Tín dụng đen “bủa vây” những tháng cuối năm
Khó tiếp cận vốn ngân hàng, cần tiền đột xuất… khiến nhiều người phải tìm đến tín dụng đen, điều này đã tạo điều kiện cho tín dụng đen phát triển mạnh.
- 17-11-2019Vay tiêu dùng cuối năm: Tỉnh táo để tránh mắc bẫy "tín dụng đen"
- 14-11-2019Cận tết khát tiền, tín dụng đen chờ cửa, lãi ‘cắt cổ’ 10.000 đồng/triệu/ngày
- 14-11-2019Nhiều giải pháp được thực thi, vì sao tín dụng đen vẫn bành trướng?
Còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm này, nhu cầu vay tiền mặt của người dân tăng rất cao, song không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Nắm bắt được tâm lý này, tín dụng đen đã “luồn lách”, thâm nhập vào mọi ngõ khách, khu phố để mời chào khách hàng. Vẫn với cách “tiếp thị” có từ nhiều năm nay như: thủ tục vay đơn giản, giải ngân ngay trong ngày hoặc sau vài giờ, lãi suất thấp… nhằm “hút” khách vay tiền.
Mặc dù lãi suất “cắt cổ” nhưng khách hàng của thị trường tín dụng đen vẫn không hề thiếu. Các đối tượng vay rất đa dạng, không chỉ có doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, tín dụng đen còn nhắm đến cả những người nghèo, công nhân, người có trình độ thấp... gặp khó khăn đột xuất về tài chính dịp cuối năm. Lượng tiền cần vay của những đối tượng này không lớn nhưng số lượng người vay lại khá nhiều. Do không tìm hiểu rõ về cách tính lãi suất nên dễ bị sập bẫy, phải trả lãi gấp nhiều lần tiền vay gốc.
Tín dụng đen bùng phát mạnh những tháng cuối năm.
Cách thức phổ biến nhất hiện nay là những tổ chức này thường núp bóng doanh nghiệp, không cần làm hợp đồng vay, chỉ làm hợp đồng dân sự mua bán tài sản, sau đó cho chính chủ nhân thuê lại với giá “trên trời”.Theo ước tính của các chuyên gia tài chính, quy mô tín dụng đen hiện chiếm từ 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, với số tiền từ 400.000 - 500.000 tỷ đồng. Trước sự bùng nổ của tín dụng đen, cơ quan chức năng đã mở nhiều đợt truy quét, tuy nhiên, hoạt động tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, liên tục thay đổi cách thức hoạt động để qua mặt cơ quan chức năng.
Ngoài hình thức cho vay trực tiếp, tín dụng đen còn bùng nổ mạnh mẽ qua qua hình thức cho vay trực tuyến. Những công ty này đều đưa ra mức lãi suất “cắt cổ”, từ vài chục % đến vài trăm %.
Với lãi suất cao như vậy, tín dụng đen đã khiến nhiều người vay tiền rơi vào tình cảnh “sống dở, chết dở”. Chị Trần Thu Hường ở Cầu Giấy (Hà Nội), người từng vay tín dụng đen cho biết, cách đây 6 tháng do có việc gấp, chị phải vay 50 triệu đồng qua tín dụng đen, với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày, sau 5 tháng, riêng tiền lãi chị phải trả tới 37.500.000 đồng, tiền gốc thì vẫn còn nguyên. Hàng tháng, chị phải dành ra một khoản tiền để trả lãi, nếu không trả đúng hẹn thì lãi lại cộng vào tiền gốc rồi lại tiếp tục bị tính lãi trên số tiền đó… Đến thời điểm hiện tại, chị vẫn chưa thể trả hết số tiền đã vay, chị Hường lo lắng, không biết đến khi nào mới có thể trả xong “món nợ” này.
Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính-ngân hàng, sở dĩ tín dụng đen vẫn phát triển mạnh là vì thị trường này phù hợp với nhiều đối tượng vay, họ có một phân khúc, một doanh nghiệp, một loại hình riêng và đặc thù.
Ví dụ, đối tượng của ngân hàng là các doanh nghiệp, cá nhân đủ hồ sơ thì vay thế chấp, với công ty tài chính thì khách hàng phải chứng minh được thu nhập, có thể thông qua tiền lương, thông qua thu nhập thụ động, tiền cho thuê nhà, tiền tiết kiệm… Còn với cho vay ngang hàng, cho vay P2P trên mạng và cho vay tín dụng đen thì mọi điều khoản cho vay rất gọn nhẹ, chứng minh thu nhập, chứng minh tài sản đảm bảo dễ dàng, nhanh chóng…
Do đó, những đối tượng không vay được từ công ty tài chính, ngân hàng thương mại thì họ lên mạng vay online, vay tín dụng đen… Đây chính là mảnh đất “màu mỡ” cho tín dụng đen phát triển mạnh.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho hay, về khía cạnh kinh tế, hiện nay, người dân vẫn khó tiếp cận quỹ tín dụng nhân dân hoặc nguồn vốn của các tổ chức tín dụng khác, thành ra họ gặp nhiều khó khăn về vốn, không còn cách nào khác họ đã phải tìm đến tín dụng đen.
Cũng theo luật sư Hà, với tín dụng đen, trong bộ luật hình sự vẫn quy định về việc xét xử hình sự đối với người cho vay nặng lãi, đây là chế tài tương đối nặng. Tuy nhiên, việc thực thi còn gặp khó vì bản chất của việc vay hoặc cho vay liên quan đến cá nhân nhiều hơn, chỉ khi người vay sợ bị xã hội đen đòi nợ hoặc không thể trả được nợ thì mới báo cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, để phát hiện ra một đường dây tín dụng đen cũng không hề dễ vì tín dụng đen hoạt động không công khai, núp bóng, khiến cơ quan chức năng khó phát hiện và xử lý.
“Để hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, các tổ chức tín dụng hoặc các ngân hàng cần có nhiều gói vay linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân, nhất là dịp cuối năm với những nhu cầu chính đáng như sửa nhà hoặc giải quyết các nhu cầu cá nhân. Về phía cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an, cần kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, thuyết phục chủ của các đường dây tín dụng đen hạn chế hoặc ngừng cung cấp dịch vụ này”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu rõ./.
VOV