Tín dụng đen len lỏi vào các làng Chăm tại tỉnh Bình Thuận
Hình thức cho vay nóng, tín dụng đen còn tồn tại dưới hình thức cho vay tiền mặt không cần thế chấp, cung ứng vật tư phân bón trả bằng “lúa non”...
- 29-08-2018Cho vay nặng lãi “cắt cổ” công nhân nghèo - bài cuối: Giải pháp tài chính để không vướng vào tín dụng đen
- 27-08-2018Tín dụng tiêu dùng- trợ lực đẩy lùi tín dụng đen
- 22-08-2018Quan điểm trái chiều về tín dụng đen
Thời gian gần đây, nhiều tờ rơi với nội dung “cho vay tiêu dùng không cần thế chấp”, rồi “cho vay vốn kinh doanh không cần tài sản đảm bảo”… được phát tới tận tay bà con ở các làng Chăm (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). Lãi suất nghe có vẻ “ưu đãi” hơn vay nóng, nhưng vẫn ở ngưỡng gấp khoảng 5-10 lần lãi suất ngân hàng.
Tuy không cần tài sản thế chấp song người đi vay phải cung cấp một số giấy tờ liên quan như chứng minh nhân dân, hộ khẩu. Ngoài trả lãi hàng tháng, người đi vay nếu muốn vay thời gian ngắn được chọn trả lãi ngày, nhưng lại không quy ra lãi suất cụ thể.
Gia đình chị Thanh Thị Kiệt (ở làng Chăm Mai Lãnh, thuộc xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình) có 5 người, trong đó 2 người là chú và dì ruột chị bị bệnh không làm gì được, hai đứa con thì đang tuổi ăn học, cuộc sống gia đình chỉ dựa vào những ngày đi làm thuê, làm mướn của chị Kiệt nên rất khó khăn. Vừa rồi, để có tiền lo thuốc men cho chú của mình, vì không còn mượn tiền của anh em, họ hàng được nữa, chị Kiệt đành phải vay nóng bên ngoài với số tiền 2 triệu đồng với lãi suất 10%/tháng, mỗi ngày chị Kiệt phải gồng mình trả cả tiền gốc và lãi.
“Chị vẫn biết vay tiền này của tư nhân là lãi rất cao nhưng cũng đành chịu. Hàng ngày tôi phải đi làm thuê để kiếm tiền trả nợ và trang trải cho cuộc sống” - chị Thanh Thị Kiệt bày tỏ.
Tín dụng đen còn tồn tại dưới hình thức cho vay tiền mặt không cần thế chấp, cung ứng vật tư phân bón trả bằng “lúa non”... (Ảnh: An ninh thế giới)
Để có tiền trả các khoản đầu tư chi phí sản xuất cùng với số tiền phải trả ngân hàng và nuôi hai đứa con học Đại học ở TP HCM, chị Oanh buộc phải đi vay bên ngoài với số tiền 50 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng, mỗi tháng số tiền lãi mà chị phải trả là 2,5 triệu đồng.
So với hoàn cảnh của gia đình chị Kiệt, kinh tế gia đình của hai vợ chồng chị Tôn Diên Nữ Hoàng Oanh ở thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp ổn định hơn, với 2 ha ruộng một năm làm ba vụ và 1.200 trụ thanh long đang cho thu hoạch. Theo chị Oanh, vụ thanh long trái mùa trong năm 2017 vừa qua, gia đình chị chong đèn đến 2 lần thì thanh long mới tụ trái, đến khi thanh long chuẩn bị cho thu hoạch thì toàn bộ diện tích vườn của gia đình chị Oanh bị bệnh nấm nên bị thất thu toàn bộ.
“Trường hợp của gia đình tôi là do rủi ro thanh long bị nấm nên không thể thu hoạch được, nên gia đình cũng chẳng biết vay mượn ở đâu mà để trả lãi cho ngân hàng, cũng như tiền cho con ăn học, nên đành chấp nhận đi vay tiền nóng, vẫn biết vay tiền này là lãi rất cao nhưng cũng đành chấp nhận chứ biết sao, anh em bà con thì cũng đã mượn hết rồi” - chị Tôn Diên Nữ Hoàng Oanh nói.
Ở các làng Chăm trong huyện Bắc Bình hiện tại, tín dụng đen vẫn còn tồn tại dưới hình thức là sự thỏa thuận giữa người bán và người mua các mặt hàng như lúa giống, vật tư phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đầu vụ người bán cho mua nợ, chốt số tiền đến cuối vụ thanh toán, đương nhiên trả gốc kèm lãi cắt cổ.
Thậm chí có người còn đi vay ngân hàng với lãi suất thấp, rồi đem cho vay lại với lãi suất cao hơn nhằm hưởng tiền chênh lệch. Theo ông Đặng Văn Khánh, Thôn trưởng thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, Bình Thuận, biết là lãi suất cao, rủi ro nhưng nhiều người phải chấp nhận vì đây có lẽ là cách duy nhất để họ giải quyết vấn đề tài chính.
Lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ ngày một lớn không còn khả năng thanh toán, khiến nhiều người vay vào bước đường cùng, tán gia bại sản. Cũng chính từ tín dụng đen, nhiều vụ vỡ nợ đã xảy ra trên địa bàn, rồi nạn giang hồ đòi nợ ăn theo, đã gây không ít vụ mất trật tự an ninh xã hội thời gian qua.
“Tín dụng đen thường lấy danh nghĩa dịch vụ tín dụng hỗ trợ. Hiện nay, trên địa bàn xã Phan Thanh cũng có nhiều gia đình vay dịch vụ này, do nhu cầu xây nhà lớn, mua điện thoại di động đắt tiền, cũng như mua xe máy với số tiền lớn nên bà con đành phải vay tiền nóng này để thỏa mãn nhu cầu của mình. Khi không đủ khả năng trả nợ thì bị người cho vay thuê giang hồ đến đòi nợ, nhiều gia đình phải đi nơi khác để trốn tránh, làm mất trật tự tại địa phương” - ông Đào Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình cho biết.
Lợi dụng tình trạng bà con "khát vốn”, tín dụng đen đang có chiều hướng lan rộng ở khắp các làng Chăm ở huyện Bắc Bình. Chính quyền và các ban ngành địa phương nên sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả, ngăn chặn tình trạng này tiếp tục lan rộng và tác động không nhỏ tới đời sống và sản xuất của bà con Chăm ở đây./.
VOV