MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng đen bủa vây sinh viên

01-04-2019 - 09:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Dịch vụ tín dụng sinh viên rất dễ tiếp cận nhưng “bủa vây” bằng mức lãi suất trên trời khiến nhiều người phải bỏ dở học hành vì áp lực nợ nần...

Lãi suất gấp gần 20 lần ngân hàng

Dạo một vòng quanh các trường đại học, các xóm trọ đông sinh viên, dễ dàng bắt gặp những tờ giấy giới thiệu hỗ trợ vay vốn sinh viên được dán chi chít trên những bước tường, cột điện.

Gọi theo số điện thoại ghi trên tờ thông tin đó, tôi được hẹn đến một văn phòng tại phố Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong căn phòng đơn sơ chỉ một bàn làm việc, ba nhân viên ngồi trước máy tính và hàng đống giấy tờ. Với lý do vay tiền đóng học phí, một người yêu cầu tôi xuất trình chứng minh thư (CMT), thẻ sinh viên (TSV) và tài khoản trên cổng thông tin trường tôi đang học. Sau khi xem xét, họ “duyệt” cho tôi khoản vay 5 triệu đồng, với lãi suất 5 nghìn đồng/triệu/ngày.

Tôi được đưa một tờ giấy vay, trên ghi thời hạn vay là một tháng, với lý do vay là “cắm” một chiếc xe máy!? Tôi phải điền đầy đủ thông tin từ họ tên, quê quán, địa chỉ phòng trọ, số phòng, số CMT, số tài khoản sinh viên kèm mật khẩu... Mặt sau của tờ giấy vay, tôi phải ghi tất cả những thông tin và số điện thoại có liên quan: bố mẹ, anh chị em ruột; 5 thông tin và số điện thoại của họ hàng; 5 thông tin và số điện thoại của bạn cùng lớp; 5 thông tin và số điện thoại của bạn cùng chơi và sau cùng là thông tin một người thân của tôi ở Hà Nội (nếu có).

Khi đã hoàn thành thủ tục giấy tờ, một nhân viên “mượn” điện thoại của tôi để kiểm tra danh bạ xem có đúng những số tôi lưu trùng hợp với thông tin ghi trên giấy. Tôi phải gọi cho bố hoặc mẹ, bật loa ngoài và nói chuyện, hỏi thăm sức khỏe, chuyện nhà để kiểm chứng đó đúng là bố (mẹ) tôi. Và tôi phải để lại CMT và TSV tại đây.

Sau cùng, họ đưa tôi hai cuốn sổ một là sổ tiền vay, còn lại là sổ tiền lãi, trong đó là một loạt tên, số tiền và chữ ký tôi phải ký cả hai. Tôi được đưa cho số tiền 4 triệu đồng kèm giải thích: “Cắt lãi 10 ngày đầu em nhé! Đóng lãi trước 30 ngày sau!”. “Cắt lãi là sao ạ?”, tôi hỏi. “Là dù em trả hết gốc trong 10 ngày đầu thì em vẫn mất 250 nghìn lãi”, người này nói.

Được người quen giới thiệu, tôi tiếp tục tìm đến một văn phòng đề biển quảng cáo: “Cầm đồ sinh viên: Đảm bảo - Uy tín - Lãi suất thấp” trong con phố Trần Quốc Vượng. Tôi được một người đàn ông tên Đ. tiếp và hướng dẫn, cách thức, thủ tục, lãi suất cơ bản giống cơ sở bên Dịch Vọng. Tuy nhiên, cơ sở này còn yêu cầu kiểm tra cả điểm, lực học và số môn nợ, số học phí tôi đã đóng và còn thiếu.

Liên hệ với một trang web được quảng cáo hỗ trợ sinh viên với lãi suất 1-2 nghìn/ngày, tôi được mời đến một văn phòng tại đường Láng. Cơ sở này có biển tên, biển quảng cáo, được trang bị hệ thống camera từ ngoài vào trong. Bước vào, tôi được ba người đàn ông xăm trổ hỏi chuyện, yêu cầu khai báo đầy đủ thông tin như hai cơ sở đầu. Tuy nhiên, trong suốt quá trình làm việc, tôi không được phép cầm điện thoại của mình, trừ trường hợp có người gọi. Sau khi “hỏi xoáy đáp xoay” đủ chủ đề, tôi được duyệt khoản vay đến 10 triệu đồng, lãi 3 nghìn đồng/triệu/ngày đối với 16 ngày đầu, và tăng lên 4 nghìn đồng/triệu/ngày cho những ngày tiếp theo, lãi đóng 15 ngày/lần, cắt lãi 15 ngày đầu đối với khoản vay dài hạn (trên 16 ngày).

