MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng ngoại tệ tăng mạnh

11-06-2018 - 09:25 AM | Tài chính - ngân hàng

Tín dụng ngoại tệ được ghi nhận tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đưa ra cảnh báo những rủi ro khi doanh nghiệp quá dựa vào nguồn tín dụng này.

Tín dụng tăng, huy động giảm

Ghi nhận từ báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng (NH) cho thấy, huy động USD giảm nhưng cho vay tăng mạnh. Tại BIDV, tiền gửi bằng USD giảm 6,05%, cho vay bằng USD tăng 4,01% so với đầu năm, đạt 96.790 tỷ đồng.

Tương tự tại ACB, tiền gửi bằng USD giảm 8,99%, còn cho vay tăng 8,19% so với đầu năm, đạt 9.570 tỷ đồng.

Một số NH cũng đã có tỷ lệ tăng trưởng cho vay ngoại tệ trên 10%, như MB huy động bằng USD giảm 6,1%, cho vay bằng USD và các ngoại tệ khác tăng 11,9% so với cùng kỳ, đạt 24.056 tỷ đồng. LienVietPostBank có lượng tiền gửi bằng USD giảm 14,01% so với đầu năm, nhưng cho vay tăng mạnh đến 17,08% so với đầu năm, đạt 5.900 tỷ đồng.

Trong quý đầu năm, Vietcombank có lượng tiền huy động tăng trưởng dương với mức tăng 0,5% so với đầu năm, đạt 134.900 tỷ đồng, tương đương 18,5% tổng vốn huy động. Tuy nhiên, cho vay VNĐ của NH chỉ tăng 5,3% so với đầu năm, chiếm 83,2% tổng dư nợ cho vay; trong khi đó cho vay USD và các ngoại tệ khác tăng 11,5% so với đầu năm, chiếm 16,8% tổng dư nợ cho vay.

Trong báo cáo tình hình kinh tế tài chính tháng 4.2018, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 3,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,8%). Trong đó, huy động VNĐ tăng 3,7%, huy động ngoại tệ giảm 3,1%.

Đồng thời, đến cuối tháng 4.2018, tín dụng bằng VNĐ ước tăng 4,1%, chiếm 91,9% tổng tín dụng, trong khi tín dụng bằng ngoại tệ tăng đến 6,3%, chiếm 8,1% tổng tín dụng (cuối năm 2017 là 7,9%).

Theo Nhóm Nghiên cứu Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV, năm 2017 tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm, và đạt khoảng 18% vào thời điểm cuối năm. Nguyên nhân do NHNN gia hạn cho vay ngoại tệ theo Thông tư 31/2016, cộng với diễn biến thuận lợi của thị trường ngoại hối khi cả năm 2017 tỷ giá có xu hướng khá ổn định.

Theo lãnh đạo các NH, năm nay lãi suất huy động USD vẫn tiếp tục giữ ở mức 0%/năm, trong khi chính sách cho vay USD đối với DN có nguồn thu ngoại tệ được gia hạn. Theo đó, xu hướng huy động USD giảm, cho vay USD tăng vẫn duy trì trong những tháng đầu năm.

DN chuộng vay ngoại tệ vì lãi suất cho vay VNĐ 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung, dài hạn; trong khi lãi suất cho vay USD ngắn hạn 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn 4,5-6%/năm.

Trên thị trường liên NH, lãi suất USD khá ổn định, lãi suất kỳ hạn qua đêm đến 3 tháng dao động 1-2,5%/năm như năm ngoái, tức thanh khoản USD rất tốt nên nhu cầu vay USD luôn được đáp ứng.

Song song đó, vùng đệm để đảm bảo an toàn cho thị trường là dự trữ ngoại hối liên tục lập kỷ lục.

Cần chủ động tránh cú sốc tỷ giá

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, dù tín dụng ngoại tệ đang tăng trưởng mạnh, DN hút được nhiều vốn rẻ, nhưng cũng cần thận trọng khi tỷ giá tại các NHTM có nhiều biến động.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn NH HSBC Việt Nam, cho biết việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bám sát lộ trình tăng lãi suất đã đặt ra trước đó và lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng đáng kể trong thời gian gần đây đẩy đồng USD mạnh hơn. Áp lực từ biến động trên thị trường quốc tế đối với tỉ giá USD/VNĐ là khó tránh.

Cùng với đó, các yếu tố cục bộ như nhu cầu thanh toán ngoại tệ theo chu kỳ tăng cao, cán cân thương mại thâm hụt trong tháng 5, dòng vốn ngoại có dấu hiệu đảo chiều trong khoảng 2 tuần cuối tháng 5 đã khiến tỉ giá USD/VNĐ có những bước nhảy vọt với biên độ lớn nhất kể từ đầu năm.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, quý I/2018, tín dụng ngoại tệ tăng 5,4% so với cùng kỳ trong khi tín dụng bằng VNĐ chỉ tăng 3,3% cho thấy nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ tăng cao. Lãnh đạo một số NH nhìn nhận nhu cầu vay ngoại tệ phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) luôn cao trong bối cảnh tỉ giá ổn định thời gian qua và lãi suất vay USD "hấp dẫn" hơn tiền đồng.

Lãnh đạo một NH TMCP phân tích hiện mức chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và USD khoảng 4%, nếu trừ biến động tỉ giá khoảng 1%-2%/năm thì DN vay ngoại tệ vẫn có lợi.

Trong bối cảnh lãi suất USD trên thị trường quốc tế đang tăng cộng thêm áp lực tăng tỉ giá sẽ ảnh hưởng nhất định đến DN vay ngoại tệ. Lúc này, đứng trước những biến động về mặt tỉ giá và lãi suất, các DN phải vay ngoại tệ sẽ gặp rủi ro vì lãi suất và tỉ giá cao.

Ông Ngô Đăng Khoa cho rằng, DN cần chủ động mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm, phòng ngừa rủi ro tỉ giá và lãi suất để tránh những cú sốc khi thị trường có biến động tiêu cực, đồng thời giúp hoạt động kinh doanh của DN ổn định, hiệu quả.

Ngoài ra, việc đồng USD mạnh hơn cùng với đà tăng của lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ là những chỉ báo không mấy tích cực cho thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.

Các khoản vay nước ngoài và nghĩa vụ tài chính bằng đồng USD sẽ đắt đỏ hơn. Sức hút của các thị trường mới nổi và thị trường ngoại biên (gồm cả Việt Nam) trở nên bớt hấp dẫn hơn khi chênh lệch lãi suất thu hẹp, có thể dẫn tới các dòng vốn đầu tư chảy ngược trở về Mỹ.

"Nhưng với lợi thế về nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, cùng nguồn dự trữ ngoại hối tích lũy thời gian qua sẽ bảo đảm nguồn lực cần thiết cho cơ quan quản lý chủ động trong việc điều hành chính sách linh hoạt, ổn định tỉ giá khi cần thiết" - ông Khoa nhận xét.

Theo Gia Miêu

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên