"Tín dụng đen" tăng cận Tết: Cạm bẫy từ những lời mời cho vay
Cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng, lập các tài khoản hội nhóm trên mạng xã hội... là các hình thức "tín dụng đen" đang ngày càng tinh vi với số lãi lên tới hơn 1.000%.
- 07-12-2022Cuối năm, lo tín dụng đen, lừa đảo hoành hành
- 14-09-2022Giúp lao động né 'tín dụng đen'
- 08-09-2022Giả danh nhân viên công ty tài chính đòi nợ như tín dụng đen
Sập bẫy "vay tiền mà không cần thế chấp"
Theo Bộ Công an, cả nước hiện có 26.942 cơ sở cầm đồ với 40.483 người làm nghề. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện hơn 11.300 cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen , tức là chiếm gần một nửa. Đây chỉ là một trong những con số cảnh báo về vấn nạn tín dụng đen. Còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nạn "tín dụng đen" có chiều hướng tăng. Dù đã được cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn liều vay tiền với lãi suất cao.
Nạn nhân "tín dụng đen" trình báo cơ quan công an.
Mừng vì được vay tiền mà không cần thế chấp, một người đi vay đâu biết đó lại là chiêu trò dẫn dụ. Cứ tưởng được họ giúp đỡ lúc khó khăn, nạn nhân này không ngờ mình đã sập bẫy cho vay lãi nặng.
Cùng với nạn nhân trên, còn nhiều người đã mắc bẫy các đối tượng cho vay lãi nặng. Bởi đằng sau những lời mời chào hấp dẫn: thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp … là vô số cạm bẫy từ các đường dây cho vay nặng lãi . Có nhiều người cùng quẫn, tự tử, gia đình ly tán... Áp lực từ những trận cá độ và các khoản nợ cuối năm đã khiến nhiều người nhắm mắt liều thân.
Xác định "tín dụng đen" là nguồn gốc phát sinh nhiều loại tội phạm phức tạp, công an các tỉnh ĐBSCL đã đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này. Qua 1 tháng mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm liên quan đến tín dụng đen, Công an Đồng Tháp đã phát hiện 11 vụ, 37 đối tượng, thu giữ hàng trăm ngàn tờ rơi quảng cáo cho vay.
Ngoài lãi suất cho vay "cắt cổ", người vay tiền còn phải tuân thủ quy định mà các đối tượng cho vay lãi nặng tự đặt ra. Nếu người vay không đóng lãi trong vòng 3 ngày liên tiếp thì phải đóng lại từ đầu, 7 ngày liên tiếp sẽ bị đe dọa hoặc hành hung. Chúng cũng sẵn sàng tạt sơn, tạt mắm tôm, uy hiếp tin thần của người vay nếu không được nhận lãi theo đúng cam kết.
"Tín dụng đen" đội lốt… công ty luật
Vụ việc tín dụng đen mới đây tại TP Hồ Chí Minh rất đáng chú ý, vì đối tượng núp bóng một công ty luật. Công ty Luật TNHH Power Law có trụ ở ở Quận 8, còn chi nhánh là ở địa chỉ 350/80 quốc lộ 1, phường An Phú Đông, Quận 12. Mô hình công ty này không phải "tín dụng đen" nhưng họ lợi dụng không gian mạng chuyên thu mua nợ xấu của các ngân hàng, công ty tài chính, các tổ chức tín dụng, các app cho vay để đòi nợ thuê. Thay vì tư vấn pháp luật thì đã có những hoạt động biến tướng như nhắc nợ của người vay cho các công ty tài chính, ngân hàng nhằm thu lợi bất chính.
Một số đối tượng liên quan Công ty Luật TNHH Power Law bị khởi tố.
Những nhân viên của Công ty Luật TNHH Power Law đã dùng điện thoại di động nhắn tin, gọi điện đe dọa, chửi bới, lợi dụng mạng xã hội để khủng bố bằng cách cắt ghép hình ảnh vu khống đăng trên các trang mạng xã hội hoặc gửi cho người thân, đồng nghiệp của người nợ, đưa thông tin sai sự thật về người vay tiền để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích thu hồi nợ. Từ đó, nhân viên sẽ được hưởng từ 25-50% khoản tiền đòi được.
Lãi suất của những vụ tín dụng đen rất rất cao. 300% là lãi ghi nhận tại vụ tín dụng đen của ổ nhóm hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Thậm chí lãi suất còn lên tới 1.700% trong vụ đường dây nặng lãi tại Hải Phòng. Dù đã được cảnh báo nhưng số vụ án tín dụng đen vẫn rất nhiều.
Năm 2021, cơ quan công an các địa phương trên cả nước đã tiếp nhận, phát hiện 1.047 vụ án, vụ việc và 1.718 người liên quan tới tín dụng đen, qua đó khởi tố 554 vụ, xử phạt hành chính 375 vụ.
Còn 9 tháng đầu năm 2022, chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hà Nội, toàn TP khởi tố 18 vụ với hơn 110 bị can.
Tín dụng đen là vấn đề tồn tại nhiều năm cho dù đã bị triệt phá mạnh mẽ. Bên cạnh những khuyến nghị về chính sách để răn đe ngăn chặn kinh doanh và hoạt động tín dụng đen hay kêu gọi các đơn vị cho vay tạo ra những gói vay hợp lý và ưu đãi thì ý thức của cộng đồng là rất quan trọng.
Nếu người dân vì cả tin, đặc biệt là cảm thấy dễ dãi với những thủ tục vay nợ thì việc gặp rắc rối phiền phức khi đáo hạn là điều khó tránh khỏi. Hãy tìm đến nguồn thông tin chính thức từ các tổ chức tài chính, website tin cậy, tham khảo ý kiến tư vấn chính thống trước khi quyết định vay vốn.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.
VTV.VN