Trong thời gian tôi chờ xem xét về khoản vay, một bạn sinh viên đến văn phòng này xin mượn lại CMT để đi thi thì được yêu cầu: Phải đặt cọc lại khoản vay hoặc có người thân ngồi chờ tại văn phòng trong suốt quãng thời gian thi.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, 5 nghìn đồng/triệu/ngày là mức lãi suất phổ biến nhất hiện giờ đối với dịch vụ tín dụng cho sinh viên, tương đương khoảng 0,5%/ngày, 180%/năm, gấp gần 20 lần so với lãi suất cho vay trung bình của hệ thống ngân hàng hiện nay (khoảng 9-10%/năm). Một số rất ít cơ sở áp dụng mức lãi 3-4 nghìn đồng/triệu/ngày.

“Chạy nợ”, dang dở học hành

"Theo luật sư Nguyễn Thị Yến, Công ty Luật TNHH Everest: “Chưa xét đến việc có đăng ký kinh doanh hay không, chiếu theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, xét về lãi suất cho vay, các cá nhân (tổ chức) cho vay vốn với mức lãi suất kể trên đều vi phạm Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó quy định lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Bên cạnh đó, Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, có thể bị phạt tiền cao nhất đến 1 tỷ đồng, phạt tù cao nhất đến 5 năm. ”

Đ.T.P từng là sinh viên trường Đại học Lao động và Xã hội, cho biết: Năm 2016, P. được “hỗ trợ” cho vay khoảng 14 triệu đồng, lãi suất 5 nghìn đồng/triệu/ngày, dưới sự bảo trợ của “chuyên viên” một công ty đa cấp có tiếng. Là sinh viên, với khoản trợ cấp 1,5 triệu đồng từ gia đình một tháng, mà mỗi ngày phải đóng lãi 70.000 đồng, với P., đó thực sự là ác mộng. P. chia sẻ trong nước mắt: “Không có tiền đóng lãi, em phải bỏ học đi làm. Mà cứ chậm lãi là người ta lại tính gộp vào rồi tăng gốc lên. Chậm trả nợ là bị dọa giết. Em sợ, bố mẹ em cũng sợ, phải đi vay khắp nơi. Em giờ cũng chẳng thể đi học lại được nữa...”.

Anh T.Q.C., sinh viên trường Đại học Thương mại, hiện đang sống và làm việc tại Bắc Giang, từng phải tìm đến tín dụng đen rồi bị thúc lãi, ép nợ chia sẻ: “Cái cách đòi nợ của họ đúng là cả đời này tôi không quên được. Một ngày có thể nã hơn trăm cuộc điện thoại. Chậm trả chừng 10 ngày, họ cho người tìm về tận nhà bố mẹ tôi ở quê. Họ ép bố mẹ tôi phải kí giấy nợ nếu không sẽ giết con trai. Khoản vay 10 triệu từ khi nào biến thành 15 triệu, cộng thêm 10 triệu tiền lãi và cả tiền chi phí chúng thuê xe, thuê người về nhà tôi đòi nợ...”, anh C. chia sẻ. Cũng vì thiếu nợ, anh C. phải trốn chui lủi, để rồi sự nghiệp học hành cũng thành dang dở...

Trong khi đó, tại một số trường đại học, cao đẳng cũng có chương trình hỗ trợ sinh viên vay vốn chỉ với lãi suất 0,5%-0,9%/tháng (6-9%/năm). Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay này không dễ dàng.

Bạn N.T.C., sinh viên trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên - nơi có chương trình hỗ trợ này cho biết: Để được vay, nhà trường yêu cầu phụ huynh viết giấy trình bày lý do phải vay tiền và cam kết khi C. ra trường sẽ hoàn trả đủ số tiền. Nhìn đơn giản vậy, song sau khi đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, C. và rất nhiều bạn vẫn chờ dài cổ và cũng không biết phải chờ đến khi nào!

Bên cạnh đó, các ngân hàng đều có chương trình vay không thế chấp dành cho sinh viên và người tiêu dùng. Tuy nhiên, hồ sơ vay vốn, ngân hàng thường yêu cầu hợp đồng đi làm trên một năm, bảng lương hoặc hóa đơn tiền điện, thẻ ngân hàng giao dịch nhận tiền thường xuyên,... Vậy nên với những sinh viên ở kí túc xá, không đi làm thêm, cơ hội tiếp cận vốn vẫn rất xa vời!

Theo Hương Loan

Báo giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên