MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng năm nay có thể tăng trưởng 10 - 11%, lợi nhuận các ngân hàng khó cao như thời gian qua

28-08-2021 - 07:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Tín dụng năm nay có thể tăng trưởng 10 - 11%, lợi nhuận các ngân hàng khó cao như thời gian qua

Theo chuyên gia, do dịch bệnh Covid-19 phức tạp và kéo dài, các ngân hàng được cơ cấu lại nợ, đồng nghĩa với việc nợ xấu tiềm ẩn sẽ còn tăng và dự phòng rủi ro cũng tăng lên.

Theo báo cáo vừa công bố của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 12,17%. Con số này thấp hơn bình quân giai đoạn 2016-2020 là 15,2% nhưng cao nhất khu vực Đông Nam Á. 

Năm 2021, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Thực tế, tăng trưởng tín dụng hết tháng 6/2021 đạt 6,44%, thấp hơn mức tăng 7,36% của cùng kỳ năm 2019, nhưng cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020 (+3,65%), cho thấy hoạt động tín dụng đã có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm 2021.

Với tình hình dịch bệnh còn phức tạp, lực cầu nền kinh tế còn yếu, Nhóm chuyên gia cho rằng, khả năng tín dụng cả năm nay tăng khoảng 10-11%.

Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các NHTM cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn lãi, giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Số liệu mới nhất cho thấy, đến hết tháng 07/2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198 nghìn khách hàng với dư nợ 309 nghìn tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,4 triệu tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn 0,5-2% so với trước dịch với doanh số lũy kế từ đầu dịch đến nay hơn 4 triệu tỷ đồng cho 525 nghìn khách hàng.

Sang tháng 8/2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, NHNN đang lấy ý kiến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 với mục tiêu chính là: mở rộng phạm vi cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với dư nợ phát sinh từ 23/1/2020 đến trước ngày 1/8/2021 (hiện nay là ngày 10/6/2020); gia hạn thời gian thực hiện cơ cấu lại đối với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (hiện nay là ngày 31/12/2021). 

Theo Hiệp hội Ngân hàng, dự kiến sẽ có thêm khoảng 600 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được cơ cấu lại theo Thông tư sửa đổi. Nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu BIDV cho rằng, như vậy, nợ xấu tiềm ẩn sẽ còn tăng và dự phòng rủi ro cũng tăng lên, kéo theo lợi nhuận hệ thống các TCTD sẽ bị ảnh hưởng, khó duy trì đà tăng trưởng như thời gian vừa qua.

Thanh Bình

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên