MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng đồng bằng Sông Cửu Long sụt giảm vì hạn hán, xâm nhập mặn

23-03-2020 - 16:56 PM | Tài chính - ngân hàng

Tín dụng ngân hàng khi tín dụng của cả vùng những tháng đầu năm 2020 giảm 0,27% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng giảm 0,56%.

Ngày 23/3/2020, Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm đánh giá tình hình thiệt hại và khó khăn do hạn hán , xâm nhập mặn gây ra tại 5 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang; đồng thời đẩy mạnh triển khai các giải pháp về tín dụng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại.

Theo báo cáo, đến cuối năm 2019, dư nợ cho vay đối với khu vực này đã đạt gần 665,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2018 (cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn quốc 13,7%), trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn  đạt gần 365,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22% (nông nghiệp nông thôn toàn quốc tăng 14,32%), chiếm tỷ trọng gần 55% dư nợ tín dụng toàn khu vực; cho vay các mặt hàng nông sản thế mạnh của khu vực ĐBSCL cũng có mức tăng trưởng tốt như thủy sản tăng 11,8%, lúa gạo tăng 7,5%, rau quả tăng 15,9%.

Dù vậy, từ cuối năm 2019 trở lại đây, khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, cũng như khó khăn riêng của vùng là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện trở lại với mức độ ngày càng gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Điều này cũng tác động không nhỏ đến hoạt động tín dụng ngân hàng khi tín dụng của cả vùng những tháng đầu năm 2020 giảm 0,27% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng giảm 0,56%. Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 2/2020 của 5 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang đến hết tháng 02/2020 thấp dưới 2%.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, ngành ngân hàng đã triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đã được thực hiện rất sớm, từ năm 2016 - là thời điểm đánh dấu tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ở mức độ gay gắt nhất hơn 100 trăm năm qua.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 09/3/2016 để chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, các tổ chức tín dụng chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay; tiếp tục cho vay mới để khách hàng khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất.

Trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Văn bản số 1835/NHNN-TD ngày 18/3/2020 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Cửu Long và các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến tình trạng xâm nhập mặn và thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định; đồng thời cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các các cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là thế mạnh của vùng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay và tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Cũng tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long đã phát biểu, nêu rõ thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng diễn ra ở mức độ gay gắt hơn và dự kiến sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong thời gian tới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp vùng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc giải quyết tình trạng hiện nay của các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần nhiều giải pháp tổng thể, căn cơ, đồng bộ từ phía các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Phó Thống đốc cho biết, với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp vùng đồng bằng Sông Cửu Long, ngành ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng người dân, doanh nghiệp trong vùng, cũng như thực hiện các giải pháp tín dụng giúp bà con vượt qua khó khăn, ổn định, duy trì và phát triển sản xuất.

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên