cả nước là 6,63% thì số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng của TP HCM sẽ cao hơn số liệu dự ước 4,5%. Sở dĩ sẽ có sự thay đổi này là vì dư nợ tín dụng trên địa bàn luôn chiếm tỉ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng của cả nước (khoảng 26%-27%) và tăng trưởng tín dụng của TP HCM góp phần quan trọng trong tăng trưởng tín dụng của cả nước, cũng như thực hiện nhiệm vụ định hướng của ngành NH.
Ở góc độ vĩ mô và đặt trong mối liên hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế, tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngược lại tăng trưởng kinh tế, sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Với ý nghĩa đó, tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để làm rõ nguyên nhân và các yếu tố tác động cần có phân tích, đánh giá toàn diện từ cơ chế, chính sách về tiền tệ tín dụng; hoạt động tín dụng của ngành NH và các giải pháp thực hiện đến hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhu cầu vốn của DN và nền kinh tế.
Trong điều kiện hiện nay, với chính sách lãi suất thấp và cơ chế chính sách về tín dụng tập trung hỗ trợ DN, cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN đã và đang được ngành NH thực hiện tốt thì tăng trưởng tín dụng phụ thuộc nhiều vào nhu cầu vốn từ nền kinh tế và khả năng hấp thụ vốn của DN.
Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế vẫn chưa cải thiện nhiều, có nguyên nhân nào đặc biệt không?
- Đúng vậy, nhu cầu vốn và khả năng hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả. Thực tế, với quy mô tín dụng trên địa bàn TP HCM hiện nay khoảng 3,6 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 1% trong 1 tháng sẽ tương đương khoảng 36.000 tỉ đồng, là rất lớn. Việc hấp thụ lượng vốn này, đòi hỏi tốc độ tăng trưởng kinh tế tương ứng, đặt trong mối liên hệ giữa tín dụng và GRDP.
Ở góc độ này, với các giải pháp về tăng tổng cầu, tập trung vào các động lực tăng trưởng: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng, đã và đang có những chuyển biến tích cực từ hoạt động xuất khẩu; tiêu dùng và du lịch dịch vụ. Các giải pháp quyết liệt về giải ngân đầu tư công… sẽ là các yếu tố kích thích và tạo hiệu ứng tăng trưởng chung, đồng thời là yếu tố môi trường kinh tế - xã hội thuận lợi kích thích tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Tiếp tục các giải pháp hỗ trợ
NHNN Chi nhánh TP HCM đã và đang triển khai những giải pháp nào để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ kết nối NH và DN tiếp cận vốn?
- Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của NHNN nhằm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch đã đề ra; đồng thời là nhiệm vụ giải pháp tiền tệ tín dụng của NHNN năm 2024.
Ở góc độ địa phương, ngành NH thành phố tập trung làm tốt công tác triển khai cơ chế, chính sách về tiền tệ tín dụng trên địa bàn. Trong đó có các giải pháp hỗ trợ DN, đáp ứng nhu cầu vốn cho DN gắn với việc thực hiện tốt các chính sách về lãi suất, tín dụng… như giảm lãi suất cho vay đối với DN; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; cho vay 5 nhóm ngành - lĩnh vực: xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; DN nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao... Giải ngân các gói tín dụng ưu đãi và thực hiện tốt chương trình kết nối NH với nội hàm ký kết cho vay vốn; đối thoại và truyền thông chính sách; phối hợp với sở, ngành và hiệp hội DN trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN...
Làm tốt các hoạt động này không chỉ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn và dịch vụ NH mà còn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế. Đây cũng sẽ là giải pháp trọng tâm, ngành NH thành phố tiếp tục triển khai thực hiện từ nay đến cuối năm.
Yêu cầu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phải đi cùng chất lượng tín dụng, trong bối cảnh nợ xấu "nhích" nhanh gần đây, NHNN Chi nhánh TP HCM đã triển khai tới các tổ chức tín dụng ra sao?
- Để thực hiện nhiệm vụ này, ở góc độ quản lý, ngành NH thành phố đã tập trung thực hiện tốt các giải pháp về tiền tệ tín dụng và hoạt động NH theo Chỉ thị 01 của NHNN. Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng trên địa bàn, giữ ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động NH; cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và thực hiện tốt nhiệm vụ địa phương của NHNN trên địa bàn… Điều này giúp vừa đẩy vốn vào sản xuất - kinh doanh vừa kiểm soát nợ xấu.
Phân nhóm ngành nghề để cho vay
Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc NH Quân đội (MB), cho biết tính đến gần cuối tháng 8-2024, tăng trưởng tín dụng của MB đạt 10,44% (hơn 679.000 tỉ đồng). MB dự kiến sẽ được tăng trưởng thêm khoảng 14.000 tỉ đồng và NH đã sẵn sàng với kế hoạch tăng trưởng 20%-25% nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng.
Để thúc đẩy tín dụng từ nay tới cuối năm, MB đã phân nhóm các ngành nghề trong hoạt động tín dụng để phân bổ room tăng trưởng và điều hành hoạt động kinh doanh. Trong đó, tiếp tục định hướng vào danh mục bán lẻ, cho vay sản xuất - kinh doanh, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Người lao động